Chiết xuất can xi từ xương cá thát lát làm thức ăn chăn nuôi

(CTG) Chủ nhân dự án này là Tạ Kim Ngân (lớp 12A3) và Nguyễn Thanh Tuấn (lớp 10A8) Trường THPT Châu Thành A, H.Châu Thành A, Hậu Giang. Dự án đoạt giải nhất Hội thi khoa học kỹ thuật và Stem học sinh trung học tỉnh Hậu Giang năm 2024.

Ngân cho biết cá thát lát là một trong 5 loại nông sản chủ lực của Hậu Giang, được nuôi nhiều ở H.Phụng Hiệp và TX.Long Mỹ. Giá trị dinh dưỡng của loài cá này khá cao, kể cả phần phế phẩm là xương. Xương cá làm sạch, đem phơi khô hoặc sấy, nghiền nhuyễn tạo thành bột xương, thành phần can xi lên tới 12,39%.

Chiết xuất can xi từ xương cá thát lát làm thức ăn chăn nuôi- Ảnh 1.

Tuấn và Ngân mất hơn 6 tháng để tìm ra cách tối ưu chiết xuất can xi từ xương cá thát lát

THANH DUY

"Dù vậy, trong thực tế, phế phẩm cá thát lát vẫn chưa được tận dụng tốt, hầu hết bị bỏ đi. Nếu tận dụng hiệu quả hàm lượng can xi từ loài cá này vào chăn nuôi thì khá triển vọng, vì nguyên liệu tại địa phương rất nhiều", Ngân chia sẻ. 

Bước nghiên cứu vất vả nhất của dự án là tách can xi từ xương cá thát lát. Đầu tiên, xương được xử lý làm sạch, luộc chín, phơi khô rồi xay thành bột. Sau đó, bột được ngâm với dung dịch NaOH 5%, đem đi nấu cách thủy. So sánh kết quả ở nhiều giờ ngâm khác nhau, chiết xuất can xi từ xương cá thát lát trong 36 giờ là tối ưu.

Mẫu can xi sau chiết xuất thì rửa sạch, sấy khô và kiểm tra các điều kiện an toàn, thành phần trong mẫu. Tiếp tục ngâm với etanol khoảng 5 phút, để lắng trong 24 giờ rồi sấy khô một lần nữa là cho thành quả. Với công thức này, Ngân và Tuấn tiến hành kiểm tra độ tinh khiết và độ sạch của can xi tách được bằng phương pháp TCVN 1526-1:2007 tại Cần Thơ. Kết quả cho thấy hàm lượng của can xi chiếm khoảng 97,98% về khối lượng, nghĩa là có độ tinh khiết cao, đảm bảo yêu cầu về chất lượng.

Chiết xuất can xi từ xương cá thát lát làm thức ăn chăn nuôi- Ảnh 2.

Những viên thức ăn cho gà con được làm hoàn toàn bằng thủ công

THANH DUY

Tuấn cho biết, để được 1 kg bột can xi cần khoảng 8 kg bột xương cá thát lát. Công đoạn cuối cùng là tạo viên thức ăn cho gà con bằng cách sử dụng ống tiêm bơm ra rồi sấy khô. Thành phần hỗn hợp gồm bột bắp, cám gạo, tấm gạo,bột cá, đậu xanh và can xi xương cá thát lát với tỷ lệ 1%. Tỷ lệ can xi 1% là phù hợp với gà con mới nở khoảng 1 tuần trở đi. Gà càng lớn thì tăng thêm hàm lượng can xi cho phù hợp.

Tại gia đình, Ngân và Tuấn đã thử nuôi 2 đàn gà con cùng một môi trường nhưng khác về thành phần thức ăn. Một bên có bổ sung can xi từ xương cá thát lát, một bên thì không. Qua 2 tuần, đàn gà được bổ sung can xi có sự tăng trưởng, hiệu quả hơn khoảng 6% (về trọng lượng). "Trên thị trường, bán 8 kg xương cá thát lát được khoảng 80.000 đồng. Trong khi đó, 1 kg can xi chiết xuất từ xương cá này có thể bán 500.000 đồng. Nếu nông dân thực hiện được quy trình chiết tách can xi này thì hiệu quả kinh tế cao hơn", Tuấn cho biết.

Cô Đỗ Kim Xuyến, giáo viên, Phó chủ nhiệm CLB hóa học và nghiên cứu khoa học Stem Trường THPT Châu Thành A, nhận xét dự án của Ngân và Tuấn góp phần tái tạo phế phẩm phục vụ cho ngành nông nghiệp hữu cơ. Đây là vòng tuần hoàn khép kín trong sản xuất nên có ý nghĩa về mặt kinh tế và bảo vệ môi trường. Dự án có tính ứng dụng, bởi các cơ sở sản xuất cá thát lát tại Hậu Giang khá nhiều. Nếu dự án được đầu tư máy móc, thiết bị hỗ trợ thì sẽ mở rộng được năng suất.

Theo Thanh Niên