Cánh cửa mở ra việc làm

(CTG) Lần đầu tiên ở Đà Nẵng, sinh viên có một sân chơi để giới thiệu bản thân với các doanh nghiệp và có thể chốt các vị trí việc làm phù hợp với nhu cầu cũng như năng lực của bản thân.

Sinh viên tự “tiếp thị” bản thân

Đầu tháng 4/2023, Thành Đoàn Đà Nẵng lần đầu ra mắt chương trình “Ứng viên tiềm năng”, nhằm kết nối việc làm cho các sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” các cấp. Như một chương trình truyền hình thực tế, tại “Ứng viên tiềm năng” sinh viên và doanh nghiệp có thể trực tiếp trao đổi, thương thảo để “chốt” vị trí việc làm.

Cánh cửa mở ra việc làm ảnh 1

Tại chương trình “Ứng viên tiềm năng”, sinh viên có thể trực tiếp thương thảo và “chốt” vị trí việc làm với các nhà tuyển dụng

Dù mới chỉ là sinh viên năm 2 nhưng đứng trước đại diện các doanh nghiệp, Hồ Lê Phương Như (trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng) rất tự tin, chững chạc. Phần giới thiệu bản thân chỉ kéo dài vài phút của Như đã gây ấn tượng mạnh với các nhà tuyển dụng. Biết đến chương trình thông qua fanpage của trường và Hội Sinh viên, Như đã đăng ký tham gia với mong muốn thử thách bản thân.

“Em chưa có nhiều kinh nghiệm và cũng như chưa học sâu vào chuyên ngành. Tuy nhiên, em vẫn muốn được trải nghiệm để thử xem mình có khả năng cạnh tranh với các anh chị năm 3,4 hay không. Đồng thời, em muốn lắng nghe nhận xét, đánh giá từ nhà tuyển dụng để khắc phục những hạn chế và phát huy những điểm mạnh”, Như chia sẻ.

Trước khi đến chương trình, Như đã tìm hiểu về các nhà tuyển dụng cũng như công ty. Khi chuẩn bị được bài giới thiệu mình hài lòng, Như tập nói nhiều lần trước gương để điều chỉnh về cách ngắt, nghỉ, câu từ cũng như nội dung cho phù hợp với phong thái chuyên nghiệp nhất.

“Chương trình “Ứng viên tiềm năng” lần đầu tiên xuất hiện tại Đà Nẵng có thể được xem là một phần trong giải pháp phát huy “Sinh viên 5 tốt” sau tuyên dương. Hy vọng, cùng với sự đồng hành của Hội Doanh nhân trẻ TP, các bạn sinh viên sẽ tiếp tục phấn đấu và đóng góp cho sự phát triển của thành phố trong tương lai”.

Anh Lê Công Hùng, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng

“Vị trí em lựa chọn không liên quan đến chuyên ngành học nhưng có thể cho em sự trải nghiệm để tìm kiếm hướng đi phù hợp với bản thân. Em thấy những chương trình như thế này rất thiết thực đối với sinh viên bởi chúng em có cơ hội được đối mặt và trao đổi thẳng thắn với các nhà tuyển dụng. Đó là cánh cửa mở ra những cơ hội nghề nghiệp rất lớn đối với sinh viên”, Như cho hay.

Trong số đầu tiên, “Ứng viên tiềm năng” thu hút sự tham gia của 10 “Sinh viên 5 tốt” các cấp trên địa bàn Đà Nẵng. Các ứng viên có cơ hội gặp gỡ với 5 nhà tuyển dụng đến từ các lĩnh vực khác nhau. Trong số đó, có 9 ứng viên đã được chọn lựa và kí biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp; có những ứng viên được nhiều nhà tuyển dụng chọn và được tự chọn vị trí việc làm.

Theo bà Nguyễn Thị Nhung (Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo và Tổ chức sự kiện Ánh Thịnh Minh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng), với mô hình mới mẻ và có tính tương tác cao, chương trình giúp các doanh nghiệp và các ứng viên dễ dàng kết nối và tìm được tiếng nói chung. “Các bạn ứng viên đều rất giỏi lý thuyết, có phong thái tự tin, nhanh nhẹn. Tôi khá hài lòng với những lựa chọn của mình dù các bạn đều đang là sinh viên, chưa ra trường”, bà Nhung nói.

Theo Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng, mỗi sinh viên ra trường phải mất từ 1 - 2 năm để làm quen và thành thạo công việc. Những cơ hội kết nối việc làm khi còn ngồi trên ghế nhà trường giúp sinh viên vừa học, vừa thực hành kỹ năng. “Với những cơ hội mà chương trình “Ứng viên tiềm năng” mang tới, các bạn sinh viên có thể nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa những gì được đào tạo ở trường và những gì công việc cần. Đó sẽ là lợi thế rất lớn cho các bạn trong công việc sau này”, bà Nhung cho biết.

Cầu nối giữa sinh viên và nhà tuyển dụng

 

Chương trình “Ứng viên tiềm năng” là một trong những nỗ lực của Thành Đoàn - Hội Sinh viên TP Đà Nẵng để hiện thực hóa việc phát huy “Sinh viên 5 tốt” sau tuyên dương. Theo anh Lê Công Hùng, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, phong trào “Sinh viên 5 tốt” đang ngày một lan tỏa và là danh hiệu mà sinh viên các trường ĐH, CĐ hướng đến. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc kết nối việc làm cho “Sinh viên 5 tốt” vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa thực sự có nhiều chương trình hỗ trợ, kết nối việc làm cho họ.

“Chương trình “Ứng viên tiềm năng” sẽ là cầu nối để sinh viên và doanh nghiệp có thể gặp nhau, kết nối các cơ hội việc làm cho sinh viên cũng như nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp”, anh Hùng nói.

Là chương trình phỏng vấn thực tế giữa sinh viên và doanh nghiệp, “Ứng viên tiềm năng” sẽ tạo được nguồn dữ liệu thông tin hai chiều giữa sinh viên đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” và doanh nghiệp. Để từ đó, doanh nghiệp có thể tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao; sinh viên tiếp cận được những cơ hội việc làm cũng như được định hướng khởi nghiệp.

“Ứng viên tiềm năng” sẽ được duy trì định kỳ vào mỗi quý và được phát triển theo hướng tăng dần số lượng sinh viên đăng ký tham gia. Các nhà tuyển dụng qua mỗi số sẽ có sự thay đổi để đa dạng hóa các lĩnh vực cũng như vị trí nghề nghiệp. “Hỗ trợ, phát huy “Sinh viên 5 tốt” sau tuyên dương là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác Đoàn và phong trào thanh niên”, anh Hùng nói thêm.

theo TP