Cô gái 9X tạo vòng đời mới cho đồ jean cũ, giúp đỡ trẻ em khó khăn

CTG - Từ đồ jean không dùng đến, cô gái này đã “tái sinh” thành các sản phẩm thời trang thân thuộc, góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cô còn dùng 5% doanh thu để giúp đỡ cho những trẻ em khó khăn.

Cô gái 9X tạo ‘vòng đời mới’ cho đồ jeans cũ, giúp đỡ trẻ em khó khăn - Ảnh 1.
 

Mỹ Triều tạo "vòng đời mới" cho đồ jean cũ‏

NVCC

Tay ngang bước vào nghề

‏Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng,‏ Đặng Thị Mỹ Triều (28 tuổi) đảm nhận công việc trợ giảng tiếng Trung tại một trung tâm ở TP.HCM. Thời điểm dịch Covid-19, Triều cùng chồng chuyển đến TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (nơi ở hiện tại) để sinh sống và kinh doanh túi xách secondhand (‏‏đồ đã qua sử dụng).‏‏ Vào giữa năm 2022, Triều có suy nghĩ sẽ tái chế vải jean cũ thành những vật dụng hữu ích. ‏

‏Nghĩ là làm, Triều tìm tòi, học cách may cơ bản, đầu tư máy móc và gắn bó với công việc tái chế đồ jean từ đó. "Mình không phải là người đầu tiên tham gia vào con đường tái chế vải jean, đã có nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện trước đó rồi. Tuy nhiên, ở nơi mình đang sống, việc tái chế đồ jean cũ thành túi xách hay nón vẫn còn khá mới mẻ so với mọi người. Thế nên mình muốn giới thiệu các sản phẩm tái chế đến với nhiều người hơn", Triều chia sẻ. 

Mỹ Triều đã cho ra đời hàng trăm sản phẩm, từ túi xách đến ví, nón… với đủ kích cỡ và kiểu dáng được tái chế từ vải jean cũ‏

NVCC

‏Là tay ngang bước vào nghề, thời gian đầu Triều gặp rất nhiều khó khăn, như: không tránh khỏi sự vụng về khi tiếp xúc với máy may, đường chỉ; không biết cách tạo form (hình dáng) cho túi xách… Để có những sản phẩm đẹp mắt như hiện tại, cô đã phải trải qua rất nhiều lần may sai, may xấu. Không nản chí, Triều ra sức luyện tập và rút kinh nghiệm để khắc phục, dần dần những sản phẩm làm ra đã hoàn thiện hơn. ‏

‏Trong hơn 1 năm bén duyên với nghề, Triều đã "tái sinh" đồ jean cũ thành hàng trăm chiếc túi xách, nón, ví... với đa dạng kiểu dáng, mẫu mã. Với cô gái này, mỗi sản phẩm đều chứa đựng những câu chuyện và có tên gọi thật dễ thương. Triều còn nhớ sản phẩm đầu tiên được cô đặt tên là "balo rùa". "Chiếc balo đó được làm từ 5 túi của quần jeans cũ. Sau khi hoàn thành, bạn bè mình nhận xét nó giống như chiếc mai của con rùa, vậy là cái tên "balo rùa" có từ đó", Triều cười nói. ‏

‏Chia sẻ về quá trình tái chế, Triều cho biết sau khi nhận đồ jean mà mọi người gửi tặng hoặc tự thu gom được, cô sẽ đem giặt ‏‏giũ sạch sẽ, phân loại và lưu trữ. Tiếp đó, Triều dành nhiều thời gian để lên ý tưởng thiết kế mẫu, rồi mới tiến hành cắt ghép, xử lý kỹ thuật và hoàn thiện sản phẩm. Cô tận dụng phần đai, túi… của đồ jean cũ để tạo thành các chi tiết chính, còn phần vải vụn thừa, cô sử dụng để cắt may, ghép thành những chi tiết đính kèm vào sản phẩm. ‏‏"Theo mình, công đoạn khó khăn nhất là lên ý tưởng thiết kế mẫu, vì mình phải thiết kế làm sao cho đẹp và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Thế nhưng, đó cũng là công đoạn thú vị nhất bởi mình được thỏa sức sáng tạo", Triều cho hay. ‏

Giúp cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa hơn

‏Với sản phẩm đơn giản, Triều có thể nhanh chóng thực hiện trong 1 ngày, còn những mẫu thiết kế khó, yêu cầu nhiều, cô mất từ 2-5 ngày để hoàn thành một sản phẩm. Tùy theo kích cỡ, mẫu mã mà có giá bán dao động từ 300.000 - 600.000 đồng/sản phẩm. "Công việc tái chế jean cũ khá vất vả, nhưng mình nhận về nhiều niềm vui hơn. Khi đồ jean có vòng đời mới đồng nghĩa với việc lượng rác thải ra môi trường sẽ giảm bớt. Đồng thời, công việc này cũng mang lại thu nhập cho mình", Triều chia sẻ.‏

Mỗi sản phẩm bán ra, Triều sẽ trích 5% doanh thu để giúp đỡ cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Cô kể: "Một người anh từng chia sẻ với mình rằng trong 100% thời gian hoặc thu nhập, nên dành ra một ít để tham gia các hoạt động thiện nguyện, bởi vì điều đó sẽ giúp bản thân cảm thấy cuộc sống hạnh phúc hơn. Thế là trong gần 3 năm nay, mình cùng chồng dùng số tiền tích góp được mỗi tháng để mua quà gửi tặng các mái ấm, chương trình thiện nguyện. Dù nhỏ thôi nhưng mình thấy vô cùng ý nghĩa". 

Cô gái 9X tạo ‘vòng đời mới’ cho đồ jeans cũ, giúp đỡ trẻ em khó khăn - Ảnh 3.

Triều giới thiệu sản phẩm tái chế của mình đến mọi người

NVCC

 

‏Nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ người thân, bạn bè và khách hàng, Triều có thêm niềm tin để theo đuổi công việc đang làm. Thỉnh thoảng, có những phiên chợ hay các buổi triển lãm về đồ handmade (đồ thủ công), Triều đều không bỏ lỡ. Cô nàng mong muốn có thể giới thiệu sản phẩm tái chế, lan tỏa lối sống xanh đến nhiều người hơn nữa. ‏

‏Là khách hàng của Triều, chị ‏‏Nguyễn Thị Ngọc Tùng (36 tuổi), ngụ tại đường Nguyễn Thị Định, P.Nguyễn Văn Cừ, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, nhận xét: "Khi đến gian hàng của Triều tại một hội chợ về đồ handmade, tôi cực kỳ ấn tượng với những sản phẩm từ đồ jean cũ. Nó rất dễ thương, sáng tạo và đúng "gu" của mình. Kể từ lần đó, tôi thường mua túi, nón… do Triều làm để sử dụng và tặng cho người thân, bạn bè". 

Theo TNO