Huỳnh Nhi
Trong bài đăng có đoạn: "Mình vẫn luôn nghĩ tấm bằng cử nhân tuy ghi tên mình, nhưng hành trình để có được nó là của cả gia đình, đặc biệt là bố và mẹ.
Chính bố là người đã lắp những chiếc cầu khỉ trên các bờ ruộng bậc thang cho mình đến trường, rồi động viên mình tiếp tục học đại học dù mình đã "rất già". Mẹ thì vẫn vậy, luôn âm thầm hy sinh, đôi khi gà đã gáy vẫn còn thao thức làm việc và trời chưa sáng tỏ đã phải dậy đi làm…".
Qua 2 ngày đăng tải, câu chuyện cảm động về lòng biết ơn đấng sinh thành đã chạm đến trái tim nhiều người. Số người mua mật ong vượt kỳ vọng của Tủa và ước mơ dẫn bố mẹ vào TP.HCM nhận bằng đại học đã thành hiện thực với chàng trai người Mông.
Gặp gia đình Tủa hôm 23.6 tại Trường ĐH Fulbright Việt Nam, ông Khang Chờ Dê (bố Tủa) không khỏi xúc động và chia sẻ: "Tôi rất vui khi thấy con mình tốt nghiệp. Gia đình tôi làm nghề nông vất vả nên tôi luôn cố gắng để các con được học hành, không phải làm việc quần quật từ sớm đến chiều tối ngoài đồng như bố mẹ". Ông cho biết thêm đây là lần đầu ông được vào TP.HCM, thành phố rất nhộn nhịp và ông rất thích.
A Tủa trình bày luận văn tốt nghiệp về chủ đề "Những thái độ của phụ nữ Mông đối với vấn đề bạo lực gia đình và ly hôn"
Còn Tủa, anh thấy vui mừng vì được mọi người ủng hộ nhiệt tình. "Số tiền đưa bố mẹ từ Yên Bái vào TP.HCM thật sự không nhỏ với gia đình mình. Lúc đầu mình lo lắng, nhưng cuối cùng mọi người giúp mình mua rất nhiều hàng. Nhờ vậy bố mẹ mình có mặt tại TP.HCM chứng kiến mình tốt nghiệp đại học", Tủa nói.
Khang A Tủa là người dân tộc Mông, cách đây 5 năm, Tủa là 1 trong 54 sinh viên đầu tiên được Trường ĐH Fulbright Việt Nam lựa chọn tham gia năm học Đồng Kiến tạo.
Trong chương trình này, Khang A Tủa được nhận Học bổng Sáng lập Fulbright (Fulbright Founding Scholarship). Học bổng này hỗ trợ hoàn toàn học phí và chi phí sinh hoạt trong năm 2018 - 2019. Sau đó, chương trình sẽ cấp cho mỗi sinh viên $5,000 (tương đương 115 triệu đồng) mỗi năm còn lại.
Sau 5 năm theo học tại Trường ĐH Fulbright, Tủa tốt nghiệp cử nhân hạng ưu khối nghệ thuật và nhân văn với chuyên ngành nghiên cứu Việt Nam.
Hành trình đi học của Khang A Tủa khác hơn so với mọi người. Đằng sau việc học hành, Tủa còn gia đình cần chăm sóc, chàng trai từng nhiều lần sợ mình không thể hoàn thành việc học vì nỗi lo cơm áo gạo tiền. "Vừa học tại TP.HCM, mình phải vừa lo xem ở quê nhà mọi người có cơm ăn không, mùa vụ thế nào, sinh kế trong gia đình ra sao… Thật vui vì cuối cùng mọi chuyện cũng hoàn tất", Tủa chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Nam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam tại Trường ĐH Fulbright Việt Nam, là giảng viên hướng dẫn luận văn tốt nghiệp của Tủa, nhận xét: "Qua 5 năm, Tủa vẫn là chàng trai dù học hay làm gì đều dựa trên nền tảng dân tộc của mình. Cách tiếp cận liên ngành và tư duy phản biện của Tủa giúp người khác có thêm những hiểu biết rất mới về cộng đồng người Mông. Bây giờ có thể gọi Tủa là một nhà nghiên cứu Việt Nam tương lai, một nhà nghiên cứu liên ngành của xã hội Mông, một nhà hoạt động xã hội đều được".
Còn với Tủa, anh vẫn kỳ vọng sau tốt nghiệp đại học sẽ giúp ích được cho quê hương, hỗ trợ phụ nữ người Mông có thêm sinh kế, việc làm, độc lập tài chính. "Mình thật sự muốn quê hương tốt đẹp hơn, những đứa trẻ dù gái hay trai, nam hay nữ đều được đối xử công bằng hơn", Tủa bày tỏ.
Theo TNO