Chàng trai 9X hóa tờ giấy thành những con vật đẹp không tưởng

(CTG) Những tác phẩm được gấp bằng giấy không cắt, dán của chàng trai 9X đã khiến cộng đồng mạng và nhiều người trẻ 'tròn mắt' vì quá đẹp.

 

Tác phẩm kỳ lân bằng giấy không cắt, dán của anh Sơn. ẢNH: NVCC

Sau khi đăng tải các tác phẩm của mình lên mạng xã hội, anh chàng 9X Nguyễn Nam Sơn, quê Hà Nội, không khỏi bất ngờ khi được nhiều người đón nhận đến thế. Đó là những con rồng, phượng hoàng, con trâu… được làm từ giấy, chúng được gấp thủ công một cách nghệ thuật và tinh tế. Đến hiện tại, những tác phẩm của anh Sơn nhận được hàng ngàn lượt yêu thích từ cộng đồng mạng và nhiều người trẻ.

“Gấp từ tờ giấy vuông không cắt dán”

Anh Nguyễn Nam Sơn cho hay những tác phẩm của anh còn được gọi là nghệ thuật gấp giấy Origami (nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản), làm từ chất liệu giấy dó, vốn là giấy thủ công Việt Nam được dùng làm tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, chép Kinh, chép sử...

Lấy cảm hứng từ bộ phim Chúa tể những chiếc nhẫn, Rồng trong thần thoại châu Âu và Bắc Âu.

Sắc sảo đến từng chi tiết.

“Hiện tại ở Việt Nam dường như chưa có loại giấy nào chuyên dùng để gấp Origami cả, mình đã phải mày mò và tìm hiểu, thử nghiệm về các loại giấy hiện có và tìm ra cách xử lý giấy dó để gấp. Giấy dó khá mềm và chỉ có màu trắng. Tuy nhiên sau quá trình xử lý màu sẽ lên màu tốt, dai và có thể bảo quản mẫu mà không bị bạc màu hoặc cũ đi theo thời gian. Và tất cả mẫu gấp của mình đều tuân theo quy tắc gấp từ một tờ giấy vuông không cắt dán”, anh Sơn nói.

Từ phức tạp.

Đến đơn giản.

Anh Sơn hiện làm ở một công ty về bảo hiểm nhưng việc đam mê gấp giấy của anh bắt đầu từ năm học lớp 12 đến nay đã được 8 năm. “Mình theo đuổi bộ môn nghệ thuật này khi đọc bộ truyện tranh “Hiệp sĩ giấy” vào năm lớp 12, từ một tờ giấy vuông có thể tạo thành các con vật, đồ vật... lúc ấy cảm thấy thú vị nên tìm hiểu. Hiện tại đây chỉ là đam mê chứ không phải là công việc chính của mình”, anh Sơn nói.

Mẫu ốc mượn hồn gấp từ tờ giấy màu hai mặt.

Rồng thần.

Vừa khó vừa dễ

Anh Sơn cho hay việc gấp giấy trên luyện cho anh sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, óc quan sát, tư duy hình học và logic. Có một câu chuyện vui ngoài lề là nhờ Origami mà anh Sơn luôn được điểm tối đa trong các bài thì về toán hình học, và cả đề thi đại học.

“Gấp một mẫu Origami cần tuần tự từng bước một giống như xây một ngôi nhà. Nếu bỏ qua bất cứ bước nào, hoặc gấp ẩu thì mẫu gấp thành phẩm sẽ không thể trau chuốt và hoàn thiện”, anh Sơn chia sẻ.

Hải mã.

Mẫu Hải Mã (Hippocampus) lấy cảm hứng từ truyện thần thoại Slavik và phim Percy Jackson.

“Gấp giấy như vậy vừa khó và vừa dễ. Khó ở chỗ khi mình sáng tạo một mẫu gấp, phải căn chỉnh tỷ lệ giữa các bộ phận hài hòa và tìm cách để thể hiện tất cả trên một tờ giấy mà không có sự can thiệp của kéo, hay ghép và dán thêm. Dễ ở chỗ là hiện tại có rất nhiều phần mềm có thể ứng dụng vào Origami. Mình hay sử dụng Auto cad và Corel draw trong quá trình thiết kế sơ đồ mẫu.

Mặc dù chỉ là đam mê nhưng anh Sơn đã gặt hái nhiều giải thưởng như: Giải nhì cuộc thi gấp giấy Global Creative Jongie Jupgi Contest của bảo tàng Jong Ie Nara Hàn Quốc năm 2016. Tham gia đóng góp và trưng bày mẫu tại triển lãm Transformando la realidad năm 2017 của bảo tàng Zaragoza Tây Ban Nha.

Anh Sơn chia sẻ thêm trong những tác phẩm, anh yêu thích nhất mẫu gấp rồng châu Âu, được lấy cảm hứng từ các bộ phim Chúa nhẫn (Lord of the ring), các câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp, Thần thoại Bắc Âu... “Để lên ý tưởng và thực hiện mẫu gấp này mình đã phải tham khảo rất nhiều tài liệu về loài rồng để thể hiện những chi tiết nổi bật như cánh dơi, sừng, móng vuốt, vảy... Mẫu gấp từ giấy vuông 2 m x 2 m, mất 3 tuần để lên ý tưởng, thiết kế, dựng mẫu và 1 tháng để hoàn thành. Mẫu này và mẫu kỳ lân châu Á hiện được trưng bày ở bảo tàng Zaragoza Tây Ban Nha”, anh Sơn kể.

Mẫu Thần Rừng Shishigami, lấy cảm hứng từ bộ phim hoạt hình Princess Mononoke của Ghilbi. ẢNH: NVCC

Theo anh Sơn nghệ thuật Origami ở Việt Nam hiện tại cũng phổ biến, nhưng còn là các nhóm nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp và ứng dụng vào cụ thể trong các lĩnh vực khác, rất mong thời gian dần thay đổi, nghệ thuật này sẽ phổ biến và được các bạn trẻ đón nhận nhiều hơn.

Theo TN