Cao Ngọc Hùng - Biến điều không thể thành có thể

CTG - Thay vì đau khổ với bi kịch, hãy bước ra và chiến đấu với nghịch cảnh. Khuyết tật thì sao, bạn vẫn có thể làm những điều mà người khác không thể, bằng ý chí và nghị lực của chính bản thân. Đó là cách Cao Ngọc Hùng đã làm để vươn lên trên đôi chân tật nguyền.

Olympic là nơi tạo nên những anh hùng, như Hoàng Xuân Vinh chẳng hạn. Còn Paralympic, đó là nơi các anh hùng xuất hiện. Chỉ riêng việc tới đó, những vận động viên khuyết tật đã cho tất cả thấy họ thực sự là người hùng khi vượt lên số phận, chiến đấu để tìm kiếm sự thừa nhận, sau đó giành chiến thắng để chứng minh không gì là không thể.

Và chúng ta có một “siêu nhân” ở đây - vận động viên (VĐV) khuyết tật Cao Ngọc Hùng.

Trong buổi tối mùa hè năm 2016 tại Estedio Olimpico, Rio de Janeiro (Brazil), Ngọc Hùng nghiêng người trên chiếc xe lăn và dùng hết sức bình sinh ném chiếc lao lên không trung. Chiếc lao vút đi, mang theo niềm hy vọng và lời nguyện cầu của anh…

Hùng hiểu rõ để giành huy chương ở Paralympic 2016 là cực khó, thậm chí là bất khả. Theo thông số trước đó, hai vận động viên nhất nhì vượt xa so với phần còn lại. Có khoảng 7 người tranh tấm huy chương Đồng, và Hùng đứng thứ 6 trong số đó, hơn thua cũng chỉ vài phân.

VĐV khuyết tật Cao Ngọc Hùng: Biến điều không thể thành có thể ảnh 2

“Khi nhiều đối thủ lần lượt ném qua mốc 42m trong khi thành tích tốt nhất trong sự nghiệp của tôi là 41,71m, hiển nhiên là mình không có cửa giành huy chương. Để vượt qua họ phải ném lên 43m, mà mình làm sao nổi”, Cao Ngọc Hùng nhớ lại.

VĐV khuyết tật Cao Ngọc Hùng: Biến điều không thể thành có thể ảnh 3

Trong khoảnh khắc, hình ảnh ba mẹ, vợ con, cùng với những năm tháng nhọc nhằn, sự cố gắng rồi hy sinh hiện cả lên trong tâm trí. Anh chiến đấu không chỉ cho bản thân, mà cho cả gia đình. Vì vậy, bằng mọi giá phải chiến thắng.

Sau khi bay đủ xa, chiếc lao hướng xuống dưới và ghim vào mặt cỏ. Hùng đạt 43,91m trong sự ngỡ ngàng của mọi người tại đó.

Thật đáng kinh ngạc. Anh không chỉ xô đổ thành tích tốt nhất của chính mình mà còn vượt lên so với các đối thủ. Nhưng cuộc thi chưa kết thúc. Hùng vẫn phải chờ thêm một lúc nữa, sau khi 2 vận động viên khác ném xong để biết mình có giành huy chương Đồng hay không.

Rồi phút giây mong đợi đã đến. Cao Ngọc Hùng trở thành là vận động viên đầu tiên trong lịch sử điền kinh người khuyết tật Việt Nam đoạt huy chương ở đấu trường Paralympic. “Trời ơi, lúc đó tôi hồi hộp lắm lắm. Đến lúc biết có huy chương, trong người sung sướng không để đâu cho hết”, anh bồi hồi kể trong niềm xúc động.

Nhiều năm trước ở Tuyên Hóa, Quảng Bình, một cậu bé trở về nhà sau khi tiêm sốt bại liệt. Mẹ cậu phát hiện chân trái của cậu sưng to. Cách duy nhất bà có thể làm là chữa theo kinh nghiệm dân gian, hơ lá đu đủ đắp vào. Nó không hiệu quả, và chân trái của cậu cứ thế teo dần đi.

Hùng nói rằng những năm đầu đời, cậu không ý thức được khiếm khuyết của mình. Tới lớp 2, những ánh mắt tò mò, trêu ghẹo ác ý mới làm phiền cậu. Nhiều lần cậu tự hỏi tại sao điều tồi tệ lại xảy ra với mình? Tại sao mình lại trở nên khác biệt? Tại sao mình không thể như những đứa trẻ bình thường?

VĐV khuyết tật Cao Ngọc Hùng: Biến điều không thể thành có thể ảnh 5

Mặc cảm cứ theo Hùng cho đến năm học lớp 6, thầy giáo thể dục gợi ý cậu nên gia nhập đội thể thao. Phản ứng đầu tiên của Hùng là ngước nhìn thầy với ánh mắt đầy hoài nghi. Thầy đùa sao, chơi thể thao ư, với thân thể thế này của em?

