Là con đầu trong một gia đình có truyền thống đi biển ở xóm Đông Lộc, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An, ngay từ nhỏ, Vũ Đại Lộc (SN 1994) đã học được từ cha kỹ thuật sửa, đan lưới.
“Từ năm lớp 6, tôi đã học tập vá lưới. Đến năm lớp 11, tôi đã có thể tự làm hoàn thiện một cái lưới như bây giờ. Bạn bè còn trêu tôi là "ông cụ non", vì vốn dĩ nghề này thường dành cho những người lớn tuổi trong làng”, Lộc kể.
Anh Vũ Đại Lộc (SN 1994), trú xóm Đông Lộc, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ảnh: Thu Hiền |
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Lộc thi đậu vào khoa Luật, Trường Đại học Vinh. Theo học 2 năm, dẫu còn rất quyến luyến, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Lộc quyết định nghỉ học, bảo lưu kết quả, quay trở về làng khởi nghiệp vào năm 2014.
Ban đầu, khi nghe tôi nói nghỉ học, mọi người đều sốc. Bởi ai cũng mong muốn tôi có tấm bằng đại học, thoát ly cảnh đi biển đầy rủi ro, nguy hiểm. Nhưng khi nghe tôi trình bày lý do nghỉ học về quê khởi nghiệp, bố mẹ dần xuôi lòng”, Lộc chia sẻ.
Anh Lộc bỏ dở đại học về quê khởi nghiệp. |
Quá trình khởi nghiệp, Lộc gặp rất nhiều khó khăn. Kinh nghiệm chưa có, tỷ lệ sai sót nhiều. Nhiều người cũng chưa tin tưởng vì thấy anh còn quá trẻ. Vay mượn được 100 triệu đồng để mua sắm dụng cụ và vật liệu, Lộc đi gõ cửa từng chủ tàu trong làng đặt vấn đề nếu ai có lưới rách, lưới hỏng để nhận sửa lại. Qua tay Lộc, những tấm lưới rách nát như được "khoác tấm áo mới", đẹp hơn, chắc chắn hơn. Dần dà, tiếng lành đồn xa, đơn đặt hàng cũng vì thế mà nhiều lên.
Để đáp ứng nhu cầu công việc ngày một nhiều, ngoài việc tự bản thân mình ngồi đan lưới, Lộc còn thuê thêm nhân công (chủ yếu là thanh niên) đến làm việc tại xưởng. Theo anh Lộc, có thời điểm, xưởng lên tới 15 lao động. Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, do dịch bệnh và thanh niên đi xuất khẩu lao động nhiều, nên xưởng chỉ duy trì từ 6 - 8 lao động với mức lương 5 – 6 triệu đồng/tháng.
Nghề sửa, đan lưới mang lại cho anh Lộc thu nhập 300 triệu đồng mỗi năm. |
Ngoài sửa lưới, Lộc mạnh dạn bỏ tiền mua cước, dây, phao… về tự đan thành tấm lưới mới. “Tôi ra tận Nam Định để mua các loại vật liệu về đan lưới nhằm giảm chi phí trung gian. Lưới sau khi mua về được đan từng tấm lại với nhau, sau đó buộc dây, buộc phao, bóng, chì để thành một tấm lưới hoàn chỉnh. Trung bình để hoàn thiện một tấm lưới mất thời gian từ 5-7 ngày”, ông chủ 9x cho hay.
Lộc cho biết, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Lợi nhuận làm ra được bao nhiêu, Lộc lại quay vòng mua vật liệu, mở rộng sản xuất.
Nói về những dự định tương lai, Lộc cho biết, thời gian tới sẽ mở rộng quy mô nhà xưởng. Ngoài sản xuất còn kinh doanh thêm các thiết bị khác phục vụ cho nghề đi biển. Hiện tại thị trường cung cấp, sửa chữa lưới của Lộc có mặt trong toàn tỉnh và một số chủ tàu ở Thanh Hóa, Nam Định.
Cơ sở sản xuất của anh Lộc giải quyết việc làm cho 6-8 lao động, chủ yếu là thanh niên. |
Anh Ngô Thành Công, Bí thư Huyện Đoàn Diễn Châu chia sẻ: “Không chỉ là một ông chủ trẻ đầy năng động, Lộc còn là một đoàn viên năng nổ, nhiệt tình; đồng thời là thành viên của Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế của huyện Diễn Châu. Cơ sở của anh đã tạo việc làm ổn định cho nhiều đoàn viên, thanh niên”.
Theo TPO