Chuyện cô giáo 12 năm gắn bó sự nghiệp “trồng người” ở vùng đặc biệt khó khăn tỉnh Đắk Nông

(CTG) Nhắc đến Đăk Ngo, người ta hình dung ra vùng khó khăn nhất của huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, với phần đông dân cư là dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất, dân trí còn thấp nhưng đối với cô Nguyễn Thị Mỹ Kiều (SN 1987, Trường TH&THCS Trần Phú), Đăk Ngo là quê hương thứ hai, là tình yêu, là sự nhiệt huyết và là cả thanh xuân vì cô quan niệm rằng “Ở đâu có con người, ở đó có sự sống” và vươn lên từ khó khăn mới là điều đáng quý.

Bản thân được sinh ra và lớn lên tại một xã đảo ven biển thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình thuộc hộ khó khăn của xã nên sau khi tốt nghiệp sư phạm, cô quyết định rời xa gia đình lên Tây Nguyên để tìm cơ hội và giúp đỡ gia đình. Năm 2008, cô được phân công công tác giảng dạy bộ môn Tiếng Anh tại trường THCS Trần Phú (nay là trường TH&THCS Trần Phú) đến nay, tuy nhiên, khi lên Tây Nguyên, cụ thể là vào xã Đăk Ngo cô nhận thấy đời sống người dân ở đây khó khăn hơn so với những gì tưởng tượng. Khó khăn từ cơ sở vật chất đến đời sống tinh thần, đặc biệt là đường xa đi lại. Đường đất đỏ, đá lởm chởm bụi mù phải mặc “áo mưa” vào mùa khô và lầy lội phải mặc “áo giáp” vào mùa mưa.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Kiều (áo hồng) cùng các học sinh tham gia biểu diễn văn nghệ của trường 

12 năm gắn bó với mảnh đất này, cô đã quen với bụi đỏ, bùn lầy, quen với cái nắng, cái gió của Tây Nguyên, càng chứng kiến sự khó khăn nơi đây cô càng yêu mảnh đất này nhiều hơn. Cô cho biết “Để được đến trường, các em và gia đình đã phải nỗ lực và cố gắng rất nhiều. Đối với người dân tộc thiểu số, các tập tục văn hóa cổ hủ còn khá nặng nề, trong gia đình một người đi học có nghĩa là mất đi một lao động và nguồn thu nhập nên họ không muốn con đến trường. Bên cạnh đó, nạn tảo hôn vẫn còn đang xảy ra. Nhiều em học sinh phải bỏ dở việc học lấy vợ lấy chồng ở tuổi mà đáng ra các em phải hồn nhiên đúng với lứa tuổi và được đến trường. Nhiều em phải đi bộ hơn 10 cây số, nhiều gia đình phải ăn cơm với nước lã, những đồ dùng thiết yếu còn rất thiếu thốn”. Vì vậy nên bản thân các em rất nản và dễ bỏ cuộc. Những giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm như cô phải lội từng con suối, vượt biết bao nhiêu con đèo, gõ cửa từng gia đình phụ huynh học sinh để vận động các em đến trường. Không được học hành là một thiệt thòi lớn với các em, các em phải vượt qua khó khăn ngày hôm nay để mai sau mới nhận được trái ngọt. Để các em có động lực bám trường, nhà trường thường tạo các phong trào “Cùng bạn đến trường”, “vòng tay bè bạn”… nhằm phát huy tinh thần tương thân tương ái trong nhà trường, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến lớp. Và chính vì sự nhiệt tình và lòng yêu nghề mà cô Mỹ Kiều đã thuyết phục được rất nhiều em quay lại trường. Đối với lớp cô chủ nhiệm, sĩ số học sinh hầu như được đảm bảo hằng ngày, ít có trường hợp bỏ học. Năm 2014, cô viết một sáng kiến với kinh nghiệm nói về biện pháp duy trì sĩ số học sinh lớp chủ nhiệm đã đạt loại B cấp huyện và được nhân rộng toàn trường. 

Đối với môn Tiếng Anh, là một môn học khó với các em học sinh nói chung và học sinh dân tộc thiểu số nói riêng vì việc đọc và phát âm Tiếng Việt đúng đã là một sự cố gắng rất lớn. Vì vậy, ngay từ đầu cô xác định mình phải kiên trì, tìm tòi phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp nhất, đơn giản nhất và hiệu quả nhất với đối tượng là học sinh dân tộc thiểu số. Để các em có thêm thời gian luyện tập, cô thường dành những ngày nghỉ cuối tuần để kèm và phụ đạo các học sinh trung bình, yếu hoàn toàn miễn phí. Kết hợp với Liên đội thường xuyên tạo môi trường cho các em được tiếp xúc với Tiếng Anh thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ nói Tiếng Anh, thi Hùng biện Tiếng Anh mỗi tháng một lần hoặc tạo ra các sân chơi “học mà chơi” qua các cuộc thi Rung chuông vàng hoặc Đường lên đỉnh Olympia… thời gian vừa qua, dịch Covid - 19 đang diễn biến phức tạp nên cô quyết định mở lớp học Tiếng Anh giao tiếp Online miễn phí trên phần mềm Zoom cho đối tượng là các em học sinh dân tộc thiểu số và gia đình có hoàn cảnh khó khăn thuộc xã Đăk Ngo. 

Cô Kiều cùng các học sinh phá cỗ trung thu

Cũng chính từ những cố gắng không ngừng nghỉ, cô đã đạt được khá nhiều thành tích về chuyên môn như: Giải Ba hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp huyện cấp THCS năm 2015 và năm 2017; Giải Nhì hội thi Giáo viên giỏi cấp huyện cấp THCS năm 2019 và giải Nhất hội thi giáo viên cấp tỉnh  môn Tiếng Anh bậc THCS năm 2019. Bên cạnh đó nhiều năm liền cô được tặng danh hiệu Lao động tiên tiến, 4 năm liên tiếp được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (từ năm 2016 đến 2019) và được chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh” năm 2019; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”” (năm học 2019 - 2020); Sáng kiến kinh nghiệm về “Phương pháp dạy từ vựng cho học sinh khối 6 qua hình thẻ tại trường THCS Trần Phú” đã đạt loại A cấp huyện và loại B cấp tỉnh năm 2017; Sáng kiến kinh nghiệm về “Sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy bộ môn Tiếng Anh tại trường THCS Trần Phú” năm 2020 đạt loại B cấp huyện.

Đặc biệt, cô Kiều vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.