|
Số liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng cho thấy, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam trong khoảng 50 năm qua tăng 0,70C. Tại TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ, số liệu đo đạc cho thấy, từ năm 1960 đến 2005 nhiệt độ đang tăng lên khoảng 0,020C; từ năm 1991 đến 2005 tăng lên khoảng 0,0330C. Riêng tại TP Vũng Tàu, từ năm 1960 đến nay đã tăng lên 20C. Ðiều đó không chỉ thể hiện sự ấm lên về nhiệt độ mà sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như nước biển dâng, hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai bão, lụt, hạn hán tăng nhanh... Theo đà tăng nhiệt độ trên toàn thế giới, từ năm 1920 đến nay, nhiệt độ tại Việt Nam cũng tăng lên từ 0,20C đến 10C nhưng tăng nhanh chủ yếu là từ năm 1980 đến nay.
Với chiều dài hơn 3.000 km bờ biển, Việt Nam được coi là quốc gia có mức độ dễ bị tổn thương cao trước sự biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu tại Việt Nam ảnh hưởng lên đời sống của người dân ngày càng rõ ràng. Khảo sát của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và môi trường cho biết, tại Bến Tre, mực nước biển đã dâng lên khoảng 20 cm so với cách đây 10 năm, hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều. "Trước đây vùng này không có bão nhưng năm 2007 đã có bão...". Do biến đổi khí hậu, ô nhiễm mặn đã tăng lên khoảng 20% so với trước đó 10 năm. Các huyện ven biển tỉnh Nghệ An thời gian gần đây đang bị nước biển xâm lấn đến mức báo động. Nhiều xã nằm cách bờ biển từ 5 đến 10km, nhưng đã và đang bị nước mặn tấn công. Tại Thừa Thiên - Huế, thay đổi khí hậu thể hiện đậm nét, cường độ mưa tăng rõ rệt. Từ năm 1952 đến 2005, đã có 32 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp và lũ lụt thường xuyên hơn nửa đầu thế kỷ trước. Không những thế, mực nước biển và đỉnh lũ lần sau cao hơn lần trước. Chỉ riêng năm 1999, mực nước biển tháng 11 đã lên đến mức cao nhất so với trước đây. Tình hình đang ngày một nghiêm trọng hơn. Số liệu quan sát những tháng đầu năm 2010 cho thấy, tình hình xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn khoảng một tháng so với năm 2009. Tới thời điểm hiện tại, tình hình xâm nhập mặn tại một số tỉnh thuộc Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau như sau: độ mặn từ 11%o đến 26%o xâm nhập sâu tới 30 km, từ 4%o đến 10%o xâm nhập sâu tới 40 km và dưới 4%o xâm nhập sâu tới 70km. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, một số nơi vùng ngoại và nội thành cũng đã bị nhiễm mặn, gây thiệt hại lớn cho trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt của người dân.
Hiện tượng ngập úng vùng châu thổ mở rộng vào mùa mưa lũ, các dòng sông tăng cường xâm thực ngang gây sạt lở lớn các vùng dân cư tập trung ở hai bờ trên nhiều khu vực từ bắc chí nam. Hiện tượng này cũng đồng thời tạo cồn, bãi bồi lấp dòng chảy các sông, nhánh sông ở vùng hạ du; ở những sông đã xây dựng hệ thống đê kiên cố thì có hiện tượng bồi lấp ngay chính dòng sông cũng như tuyến khống chế giữa hai bờ đê, tạo nên thế địa hình ngược: Những dòng sông nổi cao hơn cả đồng bằng hai bên sông. Vào mùa khô, hiện tượng phổ biến là nước thủy triều tác động ngày càng sâu về phía trung du, hiện tượng nhiễm mặn ngày càng tiến sâu vào lục địa. Ở vùng ven biển, đã thấy rõ hiện tượng vùng ngập triều cửa sông mở rộng hình phễu (hiện tượng Ec-tua-ry) trên những diện rộng nhất là ở hạ du các hệ thống sông nghèo phù sa. Rõ nhất là ở vùng hạ du hệ thống sông Thái Bình - Bạch Ðằng, ở vùng ven biển Hải Phòng - Quảng Ninh và hệ thống sông Ðồng Nai ở vùng ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh. Vào mùa khô, các nhánh sông và dòng sông ở các khu vực này thường bị tù đọng với mức độ ô nhiễm nhân tạo gây nguy hại cho đời sống của những vùng dân cư đông đảo. Hiện tượng sạt lở bờ biển trên nhiều đoạn kéo dài hàng chục, hàng trăm cây số với tốc độ phá hủy bờ sâu vào đất liền hàng chục, thậm chí hàng trăm mét là hiện tượng xảy ra thường xuyên trong nhiều năm gần đây, liên quan đến sự tàn phá do gia tăng bão, sóng lớn và sự thay đổi của động lực biển ở đới bờ.
