Chống “bệnh lười” học tập, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

CTG - “Bệnh lười” học tập, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nguyên nhân sinh ra chủ quan và suy thoái về tư tưởng chính trị, dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đe dọa sự tồn vong của Đảng.

Vì thế, chống “bệnh lười” học tập, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là yêu cầu thường xuyên và cấp bách hiện nay.

Sự nguy hại của “bệnh lười” học tập, coi khinh lý luận

Nhận thấy vai trò đặc biệt quan trọng của lý luận Mác-Lênin, Hồ Chí Minh cho rằng: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là Chủ nghĩa Lênin”. Việc khẳng định Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt và lựa chọn Chủ nghĩa Mác-Lênin làm cốt chính là việc xác định lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thực hiện tư tưởng này của Người, suốt từ khi thành lập đến đầu năm 1991, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động, nhờ đó mà Đảng luôn luôn vững mạnh và lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành nhiều thắng lợi to lớn.

Đại hội lần thứ VII (6-1991), Đảng xác định: “Đảng lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Từ đây, cùng với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>
Ảnh minh họa:Internet

Từ vai trò to lớn và hết sức quan trọng của lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh-nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã và đang đặt ra yêu cầu thường xuyên và cấp bách đối với mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên quyết chống “bệnh lười” học tập, nghiên cứu lý luận, góp phần tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Nhận thức đúng và thực hiện nghiêm túc yêu cầu thường xuyên, cấp bách này, các thế hệ cán bộ, đảng viên của Đảng đã góp phần quyết định bảo đảm cho Đảng trong sạch, vững mạnh đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong suốt 94 năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên mắc phải “bệnh lười” học tập, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nhìn nhận thực trạng của “căn bệnh” này, từ tháng 10-1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “bệnh chủ quan” của không ít cán bộ, đảng viên, mà theo Người: “Nguyên nhân của bệnh chủ quan là: Kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông”. Người cho rằng “Vì kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay là “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Tiếp đó, Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh, cần “khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”.

Điều đáng lo ngại hiện nay là một số cơ sở nghiên cứu, giáo dục-đào tạo (GD-ĐT), nhất là những cơ sở nghiên cứu, GD-ĐT lý luận chính trị chưa thật chú trọng quan tâm và đặt ra yêu cầu cao về học tập, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều đó dẫn tới một bộ phận không nhỏ cán bộ khoa học, sinh viên và học viên sau đại học còn ngại, né tránh, mắc “bệnh lười” học tập và tìm tòi, nghiên cứu để nắm vững tính cách mạng, khoa học, nhân văn trong tư tưởng, quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh và bảo vệ, vận dụng, phát triển sáng tạo những tư tưởng, quan điểm đó trong thực tiễn. Bên cạnh đó, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, sách chuyên khảo, sách tham khảo, khóa luận, luận văn và luận án nghiên cứu trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn không chú trọng đi sâu luận giải có tính hệ thống đầy đủ và sâu sắc cơ sở lý luận và những nội dung lý luận cụ thể, cần thiết liên quan tới đề tài nghiên cứu-biểu hiện của “bệnh lười” học tập, nghiên cứu lý luận Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong khi đó, có nhiều hội đồng nghiệm thu đề tài, duyệt sách và chấm khóa luận, luận văn, luận án đã coi nhẹ và không kiên quyết đòi hỏi thực hiện nghiêm túc yêu cầu này, dẫn tới dễ dãi, bỏ qua hạn chế, góp phần làm cho “bệnh lười” học tập, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh càng thêm trầm trọng hơn.

“Bệnh lười” học tập, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ dẫn tới nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị ở một bộ phận cán bộ, đảng viên mà còn làm cho họ thiếu hiểu biết sâu sắc về lý luận, từ đó không dám và không có khả năng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, phủ nhận tính cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để góp phần bảo vệ, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới.

Giải pháp căn cơ góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay

Thực trạng và tính chất nguy hại của “bệnh lười” học tập, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong một bộ phận cán bộ, đảng viên nêu trên đặt ra yêu cầu thường xuyên và cấp bách phải kiên quyết chống “căn bệnh” này, góp phần bảo vệ và tăng cường nền tảng tư tưởng của Đảng thêm vững chắc trong tình hình mới.

