CHIA SẺ CÙNG THẦY CÔ 2022: CÔ GIÁO KHÔNG NGỪNG PHÁT TRIỂN QUY MÔ GIÁO DỤC Ở CÁC ĐIỂM TRƯỜNG VÙNG KHÓ KHĂN CỦA TỈNH CAO BẰNG

(CTG) Hơn 20 năm cống hiến sức trẻ cho công tác giáo dục, cô giáo Ngọc Thị Thu (Trường Tiểu học Quảng Uyên, thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng) đã luôn đóng góp và phát huy nhiều sáng kiến giúp các em học sinh vùng khó khăn có điều kiện học tập tốt hơn.

Sinh ra trong một gia đình làm nghề tiểu thủ công nghiệp, bố mẹ cô Thu luôn nhắc nhở con cái về giá trị của giáo dục. Ước mơ trở thành cô giáo đã ấp ủ trong lòng cô Thu từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Là một giáo viên trẻ mới ra trường lại vừa lập gia đình được điều động đến nhận công tác tại trường hạng I, sĩ số học sinh và số lớp đông nhất trong huyện, cô Thu không khỏi bỡ ngỡ và gặp khó khăn khi chưa có kinh nghiệm trong giảng dạy, đặc biệt là trong công tác Đội.

(Cô giáo Thu tạo điều kiện cho các em học sinh có sân chơi và được thể hiện bản thân nhiều hơn)

Thời điểm đó, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà trường còn nhiều khó khăn, không có giáo viên dạy âm nhạc hỗ trợ, chưa có mạng Internet để tham khảo, việc dạy hát, dạy múa cho học sinh chỉ dạy chay. Để dạy được một điệu múa cho học sinh giáo viên phải tự nghĩ động tác dựa trên lời ca bài hát. Những khó khăn đó không làm nhụt chí người cô giáo trẻ vì cô hiểu rằng các hoạt động đội, hoạt động ngoại khoá là cơ hội cho các em được thể hiện bản thân, góp phần cho sự phát triển của các em.

(Cô giáo Ngọc Thị Thu dùng cả tuổi trẻ của mình để giúp đỡ các bạn học sinh ở vùng khó khăn được tiếp cận với cái chữ)

Tháng 8 năm 2000,  cô giáo Ngọc Thị Thu đăng ký tình nguyện đi tăng cường tại trường Tiểu Học Như Lăng, xã Độc Lập, huyện Quảng Hoà. Đảm nhận hai chức vụ giáo viên chủ nhiệm và Tổng Phụ trách Đội cùng với điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, cô giáo Thu vẫn kiên trì đồng hành cùng các em học sinh bước qua giai đoạn khó khăn.

Thấy các em học sinh ngoan ngoãn, có tiềm năng nhưng còn nhút nhát, e dè, chưa dám thể hiện mình, cô Thu và những người đồng nghiệp của mình đã lồng ghép các hoạt động trong những tiết học, động viên các em gỡ bỏ những sự e dè, nhút nhát.

Tháng 8 năm 2003, cô Thu lại được điều động quay trở lại trường Tiểu học Quảng Uyên phân công chủ nhiệm và giảng dạy lớp 4, kiêm Tổng phụ trách Đội. Một năm sau, cô giáo Thu lại được điều động về Phòng Giáo dục công tác và được phân công phụ trách chuyên môn tiểu học, phong trào Đội các trường học. Với vai trò là người phụ trách chuyên môn bậc tiểu học và công tác đội các trường học cô giáo Ngọc Thị Thu thường xuyên tham mưu cho Lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo để tổ chức các cuộc thi cho học sinh cũng như giáo viên trong địa bàn.

Đến tháng 10 năm 2010, cô giáo Thu được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng và điều động đến nhận công tác tại trường Tiểu học Phi Hải, xã Phi Hải, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Trường mới có 3 điểm trường (01 điểm trường chính và 02 điểm trường lẻ), học sinh nơi đây chủ yếu là dân tộc Tày, ngoài ra có dân tộc Nùng, Mông. Điều kiện đi lại ở 2 điểm trường lẻ tương đối khó khăn, học sinh ở điểm trường Lũng Rượi đều là dân tộc Mông, kinh tế gia đình khó khăn, nhà ở xa trường.

Đường từ nhà đến trường phải trèo đèo qua núi nên các em đi học không đều, đặc biệt những hôm trời mưa các em không thể đến trường học. Cô Thu và những người đồng nghiệp đã thường xuyên đến thăm gia đình và động viên các em đến trường học. Thường xuyên và tham mưu cho chính quyền địa phương, Hội Khuyến học huyện, xã hỗ trợ các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để khuyến khích các em đến trường.

Đối với giáo viên, cô giáo Thu luôn tận tình giúp đỡ, hỗ trợ bồi dưỡng về chuyên môn, viết sáng kiến kinh nghiệm,... Kết quả từ chưa có giáo viên dạy giỏi cấp huyện đã có 17/19 đồng chí đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 01 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2013 - 2014 và được biểu dương nhà giáo tiêu biểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhân dịp 20/11.

Con đường từ quốc lộ vào trường vẫn là con đường mòn đi men theo bờ ruộng, có đoạn một bên đường là vực sâu khiến cô giáo Thu đau đáu khi nghĩ đến mỗi ngày học sinh và những người đồng nghiệp của mình phải đi qua.

“Tôi đã mạnh dạn làm tờ trình đề xuất và tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền xã, Phòng Giáo dục và Đào tạo đưa vào chủ trương để xã hội hóa mua thêm đất mở rộng mặt đường, dự trù vật liệu và công lao động để đổ bê tông mặt đường. Sau một thời gian huy động và được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, của phụ huynh, của nhân dân và của Lãnh đạo Phòng Giáo dục, ngày 12 tháng 8 năm 2017 nhà trường đã hoàn thiện con đường vào trường” - Cô Thu tự hào chia sẻ về quá trình mở rộng con đường đến trường của mình và những người đồng nghiệp, đây chính là món quà tuyệt vời nhất dành cho các em học sinh thân yêu.

Tháng 8 năm 2017, cô giáo Ngọc Thị Thu lại một lần nữa nhận chuyển công tác về trường Tiểu học Quảng Uyên, nơi cô đang công tác. Sau 13 năm quay trở lại nơi này với cương vị quản lý của một trường chuẩn quốc gia mức độ I, mọi cảm xúc lại ùa về. Ngôi trường năm nào giờ đây đã trở nên khang trang hơn, đẹp hơn. Nhưng vẫn còn có những tồn tại cần sửa đổi.

Ngay sau khi tiếp nhận công tác, cô giáo Ngọc Thị Thu bắt tay vào tìm hiểu tình hình chung của nhà trường trong những năm qua. Trước tình hình thiếu phòng học và theo dự báo sĩ số học sinh sẽ tăng dần theo từng năm, cô Thu đã tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch phát triển quy mô lớp học trong những năm tới.

Có thể thấy, những năm tháng công tác trong ngành giáo dục của cô Ngọc Thị Thu chưa từng có một giây hoài phí. Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy với mong muốn thực hiện sứ mệnh, mang cái chữ đến cho học sinh để thoát nghèo.

Cô giáo Ngọc Thị Thu là 1 trong số 68 gương giáo viên vinh dự được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

CTG