|
Chiến lược lâu dài cho tương lai
Ngân hàng Thế giới đã dự báo, nước ta sẽ là một trong năm nước trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng của nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Hậu quả của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là rất nghiêm trọng và là một nguy cơ đối với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.
Ðể đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, Việt Nam đã tham gia và phê chuẩn công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu như nghị định thư Ky-ô-tô, cơ chế phát triển sạch... Các cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu và từng bước thực hiện những dự án để tiến tới một dự án tổng thể về thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực tế trong công tác phòng, chống thiên tai, nếu như trước đây chúng ta chỉ chú trọng phòng và khắc phục hậu quả thì gần đây đã có sự chuyển hướng trong việc thích ứng và tìm biện pháp phòng ngừa, giảm nhẹ hậu quả thiên tai. Trước mắt các nhà khoa học ở Việt Nam đã đề ra phương án cần trồng rừng ngập mặn và quy hoạch nuôi trồng thủy sản, phát triển các khu bảo tồn sinh thái; không quy hoạch khu định cư gần bờ biển, cửa sông; xây đê cao 1-1,2 m để bảo vệ cảng biển, di tích, điểm du lịch... trong vùng ngập do nước biển dâng. Ðặc biệt, xây dựng hệ thống đê biển trong vùng ngập do nước biển dâng luôn được các quốc gia có biển trên thế giới coi đó là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống và thích nghi với bão lụt, ngăn chặn nước biển dâng và xâm nhập mặn, vừa là phương thức "quai đê lấn biển" mở rộng diện tích đất ở và canh tác.
Làm gì để ứng phó với biến đổi khí hậu. Rất nhiều việc có tầm vóc và quy mô to lớn vừa trước mắt vừa lâu dài cần được tính đến. Trước hết, Việt Nam cần tham gia một cách chủ động và tích cực hơn về các chương trình do Liên hợp quốc chủ trì và biến đổi khí hậu toàn cầu. Các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và quy hoạch, chiến lược phát triển cần được tổ chức và huy động và tham gia một chương trình nghiên cứu cấp quốc gia. Nhà nước cần đầu tư thích đáng cho chương trình này. Chương trình cần được kết nối với các chương trình quốc tế và khu vực để có thể tiếp nhận thành quả nghiên cứu của các tổ chức nghiên cứu có uy tín trên thế giới, tiếp nhận sự trợ giúp quốc tế. Mặt khác, thông qua việc nghiên cứu thực tiễn Việt Nam có thể đóng góp vào các vấn đề đang được các tổ chức quốc tế bàn luận.
Chương trình quốc gia về biến đổi khí hậu toàn cầu tác động vào Việt Nam cần tổ chức nghiên cứu, rà soát, kiểm định lại những kết quả đã nghiên cứu đã có từ trước đến nay; thực hiện một số đề tài có mục tiêu nhằm hướng tới những kết luận khoa học đáng tin cậy, dự báo được chiều hướng biến động cả trước mắt cũng như ở tầm trung hạn, dài hạn (trung hạn và dài hạn hiểu theo nghĩa tính bằng thập kỷ và thế kỷ). Các kết luận khoa học phải trở thành cơ sở cho việc hoạch định các quy hoạch, chiến lược và chính sách vì sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt là quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia, xây dựng các đô thị và vùng tập trung dân cư, các khu, cụm công nghiệp...
Theo Nhân dân