Một là, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã xác định: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Học tập, nghiên cúu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư duy khoa học, có phương pháp làm việc biện chứng; có phương thức lãnh đạo và tổ chức quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... phù hợp với quy luật khách quan. Nếu không học tập, nghiên cứu sẽ không có hiểu biết về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh dễ lạc phương hướng và “mù chính trị”, thậm chí xa rời cách mạng. Học tập, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ góp phần để cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, vận dụng hiệu quả những tri thức lý luận vào giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra mà còn là cẩm nang để giúp mỗi cán bộ, đảng viên gần dân, hiểu dân và trọng dân, xứng đáng là người lãnh đạo gương mẫu, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Hai là, xây dựng chế tài, kịp thời có biện pháp xử lý mọi biểu hiện “bệnh lười” học tập, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bên cạnh thực hiện nghiêm túc quy định trong Điều lệ Đảng về trách nhiệm của đảng viên phải tích cực học tập lý luận nói chung, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, địa phương phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phòng, chống “bệnh lười” học tập, nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các cơ sở nghiên cứu, GD-ĐT lý luận chính trị cần có các điều khoản cụ thể, đầy đủ trong quy chế, quy định về nghiên cứu khoa học và GD-ĐT để khắc phục “bệnh lười” học tập, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, cần có chế tài đủ mạnh và kịp thời xử lý với những biện pháp kiên quyết để chống “bệnh lười” học tập, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh biểu hiện ở kết quả của những sản phẩm nghiên cứu như đề tài khoa học các cấp, sách chuyên khảo, tham khảo, khóa luận, luận văn, luận án...

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đẩy mạnh đấu tranh phê bình và tự phê bình chống “bệnh lười” học tập, nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Kiểm tra, thanh tra là khâu không thể thiếu nhằm bảo đảm nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp về bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên, góp phần khắc phục “bệnh lười” học tập, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Các cơ sở nghiên cứu, GD-ĐT lý luận chính trị càng phải chú trọng tăng cường kiểm tra, thanh tra, qua đó nhân rộng những điển hình tiên tiến, những mô hình hay, cách làm tốt trong học tập, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đồng thời, phát hiện những biểu hiện của “căn bệnh” này để có biện pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời.

Cần đẩy mạnh đấu tranh phê bình và tự phê bình chống mọi biểu hiện “bệnh lười” học tập, nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tự phê bình và phê bình là để hướng tới làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận ra những khuyết điểm, giúp nhau sửa chữa và khắc phục “bệnh lười” học tập, nghiên cứu lý luận, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị. Trong tình hình hiện nay, để đấu tranh chống “căn bệnh” này có hiệu quả, đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên “mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa” như Hồ Chí Minh đã dạy.

Bốn là, phát huy vai trò tự giác học tập và nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời... Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”. Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần lời dạy đó của Người, thường xuyên học tập, trau dồi nâng cao trình độ lý luận và phẩm chất đạo đức cách mạng, gắn việc học lý luận với thực tiễn công việc hằng ngày. Trong học tập, nghiên cứu cần “học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của Chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm”(1), tránh giáo điều, tiếp thu lý luận một cách máy móc, kinh viện, tránh lý luận suông, không biết vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể.

“Bệnh lười” học tập, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay là một trong những mối đe dọa “đạo đức, văn minh” và sự tồn vong của Đảng; nó sinh ra “bệnh chủ quan” và dẫn tới suy thoái về tư tưởng chính trị, làm suy yếu nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây chính là một trong những khuyết điểm, sai lầm trong đội ngũ chiến sĩ tiên phong của Đảng. Chính vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng lúc này cần phải thấm nhuần lời dạy của V.I. Lênin: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta... Nếu chúng ta sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ”. Từ đó, phải kiên quyết chống “căn bệnh” này, thông qua tích cực học tập, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

Theo QDND