Ngày 2/11, tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Vòng Chung kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2022 diễn ra với sự tranh tài của 31 dự án xuất sắc. Tại đây, gian hàng trưng bày sản phẩm Dự án “Lá khô Handmade” của chị Nguyễn Như Sinh (tỉnh Quảng Nam) thu hút nhiều đại biểu tham quan.
Làm cho vui
Từ nhỏ Nguyễn Như Sinh đã thích làm đồ thủ công, tự tay làm nhiều món đồ tặng bạn bè. Lớn lên, với sự phát triển của internet, tìm kiếm trên mạng thấy bạn trẻ quốc tế sáng tạo những chiếc lá thành sản phẩm độc đáo, Sinh mày mò làm thử. Những sản phẩm đầu tiên của Sinh đã làm người thân ngạc nhiên, yêu thích, khiến cô càng có động lực theo đuổi đam mê này.
Chị Nguyễn Như Sinh (Quảng Nam) bên các sản phẩm từ lá khô handmade tại cuộc thi |
Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, Sinh đã tự biết cách khai thác các loại lá. Quảng Nam rừng nhiều, có nguồn nguyên liệu dồi dào như lá cây bằng lăng, bồ đề, bàng núi… có thể làm nón, làm ví, làm tranh. Sinh chọn những chiếc lá bồ đề gần rụng, hái về ngâm từ 2 đến 3 tháng, xử lý sạch. “Chỉ có lá gần rụng mới có gân, lá non không làm được, lá khô rụng sẽ bị cong vẹo”, Sinh nói.
Anh Vũ Minh Thảo - Phó Trưởng ban Thanh niên Nông thôn T.Ư Đoàn cho biết, cuộc thi Dự án Khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2022, sau vòng Bán kết Ban tổ chức đã chọn ra 31 dự án lọt vào vòng Chung kết. Các dự án tham gia cuộc thi tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát huy tài nguyên bản địa thông qua trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…; bảo vệ môi trường bằng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và tận dụng tài nguyên bản địa; bảo tồn văn hóa dân tộc... |
Vì làm hoàn toàn bằng thủ công nên mỗi chiếc lá hay tác phẩm của Sinh đều mang sắc thái riêng biệt, sản phẩm không cái nào giống cái nào. “Cách đây mười năm tôi khởi nghiệp với trầm hương. Còn ‘Lá khô Handmade’ mới bắt đầu 4 năm nay. Tôi đến với lá khô lúc đầu làm theo đam mê, làm để trưng bày trong nhà cho vui. Sau có người hỏi mua thì tôi bán. Người ta đặt hàng nhiều nên tôi làm luôn”, Sinh chia sẻ.
Sinh là một giáo viên âm nhạc dạy tại một trường cấp hai ở tỉnh Quảng Nam, và là một cán bộ đoàn năng động. Thời gian tham gia hoạt động đoàn, Sinh chứng kiến nhiều hoàn cảnh đáng thương của những đứa trẻ khuyết tật. Sinh muốn truyền dạy cho các em làm các sản phẩm từ lá khô. “Nhiều bạn khuyết tật rất có tài. Tôi mong muốn làm một điều gì đó khơi dậy được những khả năng trong con người của những đứa trẻ khuyết tật, giúp các em có một đam mê trong cuộc sống và có thể tự kiếm tiền”, Sinh nói.
Gieo yêu thương
Chia sẻ về những bí quyết, theo Sinh, cái khó nhất là công đoạn ngâm để ra vân lá, chà mạnh tay lá rách. Chính vì vậy, chị phải tốn rất nhiều công sức cho công đoạn chà gân lá này. Công đoạn thứ 2 là ghép tranh chỉ cần lệch là xấu. Khi làm bản thân phải dành hết tâm huyết, cảm hứng thì mới cho ra sản phẩm có hồn.
Từ những chiếc lá bồ đề có thể tạo nên hình bông hoa, gắn lên áo dài, mũ, ví, lá treo xe, lá treo văn phòng, tranh phong thủy… “Khi làm đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế thì mới cho ra tác phẩm ưng ý. Bởi vậy, mỗi sản phẩm phải được làm bằng chính tấm lòng và tình cảm của mình chứ không đơn thuần là mua bán”, Sinh chia sẻ.
Hiện tại, Sinh hỗ trợ, hướng dẫn một số bạn khuyết tật làm các sản phẩm từ lá khô. Sinh dự kiến vài năm tới chú trọng lo thương mại, các sản phẩm sẽ giao chủ yếu cho các bạn trẻ khuyết tật tự làm. Sản phẩm của Sinh là độc bản. Đằng sau mỗi bức tranh được làm từ lá bồ đề sẽ có 1 câu chuyện về một em bé khuyết tật, được gắn mã QR trên bức tranh. Người mua bức tranh quét mã sẽ biết được câu chuyện muốn truyền tải.
Vượt qua rất nhiều dự án, dự án “Lá khô Handmade” của Nguyễn Như Sinh (tỉnh Quảng Nam) đã lọt vào Vòng Chung kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2022. Với Sinh, cuộc thi đã mở ra cơ hội cho chị được giao lưu, học hỏi trong một môi trường đầy thân thiện. Đó là động lực để bản thân Sinh cố gắng hơn nữa trong các sản phẩm của mình.
Theo TP