Bỏ phố về quê đưa hạt mắc ca xuất ngoại

CTG - Cuối năm 2022, công ty do chị Nguyễn Thị Thu Phương (31 tuổi, trú xã Phú Lộc, H.Krông Năng, Đắk Lắk) làm giám đốc, bắt đầu xuất khẩu những tấn mắc ca đầu tiên sang thị trường Nhật Bản bằng đường chính ngạch. Đây là sự kiện ghi dấu mốc quan trọng trong hành trình khởi nghiệp của một nữ doanh nhân trẻ ở huyện vùng sâu.

Năm 2014, tốt nghiệp Trường CĐ Thương mại Đà Nẵng, chị Phương ở lại làm việc, mong lập nghiệp lâu dài ở thành phố biển này. Thế rồi, mọi việc thay đổi khi một lần về thăm nhà, chị Phương thấy quê mình trồng nhiều mắc ca nhưng cơ sở chế biến rất ít, bà con nông dân chỉ xuất thô, loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm. 

Bỏ phố về quê đưa hạt mắc ca xuất ngoại - Ảnh 1.
 

Chế biến hạt mắc ca tại công ty của chị Nguyễn Thị Thu Phương

Từ đó, chị Phương nảy ra ý tưởng về quê khởi nghiệp với loại hạt thực phẩm được mệnh danh "nữ hoàng quả khô" này. Năm 2016, chị bỏ phố về quê, xin bố mẹ hỗ trợ và vay mượn được 100 triệu đồng để đầu tư, mua máy dập, máy hút chân không chế biến hạt mắc ca. Thời gian đầu do chưa rành kỹ thuật, bảo quản chưa tốt, sản phẩm làm ra bị hư hỏng, chị Phương thua lỗ khoảng 60 triệu đồng. Chị trở nên hoang mang, suy sụp, nhưng nhờ mọi người động viên nên không bỏ cuộc, quyết tâm làm lại…

Thế rồi, những mẻ hạt mắc ca thơm ngon được chế biến mang thương hiệu "Damaca Nguyên Phương" đã được khách hàng đón nhận, đánh giá cao. Chị Phương cũng nghiên cứu, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý chất lượng sản phẩm; sản xuất thêm sô cô la mắc ca, dầu mắc ca… nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Dần dà, chị Phương kết nối, có thêm nhiều khách hàng ở thị trường nước ngoài như: Hàn Quốc, Pháp, Canada… Từ năm 2020 - 2022, mỗi năm công ty của chị xuất ra thị trường khoảng 70 tấn mắc ca.

Sau khi đến Đắk Lắk khảo sát, đánh giá, cuối năm 2022, Công ty Olty (Nhật Bản) đã ký hợp đồng nhập khẩu 6 tấn hạt mắc ca đầu tiên theo đường chính ngạch với công ty của chị Phương để độc quyền phân phối tại thị trường Nhật. Hiện chị Phương tiếp tục làm việc với đối tác để đưa thêm nhiều sản phẩm hạt mắc ca đến thị trường này trong thời gian tới. Chuẩn bị cho những lô sản phẩm chất lượng cao hướng về những thị trường khó tính, doanh nghiệp của chị Phương đã liên kết với 30 hộ dân và HTX trồng mắc ca trên địa bàn, tạo vùng nguyên liệu riêng, diện tích hơn 50 ha với quy trình chăm sóc đặc biệt. Chị cũng đầu tư nhiều tỉ đồng mở rộng hệ thống xưởng, máy móc với công suất 300 tấn/năm.

Năm 2018, chị Nguyễn Thị Thu Phương đạt giải nhất trong cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk lần 1. Năm 2019, chị vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của. Sản phẩm mắc ca của công ty chị Phương được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk năm 2021, cấp khu vực năm 2022.

Theo TNO