Chàng cán bộ Đoàn sản xuất giỏi Huỳnh Văn Đủ Anh

(CTG) Xã Hòa Bình là một trong những xã vùng sâu của huyện Tam Nông, tuy nhiên không vì thế mà phong thi đua làm kinh tế của thanh niên địa phương có phần trầm lắng. Ngược lại, tại địa phương xuất hiện nhiều thanh niên sản xuất giỏi. Tiêu biểu trong số đó là chàng cán bộ Đoàn Huỳnh Văn Đủ Anh. Lớn lên tại một vùng quê còn nhiều khó khăn, bản thân là cán bộ Đoàn, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ nên Đủ Anh luôn trăn trở tìm mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương.




Chàng cán bộ Đoàn sản xuất giỏi Huỳnh Văn Đủ Anh.


Xác định thế mạnh của xã Hòa Bình là sản xuất nông nghiệp, Đủ Anh bắt đầu những bước đi làm kinh tế đầu tiên của mình bằng việc thực hiện mô hình kinh tế trên lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2011, nhận thấy thị trường có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ếch nuôi, địa phương hội tụ các điều kiện tự nhiên phù hợp với việc chăn nuôi nên anh quyết định thực hiện mô hình nuôi ếch trong vèo. Không chỉ thực hiện cho riêng mình, anh còn vận động thanh niên tại địa phương có cùng dự định thực hiện mô hình nuôi ếch cùng nhau góp vốn thành lập tổ hợp tác Nuôi ếch. Tổ hợp tác nuôi ếch của đoàn viên, thanh niên xã Hòa Bình gồm 11 thành viên tham gia, vốn góp ban đầu trên 40 triệu đồng. Tổ hợp tác nuôi ếch hoạt động theo cơ chế các thành viên trong tổ sẽ mua chung con giống, thức ăn và tiêu thụ xuất bán cùng thời điểm, cùng đầu ra tiêu thủ. Nhờ đó, ếch do tổ hợp tác nuôi tránh được tình trạng ép giá của thương lái, đầu ra ổn định. Hàng năm, số lượng ếch nuôi của tổ hợp tác khoảng 60.000 con, sau 2,5 tháng tiến hành thu hoạch, doanh thu trên 360 triệu đồng,trừ đi các chi phí tổ hợp tác thu lợi 200 triệu đồng /năm.

Song song với việc thực hiện mô hình nuôi ếch, Đủ Anh còn tham gia lao động trong tổ hợp tác máy gặt đập liên hợp tại địa phương với vai trò tổ trưởng. Năm 2011, nhận được vốn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ 75 triệu đồng/tổ hợp tác qua kênh Đoàn Thanh niên. Nhận thấy tại địa phương người dân có nhu cầu lớn về thu hoạch lúa bằng phương tiện cơ giới, với vai trò là Bí thư xã Đoàn, Đủ Anh đã mạnh dạn vận động đoàn viên, thanh niên nhàn rỗi tại địa phương tham gia góp vốn đối ứng thành lập tổ hợp tác máy gặt đập liên hợp có 08 thành viên. Tổng số vốn đầu tư ban đầu trên 700 triệu đồng gồm máy gặt đập liên hợp, phà chở, bộ lồng xới. Tổ hợp tác hoạt động đáp ứng nhu cầu thu hoạch lúa của nhân, hỗ trợ đảm bảo tiến độ, lịch sản xuất tại địa phương. Mỗi vụ, tổ hợp tác hoạt động khoảng 40 ngày, doanh thu sau hoạt động trên 360 triệu đồng, trừ chi phí về xăng dầu, sửa chữa máy móc tổ hợp tác thu lợi nhuận 136.400.000 đồng/vụ.

Hoạt động từ 02 mô hình tổ hợp tác do Đủ Anh tổ chức thực hiện giải quyết việc làm thường xuyên cho 29 thanh niên tại địa phương, tạo bình quân 2.000.000 đồng/tháng/lao động.

Là Bí thư xã Đoàn, Đủ Anh còn cùng với Ban Chấp hành xã Đoàn tiên phong trong các phong trào của xã, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội tại địa phương. Điển hình như các phong trào thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, tham gia xây dựng nông thôn mới, sửa chữa đường giao thông nông thôn, thực hiện 02 công trình “Thắp sáng đường quê” của địa phương, giới thiệu việc làm, giúp thanh niên phát triển kinh tế…

Với những thành tích nổi bật cả trên công tác Đoàn lẫn tham gia lao động sản xuất tại địa phương. Huỳnh Văn Đủ Anh đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của xã, huyện và tỉnh. Nổi bật là giấy khen “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2012” của UBND huyện Tam Nông, là 01 trong 05 thanh niên tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp vinh dự được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2013 (Giải thưởng dành cho những thanh niên sản xuất giỏi, có nhiều đóng góp cho hoạt động Đoàn tại địa phương). Nguyễn Văn Đủ Anh là tấm gương tiêu biểu về hình ảnh người cán bộ Đoàn giàu nhiệt huyết với phong trào thanh niên, tham gia hăng hái vào hoạt động phát triển kinh tế tại địa phương để nhiều cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh nghiên cứu học tập./.

Thanh Liêm
Tỉnh Đoàn Đồng Tháp