![]() Các bạn trẻ tham quan mô hình sáng tạo được triển lãm tại Liên hoan tuổi trẻ sáng tạo TP.HCM 2013 - Ảnh: Q.L. |
Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Đoàn Kim Thành - giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học & công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) - đơn vị phụ trách chương trình này. Anh Thành cho biết:
- Mục tiêu tạo ra sân chơi, môi trường để sinh viên làm quen với nghiên cứu khoa học đến lúc này có thể nói là thành công. Nhiều trường nhìn nhận chính giải thưởng Euréka đã tạo động lực để các trường sẵn có truyền thống nghiên cứu khoa học phát triển hơn hoạt động này. Với những trường mà hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên chưa mạnh, thậm chí chưa có, thì bắt đầu hình thành, khích lệ sinh viên tìm tòi nghiên cứu. Có trường đã hình thành cơ chế khuyến khích, quy đổi điểm, nguồn quỹ dành cho các đề tài nghiên cứu của sinh viên có chất lượng. Một phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học tại các trường trong TP đang ngày một phát triển.
* Nhưng không thể phủ nhận khá nhiều đề tài của sinh viên có tính ứng dụng chưa cao, nhiều khi nghiên cứu xong lại cất là rất lãng phí...
|
- Dù kết quả nghiên cứu có cả công của sinh viên và giảng viên hướng dẫn, song không phải đề tài nào cũng có khả năng ứng dụng vào thực tế. Bởi khó có thể đòi hỏi cao với các nghiên cứu chỉ trong thời gian hạn hẹp chưa đến một năm. Kiến thức của sinh viên trước một vấn đề nghiên cứu cũng hạn chế nhất định dù có thể ý tưởng rất sáng tạo và độc đáo. Chưa kể nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất phục vụ các nghiên cứu sinh viên cũng hạn hẹp.
Còn từ góc độ người tiếp nhận, để có thể tiếp nhận ngay kết quả nghiên cứu của sinh viên cũng không đơn giản. Tâm lý người tiếp nhận là đề tài có ứng dụng ngay được không, có cho ra sản phẩm liền không, trong khi phần lớn nghiên cứu chỉ là bước đầu, nếu có ra sản phẩm cũng cần phải được gia công thêm nữa. Nhiều đơn vị chưa có niềm tin để tiếp nhận và phát triển kết quả đã có từ nghiên cứu. Đây cũng là bài toán chúng tôi rất trăn trở.
* Trung tâm đứng ở vị trí nào trong việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu ra xã hội?
- Thường sau khi công bố kết quả hằng năm, trung tâm đều gửi tóm tắt các đề tài đoạt giải cao đến với đơn vị có liên quan. Chúng tôi làm đầu mối, tự tìm đối tượng liên quan để chuyển giao nhưng sự phản hồi trở lại rất ít. Có khi mình chuyển đi rồi mà không biết những điều mình chuyển đến có được ai xem xét không. Mình như người chào hàng, còn “mua” hay không lại là quyền của họ.
* Vậy phải chăng chất lượng các kết quả nghiên cứu chưa đủ sức thuyết phục?
- Về chuyên môn, tôi có thể khẳng định đánh giá kết quả của hội đồng khoa học là hoàn toàn đảm bảo. Nhiều trường nói với chúng tôi chưa thấy có giải thưởng nào huy động được nhiều nhà khoa học đầu ngành cùng lúc như vậy. Với 11 nhóm ngành hiện có, mỗi năm hơn 200 nhà khoa học đầu ngành các lĩnh vực nhận lời làm giám khảo cho Euréka.
![]() Các sinh viên tìm hiểu sản phẩm do chính sinh viên nghiên cứu, sáng tạo tại Liên hoan tuổi trẻ sáng tạo 2013 vừa kết thúc - Ảnh: Q.L. |
Trong nghiên cứu khoa học không phải kết quả nào cũng có thể chuyển giao và ứng dụng ngay, cho ra sản phẩm tức thì. Với những hạn chế nhất định trong quá trình nghiên cứu của sinh viên, ngay cả với những đề tài nhìn thấy khả năng ứng dụng thì việc có thể ứng dụng thực tế hay không cũng còn có khoảng cách nhất định. Nên nói rằng nghiên cứu chưa đáp ứng tính ứng dụng cũng không đúng, nhưng chắc chắn không phải nghiên cứu nào cũng giải quyết chuyện ứng dụng.
* Nhìn lại kết quả đã có, chúng ta đã tính đến bước đi tiếp theo của giải thưởng?
- Trước hết vẫn là phải giữ được môi trường, tạo sân chơi ươm mầm cho những tài năng, đam mê nghiên cứu khoa học trẻ. Trong đó, làm sao tiếp tục gầy dựng ở những trường chưa hình thành phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học, cả các trường đặc thù như nghệ thuật, thể thao cũng rất cần có hoạt động nghiên cứu khoa học.
Giải thưởng này đã làm được việc nuôi dưỡng tình yêu khoa học của những người tạm gọi là nhà khoa học trẻ. Nên nếu có thể kết nối được với nhiều đơn vị, sẽ có được những suất học bổng dành cho các bạn đoạt giải cao nhất học cao lên, giúp các bạn đeo đuổi con đường nghiên cứu, làm khoa học của mình.
Với những đề tài có tính ứng dụng cao, nếu có được nguồn quỹ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng đầu tư để các bạn nghiên cứu sâu hơn thì quá tốt. Khi đó, nhà khoa học trẻ chỉ tập trung nghiên cứu, không quá quan tâm đầu ra thế nào, có phải đền tiền nếu không thành công. Tôi tin nếu có được những điều ấy, giải thưởng sẽ tăng thêm sức hút và điều này cũng có lợi cho khoa học nước nhà.
15 năm và 5.723 đề tài
Đã có 5.723 đề tài nghiên cứu được hơn 11.600 sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM gửi tranh giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka trong 15 năm qua. Nếu năm đầu tiên chỉ có 19 trường thì đến năm 2013 đã có 34 trường có sinh viên dự giải Euréka. Trong đó, năm 2011 có số lượng sinh viên tham gia đông nhất với trên 1.400 bạn gửi gần 600 đề tài dự thi.
Với những đề tài có tính ứng dụng cao, nếu có được nguồn quỹ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng đầu tư để các bạn nghiên cứu sâu hơn thì quá tốt. Khi đó, nhà khoa học trẻ chỉ tập trung nghiên cứu, không quá quan tâm đầu ra thế nào, có phải đền tiền nếu không thành công. Tôi tin nếu có được những điều ấy, giải thưởng sẽ tăng thêm sức hút và điều này cũng có lợi cho khoa học nước nhà.
15 năm và 5.723 đề tài
Đã có 5.723 đề tài nghiên cứu được hơn 11.600 sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM gửi tranh giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka trong 15 năm qua. Nếu năm đầu tiên chỉ có 19 trường thì đến năm 2013 đã có 34 trường có sinh viên dự giải Euréka. Trong đó, năm 2011 có số lượng sinh viên tham gia đông nhất với trên 1.400 bạn gửi gần 600 đề tài dự thi.
Theo Tuổi Trẻ |