Rồi thầy nói “chơi thể thao dành cho người khuyết tật, em sẽ được nhiều quà”. Và thế là Hùng đồng ý. Nhà Hùng nghèo quá. Ba làm dân quân khu phố chỉ có mức lương tượng trưng, kinh tế gia đình dồn cả vào mẹ, người làm công việc lau dọn nhà cửa theo giờ. Thu nhập chẳng là bao trong khi nhà lại có quá nhiều thành viên, mà Hùng chân tay lại thế này. Chơi thể thao, dành được quà ít nhất sẽ khiến ba mẹ vui, biết đâu lại đỡ đần chút đỉnh.

Nếu nói về tố chất thể thao, có lẽ Hùng không có. Nhưng cậu chơi bằng quyết tâm, ý chí với gia đình là động lực. Đó là cách để Hùng gây tiếng vang ở giải trẻ người khuyết tật châu Á, giành liền 3 huy chương Vàng chạy 100m, nhảy xa và ném lao đứng. Ngoài những tấm huy chương lấp lánh, Hùng còn mang về cho bố mẹ 2 triệu 350 ngàn tiền thưởng. Cậu đưa cho ba mẹ, chỉ xin giữ lại để liên hoan bạn bè, mua vài dụng cụ thiết yếu cho tập luyện.

Trong khi nhiều bạn bè ở độ tuổi đó chỉ biết ăn học, Hùng tuy khiếm khuyết nhưng đã kiếm được tiền phụ bố mẹ. Sự mặc cảm bấy lâu dần tan biến. Hùng biết rằng cậu có thể làm được những điều mà người khác không thể. Hùng trở nên mạnh mẽ hơn.

VĐV khuyết tật Cao Ngọc Hùng: Biến điều không thể thành có thể ảnh 6

 

Thế nhưng mọi thứ mới chỉ bắt đầu, còn nhiều thử thách đang chờ đón Cao Ngọc Hùng. Từ năm 2005 anh chuyển sang ngồi xe lăn. Sự thay đổi này khiến Hùng thêm tự tin vì giấu được đôi chân khập khiễng. Nhưng bên cạnh đó, thật khó để thích nghi với cảm giác bị gò bó, lại chỉ sử dụng được phần chi trên khiến lực ném bị hạn chế. Hùng buộc phải tập nhiều hơn những bài tập nâng cao, không ngừng luyện cơ vai, cơ tay.

VĐV khuyết tật Cao Ngọc Hùng: Biến điều không thể thành có thể ảnh 8

“Đó là một quá trình dài đầy thách thức, với sự mệt mỏi, những cơn đau nhức hành hạ”, Hùng nói.

Cũng thời điểm ấy, mẹ anh, lao động chính của gia đình, bị tai biến nặng, liệt nửa người. Ba lúc này cũng nhiều tuổi, còn các anh chị đều lập gia đình với trăm thứ phải lo. Không còn cách nào khác, Hùng phải nghỉ học phụ chị bán phở, đồng thời làm đủ thứ việc như bán giày dép dọc đường, miễn sao ra tiền.

Hằng ngày Hùng phải dậy từ 4 giờ sáng giúp chị dọn hàng, bưng bê, quét dọn. Đến 8 rưỡi cậu xin phép chị đi tập thể lực, quay lại lúc 11 giờ đứng quán để chị nghỉ ngơi. 1 rưỡi chiều chị xuống, cậu mới được chợp mắt một lúc trước khi chạy lên nhà thi đấu Phú Thọ tập chuyên môn. 6 rưỡi chiều Hùng đã có mặt ở quán, tiếp tục cùng chị bán đến khuya. Lịch trình này lặp đi lặp lại mấy năm trời, đủ khiến những người mạnh mẽ nhất cũng suy sụp. Hùng thì không.

“Nhiều lúc nghĩ cũng cực, nhưng tôi cần tiếp tục. Một khi đã chọn cho mình con đường, phải đi hết, không được phép chùn bước. Tôi nghĩ nếu rẽ sang hướng khác phải bắt đầu lại từ đầu, vì vậy còn khó khăn hơn. Tôi phải tập luyện, nỗ lực hơn 100% khả năng với ý nghĩ có huy chương là có tiền thuốc thang cho mẹ, lo cho bố và em gái sinh đôi”, Hùng tâm sự.

Sau này gia đình với Hùng còn bao gồm cả vợ, VĐV khuyết tật Nguyễn Thị Hải, và hai con. Hải quê Nghệ An, liệt chân phải từ nhỏ rồi vào Sài Gòn, học nghề ở CLB mái ấm tình thương An Bình. Hùng quen Hải từ năm 2005, khi cả hai chung hạng thương tật F58 và cùng chơi ba môn ném lao, ném đĩa, đẩy tạ, qua đó hỗ trợ nhau từ lúc tập luyện tới khi thi đấu.

