Hầu hết các câu hỏi tập trung vào việc thực hiện chế độ chính sách và sức khỏe sinh sản.
Vẫn khổ vì... hộ khẩu
Thắc mắc của nhóm nữ CNLĐ đang làm việc cho một LD với Nhật Bản đã “châm ngòi” cho hàng loạt các câu hỏi về thực trạng thực hiện chế độ chính sách đối với NLĐ nói chung và chính sách cho LĐ nữ nói riêng.
|
Bên cạnh nội dung đóng BHXH, BH thất nghiệp, nhiều nữ CNLĐ thẳng thắn đặt câu hỏi cho những người làm công tác chính sách và CBCĐ về việc họ sẽ gửi con ở đâu. Trong vấn đề này không chỉ khó khăn vì không có trường lớp mà còn liên quan đến cả NLĐ ngoại tỉnh không có hộ khẩu. Hiện trên địa bàn Đông Anh tất cả các lớp của các trường mầm non đều quá tải, lên tới 40 trẻ/lớp so với quy định 30 trẻ/lớp. Trong khu dân cư đã hình thành 8 nhóm trẻ tự phát nhưng cũng lên tới 100 cháu/nhóm.
Trả lời câu hỏi của nữ CNLĐ, đại diện LĐLĐ huyện Đông Anh đã trấn an: LĐLĐ huyện đang lập đề án theo sự chỉ đạo của Huyện uỷ xây dựng trung tâm mầm non nhằm giúp CNLĐ có chỗ gửi con với những ưu đãi. Đối với vấn đề CN ngoại tỉnh không có hộ khẩu, LĐLĐ huyện có trách nhiệm tham gia với lãnh đạo xã Kim Chung, phòng giáo dục huyện để giải quyết.
Hoạt động nữ công còn hạn chế
Những tâm sự về tình yêu, sức khỏe sinh sản trước hôn nhân, các biện pháp tránh thai tưởng như luôn được các bạn nữ CN trẻ tuổi giấu kín vì thẹn thùng nhưng trước sự gợi mở, chân thành của các tư vấn viên, những điều ấy được thổ lộ. Một nữ CN của Cty TNHH Nissei Electric Hà Nội muốn biết về các biện pháp tránh thai an toàn và độ tuổi sinh con hợp lý.
Một bạn khác đang làm việc cho Cty TNHH Daiwa Plastics Thăng Long trao đổi cách “hâm nóng” tình yêu. Câu hỏi này được đại diện Ban CNVC Thành đoàn Hà Nội trả lời với tư cách là một người đàn ông đã có gia đình. Vị đại diện này mách nhỏ những kinh nghiệm xây dựng và giữ gìn gia đình hạnh phúc. Trong đó nhấn mạnh việc mỗi chị em phải luôn làm mới mình từ hình thức đến kiến thức...
Thông qua buổi đối thoại trực tiếp có thể thấy nhu cầu tìm hiểu kiến thức trong nữ CNLĐ là rất lớn. Kiến thức đó không chỉ thuộc về các quy định của pháp luật mà còn là những kiến thức sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày. Cũng không ngạc nhiên khi có nữ CNLĐ hỏi tại sao bắt buộc phải đóng BH thất nghiệp trong lúc bản thân cô tin chắc rằng mình không bao giờ thất nghiệp.
Bởi, thực tế, cơ hội để cho CNLĐ nói chung và nữ CNLĐ nói riêng trong các KCN-KCX tìm hiểu kiến thức là rất hiếm. Đơn cử trường hợp của nữ CNLĐ Nguyễn Thị Hiền (quê Thanh Hóa) và Dương Thị Xinh (quê Tuyên Quang) đang làm việc cho LD với Nhật Bản, thời gian rảnh rỗi chỉ để ngủ, thỉnh thoảng mới đến phòng sinh hoạt văn hoá chung của tầng (tại ký túc xá) xem chương trình văn nghệ trên tivi. Đây cũng là tình trạng chung của đa phần nữ CNLĐ tại KCN-KCX.
Do đó các buổi đối thoại thực sự là cần thiết vì không chỉ chia sẻ những khó khăn, thách thức mà CNLĐ đang gặp phải mà còn khuyến khích họ thể hiện nguyện vọng, tâm tư chính đáng trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, để đối thoại trở nên thường xuyên, rất cần các cấp CĐ, đặc biệt là CĐCS phát huy vai trò của mình trong lúc hoạt động nữ công tại một số CĐCS ngoài quốc doanh còn hạn chế trong việc thu hút, tập hợp nữ CNLĐ, nhất là số LĐ nữ trẻ.
Buổi giao lưu, đối thoại với nữ CNLĐ KCN Bắc Thăng Long do LĐLĐ TP.Hà Nội tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 với sự góp mặt của các tư vấn viên đến từ: BHXH Hà Nội, Chi cục Dân số Hà Nội, Trung tâm Tư vấn pháp luật CĐ Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội, LĐLĐ huyện Đông Anh... |
Theo Lao Động