Chàng trai sáng rà phá bom mìn, tối 'xây nhà'

(CTG) Từ rác thải nhựa, que kem... qua đôi tay khéo léo của chàng trai 23 tuổi theo nghề rà phá bom mìn Hoàng Thanh Tùng ở Quảng Trị đã trở thành nguyên liệu để 'xây' nên những ngôi nhà xưa bắt mắt.

'Xây nhà' từ rác thải

Những ngôi nhà xưa với vách tường cũ kỹ, mái nhà lợp gạch ngói, trước hiên nhà có ông bà cụ đang ngồi uống trà đọc sách, con cháu nô đùa cạnh cây đa cổ thụ... đó là những gì được Hoàng Thanh Tùng (23 tuổi, trú tại TT.Gio Linh, H.Gio Linh, Quảng Trị) tái hiện qua những mô hình nhà xưa. Dù mọi thứ đều là tĩnh vật, nhưng chàng trai lại có cách thể hiện khéo léo, tràn đầy sức sống.

Chàng trai sáng rà phá bom mìn, tối 'xây nhà'- Ảnh 1.

Tùng sử dụng các loại rác thải nhựa để tạo ra mô hình nhà xưa

ẢNH: BÁ CƯỜNG

Xem qua những sản phẩm mô hình của Tùng, chúng tôi bất ngờ khi biết chàng trai này lại là một nhân viên rà phá bom mìn, một nghề dễ khiến người khác nghĩ đến đôi tay thô ráp, tính cách mạnh mẽ. Thế nhưng, ngược lại, đôi tay khéo léo của Tùng đã làm nên nhiều mô hình nhà xưa hết sức ấn tượng.

Chàng trai sáng rà phá bom mìn, tối 'xây nhà'- Ảnh 2.

Tùng tìm hiểu kiến trúc về những ngôi nhà xưa tại miền Bắc để tái hiện

ẢNH: BÁ CƯỜNG

Chàng trai sáng rà phá bom mìn, tối 'xây nhà'- Ảnh 3.

Chàng trai biến rác thải thành những sản phẩm rất "có hồn"

ẢNH: BÁ CƯỜNG

 "Lúc còn đi học, tôi mê nuôi cá thủy sinh, thích trang trí những chi tiết nhỏ cho bể cá. Sau này thấy trên mạng xã hội có thú sưu tầm mô hình, đặc biệt là mô hình những ngôi nhà xưa, tôi tìm tòi và mày mò học cách làm theo", Tùng chia sẻ.
Chàng trai sáng rà phá bom mìn, tối 'xây nhà'- Ảnh 4.

Một căn nhà nổi truyền thống của người dân sông nước ở miền Tây

ẢNH: BÁ CƯỜNG

Để có nguyên liệu, Tùng đi khắp xóm làng xin lại các loại rác thải như vỏ chai nhựa, que kem, đũa gỗ... và mua thêm một số nguyên liệu chuyên sản xuất mô hình. Chàng trai còn tự tìm hiểu kiến trúc các ngôi nhà xưa của miền Bắc, miền Tây và cả đời sống thường ngày của họ để làm ra sản phẩm "có hồn" nhất.

Sáng rà bom, tối 'xây nhà'

Mỗi ngày, Tùng bắt đầu công việc căng thẳng và hiểm nguy của một nhân viên rà phá bom mìn. Anh tự thưởng cho mình quãng thời gian nghỉ ngơi vào lúc chiều tối. Đó cũng là thời điểm anh được đắm mình vào không gian riêng trước hiên nhà, nơi ánh đèn chiếu sáng một khoảng sân để thỏa thích sáng tạo.

Chàng trai sáng rà phá bom mìn, tối 'xây nhà'- Ảnh 5.

Tùng đắm mình trong không gian riêng sau giờ làm việc

ẢNH: BÁ CƯỜNG

"Các sản phẩm của tôi đều làm thủ công 100%. Từ vách tường, mái nhà cho đến những thứ nhỏ hơn như bộ ấm chén, bàn ghế, cái chum... đều nhào nặn bằng tay. Những mô hình nhỏ mất khoảng 1 tuần để hoàn thiện, có cái lớn hơn mất khoảng 1 tháng", Tùng chia sẻ.

Chàng trai sáng rà phá bom mìn, tối 'xây nhà'- Ảnh 6.

Mọi chi tiết trong mô hình đều được Tùng làm bằng tay

ẢNH: BÁ CƯỜNG

Chàng trai sáng rà phá bom mìn, tối 'xây nhà'- Ảnh 7.

Chàng trai còn tìm hiểu thêm đời sống, phong tục của từng địa phương để làm ra sản phẩm ấn tượng nhất

ẢNH: BÁ CƯỜNG

Ban đầu, Tùng làm ra các mô hình để sưu tầm và đăng lên mạng xã hội. Khi thấy những sản phẩm rất ấn tượng, nhiều bạn bè đã nhắn hỏi mua. Từ đó, chàng trai "biến" đam mê thành cơ hội kiếm thêm thu nhập. Sản phẩm của Tùng giờ đây không chỉ nhận được những đơn hàng trong nước mà còn ở nước ngoài.

Chàng trai sáng rà phá bom mìn, tối 'xây nhà'- Ảnh 8.

Các sản phẩm của Tùng được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng

ẢNH: BÁ CƯỜNG

"Nhiều người nhắn tin cho mình đặt hàng. Thấy đây cũng là cơ hội để kiếm tiền nên mình cố gắng cân đối thời gian để vừa làm công việc rà phá bom mìn, vừa làm được các sản phẩm bán cho mọi người. Năm 2023, mình làm được hơn 400 sản phẩm bán cho khách hàng trong và ngoài nước", Tùng nói.

 
Chàng trai sáng rà phá bom mìn, tối 'xây nhà'- Ảnh 9.

Các đồ vật nhỏ cũng được Tùng làm rất chi tiết

ẢNH: BÁ CƯỜNG

Mỗi sản phẩm của Tùng được bán với giá từ 1 - 5 triệu đồng tùy theo kích cỡ hoặc nhu cầu của khách hàng. Chàng trai cũng lập các tài khoản mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm.

Sắp tới, Tùng có cơ hội được mang các sản phẩm của mình đi trưng bày tại các gian hàng. Chàng trai 9X Quảng Trị đã có cách làm độc đáo để vừa góp sức bảo vệ môi trường vừa tái hiện được những không gian xưa đầy hoài niệm.

Theo TN