VĐV khuyết tật Cao Ngọc Hùng: Biến điều không thể thành có thể ảnh 10

Ngay từ buổi đầu gặp gỡ, Hùng đã yêu thầm Hải. Anh nhiều lần thổ lộ mà chưa nhận được sự đồng ý. Cô chê anh “con nít” (Hải lớn hơn Hùng 5 tuổi). Thế nhưng bằng sự quan tâm và chân thành, tình yêu bền bỉ của Hùng cũng được đền đáp. Sau Olympic London trở về, tháng 3/2013 anh tỏ tình thêm lần nữa và Hải gật đầu.

Họ trở thành cặp đôi vàng trong làng thể thao khuyết tật, vừa tạo dựng mái ấm hạnh phúc vừa gặt hái thành tích thể thao. Hải từng giành cú đúp HCV ở ASEAN Para Games 2014, trong đó có thông số 24m88 môn ném đĩa phá kỷ lục thế giới. Tại SEA Games 32 vừa rồi, Hải đoạt liền 3 huy chương Vàng trong khi ông xã tiếp tục khẳng định sự thống trị sân chơi khu vực môn ném lao.

Tuy nhiên cuộc sống của họ không dễ dàng. Hải và Hùng từng mở quán ăn nhưng sau khi trả mặt bằng, lại phải dựa vào các khoản thưởng từ những tấm huy chương. Mọi thứ còn khó khăn hơn khi Hải phải tạm gác sự nghiệp để chăm con, biến mình thành hậu phương vững chắc để Hùng chuyên tâm tập luyện.

VĐV khuyết tật Cao Ngọc Hùng: Biến điều không thể thành có thể ảnh 11

“Đời vận động viên nghèo quá, trước đây không có chế độ gì, chỉ tập chay, chờ có huy chương mới có khoản thưởng kha khá. Trước một thân một mình không sao, giờ vợ con rồi, có lẽ phải kiếm việc khác để trang trải cuộc sống”, Hùng chia sẻ.

Vì lẽ đó, chiếc lao Hùng ném còn là tình yêu với vợ, miếng cơm, hộp sữa của các con.

Giờ thì những gian truân đã qua. Cuộc sống vợ chồng Hùng đã ổn hơn. Ngoài chế độ dành cho VĐV, Hải còn kinh doanh mỹ phẩm trong khi Hùng làm xây dựng, thầu công trình. Đó là lúc Hùng dần tính chuyện tương lai. Theo cách nói của anh, “cuối mỗi hành trình sẽ là một cánh cửa mới, con đường mới”.

Dĩ nhiên con đường hiện tại vẫn chưa hoàn thành. Các con đã lớn, Hải có thể tiếp tục theo đuổi những kỷ lục và Hùng cũng vậy. Anh hướng đến hai kỳ Paralympic ở Paris 2024 và Los Angeles 2028.

VĐV khuyết tật Cao Ngọc Hùng: Biến điều không thể thành có thể ảnh 13

Thông qua thành tích thể thao, nhiều người biết đến Hùng, bao gồm cả những người khuyết tật. Họ gọi cho anh để nghe những lời khuyên và tìm kiếm động lực sống. Như cách đây không lâu, một bạn tên Khoa có vấn đề về xương và cột sống đã gọi điện cảm ơn Hùng. Khoa nói rằng nhờ tấm gương, những chia sẻ và các bài tập thể lực Hùng chỉ, tình trạng của cậu đang dần tốt lên trong khi mặc cảm tự ti cũng không còn. Mừng cho Khoa, Hùng cũng cảm thấy nên làm điều gì đó để hỗ trợ được nhiều người hơn.

Với những gì đã trải qua, Hùng có thể chỉ cho họ một con đường. Chính là thể thao. “Bằng trải nghiệm của chính mình, tôi nhận ra thể thao chính là phương thuốc, giúp những người khuyết tật như tôi quên đi những khiếm khuyết, mang lại sự tự tin để bước ra xã hội”, anh nói, “Không những thế, còn được giao lưu, có thêm những người bạn mới, tiếp cận kiến thức, nền văn hóa mình chưa từng biết đến”.

Sắp tới Hùng sẽ mở một CLB. Trong vai trò huấn luyện, anh muốn truyền đạt hết những kiến thức, kinh nghiệm của mình cho những bạn trẻ khuyết tật. Đầu tiên họ có một sức khỏe tốt, sau đó có thể trở thành lứa vận động viên khuyết tật mới, đưa nền thể thao Việt Nam ngày một phát triển.

VĐV khuyết tật Cao Ngọc Hùng: Biến điều không thể thành có thể ảnh 14

Theo TPO