Trăn trở trước tình trạng dừa trồng thường gặp cảnh được mùa mất giá, chị Thạch Thị Chal Thy, quê ở Thị Trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh đã nảy sinh ý tưởng tạo ra dòng sản phẩm từ mật hoa dừa. Hiện mặt hàng do cơ sở chị sản xuất đã có mặt ở nhiều thành phố lớn trong nước và triển khai kế hoạch đưa mặt hàng sang thị trường Bản.
Công nhân thu hoạch mật hoa dừa. |
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành công nghệ thực phẩm, đi làm và tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm một thời gian, năm 2018, chị Thạch Thị Chal Thy (quê ở Thị Trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) quyết định trở về quê nhà với suy nghĩ tận dụng nguồn tài nguyên có sẵn ở quê mình để khởi nghiệp.
Nghĩ là làm, bằng sự nhạy bén, tư duy của một kỹ sư từng được đào tạo bài bản chuyên ngành công nghệ thực phẩm, chị dồn sức nghiên cứu, tạo ra một số sản phẩm từ mật hoa dừa. Những sản phẩm này sau đó được công nhận là sản phẩm đạt chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thế nhưng gia đình chỉ có vài chục cây dừa đang cho trái, nếu muốn có đủ nguồn nguyên liệu sản xuất lâu dài, ít nhất cũng có 100-200 cây mới đáp ứng nhu cầu. Trước vấn đề đặt ra, chị Chal Thy tiến hành khảo sát và đặt vấn đề hợp đồng thuê cây dừa với bà con trong xóm.
“Ban đầu cũng phải thuyết phục bà con nhiều lắm vì bà con sợ khai thác mật như vậy dừa sẽ mau chết. Thực tế, một số nước đã làm rồi, nếu không khai thác mật nữa thì dừa vẫn cho trái bình thường, tuổi thọ cũng 30- 40 năm. Khi hiểu rồi bà con sẵn sàng hợp tác, vì trong thời gian hợp đồng việc chăm sóc, bón phân chúng tôi đều lo tất”, chị Chal Thy chia sẻ.
Ông Thạch Sang, một hàng xóm của chị Chal Thy, người có 4 công dừa 5 năm tuổi cho biết, ban đầu khi chị Chal Thy ngỏ lời thuê cây dừa để lấy mật ông cũng đắn đo không biết có ảnh hưởng sức khỏe của cây dừa hay không, thu nhập thế nào? Thế nhưng sau hơn nửa năm cho thuê 27 cây dừa, gia đình có thu nhập đều đặn 600.000 đồng/tháng. Còn nếu tự khai thác mật cung cấp cho doanh nghiệp thì mỗi hoa dừa sẽ cho 25 lít, tương đương 250.000 đồng. Nếu gia đình có 20 gốc dừa, hàng tháng thu được 5-6 triệu đồng.
Mật hoa dừa sau khi lấy. |
“Cho thuê khai thác mật như vậy tôi thấy có lợi hơn, vì dừa khô giá không ổn định. Lúc lên lúc xuống nhưng xuống nhiều hơn lên, có khi 20.000-30.000 đồng, có khi 50.000 đồng/chục. Cho thuê thì ổn định hơn, 600.000 đồng/tháng trên 27 cây. Việc bón phân, ngừa sâu rầy thì phía công ty lo hết”, ông Thạch Sang nói.
Để có mật hoa dừa, đầu tiên phải chọn bó những bông dừa sắp nở để bông dừa không bị bung ra, đồng thời, tạo thuận lợi cho công đoạn “mát xa” bông và thu mật, cứ cách 12 tiếng thì thu được hơn 0,5 lít mật. Tuy nhiên, việc lấy mật từ hoa dừa chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của những người thợ. Vì vậy, những người lấy mật trước khi đảm nhận công việc, đều được tập huấn rất kỹ. Hiện doanh nghiệp Trà Vinh Farm của chị Chal Thy có 6 lao động chuyên lấy mật dừa, với thu nhập từ 4,5- 5 triệu đồng/tháng.
“Không nghề nghiệp đi lấy mật dừa nhẹ nhàng hơn đi làm thợ hồ, công việc chủ yếu ở trong bóng mát. Một ngày lấy 2 lần sáng chiều, thu nhập cũng hơn 5 triệu đồng”, anh Thạch Bảy - một trong những lao động làm việc cho chị Chal Thy cho biết.
Thạc sĩ Thạch Thị Chal Thy với sản phẩm từ mật hoa dừa. |
Theo chị Thạch Thị Chal Thy, hoa dừa có vị ngọt thanh, có chỉ số đường huyết thấp hơn so với mật ong, đường mía và có hàm lượng khoáng cao, rất thích hợp đối với những người bệnh tiểu đường, người có chỉ số đường huyết cao, người già bồi bổ cơ thể. Hiện sản phẩm do doanh nghiệp chị sản xuất gồm đường mật hoa dừa, mật hoa dừa cô đặc, mật hoa dừa ngào ca cao. Những sản phẩm này đang được đưa vào tiêu thụ ở thị trường Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và Phú Quốc. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, doanh nghiệp Tra Vinh Farm đang triển khai kế hoạch đưa mặt hàng sang thị trường Nhật Bản. Và mới đây, đã có đoàn khách Nhật Bản đến thăm cơ sở, tìm hiểu quy trình làm ra mật hoa dừa và trao đổi kỹ hơn về hướng hợp tác lâu dài.
“Hiện sản phẩm rất được ưa chuộng. Vì mật dừa không chỉ ngon mà còn tốt cho sức khỏe. Kế hoạch sắp tới tôi sẽ chuyên giao kỹ thuật thu mật cho một số nhà vườn, để bà con tự khai thác mật cung cấp cho công ty, bà con sẽ có thu nhập nhiều hơn và công ty cũng thu được mật nhiều hơn”, chị Chal Thy cho biết thêm.
Mô hình dừa lấy mật của chị Thạch Thị Chal Thy cũng đã gây ấn tượng mạnh cho nhiều đoàn khách quốc tế ghé tham quan, không chỉ vì tính mới mẻ của sản phẩm, mà ở việc áp dụng quy trình làm sản phẩm nông nghiệp sạch. Vườn dừa được canh tác theo theo hướng hữu cơ, an toàn trong toàn bộ quá trình canh tác vùng nguyên liệu, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường./.
Theo VOV