Cô gái vượt lên những khiếm khuyết, nỗ lực trở thành luật gia tương lai

(CTG) Sinh ra với những khác thường trên cơ thể, cùng với cuộc sống khó khăn ở vùng quê Cao Bằng, vượt lên tất cả cô gái Nông Thị Thiết - cử nhân ngành Luật trường Đại học Luật Hà Nội là minh chứng cho ý chí mãnh liệt "dám ước mơ, biết thực hiện".

Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Hà Quảng của tỉnh Cao Bằng, bố mẹ đều làm nghề nông "ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", chị Nông Thị Thiết đã nỗ lực theo học ngành Luật trường Đại học Luật Hà Nội với khát khao trở thành luật gia xuất sắc.

Sau khi tốt nghiệp, chị công tác tại một công ty Luật ở Thái Thịnh. Vì mới chỉ chập chững bước vào nghề nên công việc cũng chưa có gì nhiều để nói. Nhưng để nói về nghề Luật, thì theo cảm nhận của chị đó là một nghề khó và nhiều chông gai.

Cô gái vượt lên những khiếm khuyết để trở thành tân cử nhân ngành Luật ảnh 1

Chị Thiết sinh ra đã không may mắn được như bao người khi bị gù, vẹo cột sống bẩm sinh. Dị tật này khiến chị nhỏ bé và sức khỏe yếu hơn rất nhiều so với người bình thường. Vì ngoại hình không bình thường của chị nên có nhiều người đã buông ra những lời nói mỉa mai, cay đắng khi họ nhắc đến chị. Dù có mạnh mẽ đến đâu, chị cũng không khỏi tủi thân, chạnh lòng khi nghe được những lời nói đó. Họ không chỉ nói những lời làm mình tổn thương mà còn động chạm đến cả bố mẹ chị. Từng có người nói rằng, bố mẹ thế nào mới sinh ra đứa con như vậy. Nhưng bố mẹ chị thật sự tốt, họ không có lỗi gì cả. Chỉ là do chị kém may mắn nên mới phải gánh chịu sự thiệt thòi này.

Bản thân chị đã như thế, hoàn cảnh gia đình lại còn khó khăn. Chị vẫn nhớ lúc chị còn nhỏ, có những ngày gia đình chị chỉ có mỗi rau xanh để ăn, phải ăn cơm ngô hoặc không có gạo nên phải đi vay hàng xóm. Cuộc sống hiện tại của gia đình chị tuy đã được cải thiện đôi chút nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Đã từng có nhiều lần chị khóc và cảm thấy bất lực vì mình cũng là một người con trong gia đình nhưng lại không giúp đỡ, đỡ đần cho bố mẹ được nhiều.

Đến khi đi học Đại học, chị một thân một mình ở Hà Nội, không có người thân ở bên nên việc học và cuộc sống sinh hoạt ở dưới này cũng gặp nhiều khó khăn. Chuyển đồ cũng không ai giúp, và chị là một người hay ngại, sợ làm phiền người khác nên cũng không dám nhờ ai. Gặp chuyện buồn cũng không biết kể cho ai. Mỗi khi ốm đau cũng chỉ một thân một mình. Những lúc như thế chị chỉ muốn buông bỏ tất cả để về với gia đình, về với vòng tay của bố mẹ.

Cô gái vượt lên những khiếm khuyết để trở thành tân cử nhân ngành Luật ảnh 2

Thật sự nhiều khi chị cũng tưởng mình sẽ không thể tiếp tục cố gắng được nữa. Nhưng may mắn làm sao, tất cả những khó khăn mình đều đã vượt qua để đến ngày hôm nay chị có thể tự hào về những gì mà chị đã làm được. Người ta thường hay nói: “Muốn yêu người khác trước tiên phải yêu bản thân mình”; Còn chị thì luôn quan niệm: “Muốn người khác không coi mình là một người khuyết tật, trước tiên mình phải luôn tự coi bản thân là một người bình thường” và chị tin chị sẽ làm được nhiều điều có ích cho xã hội.

Để đi đến ngày hôm nay, chị thấy bản thân mình cũng đã thật sự cố gắng. Chị đã không vì khiếm khuyết của bản thân mà bỏ lỡ đi những người đẹp đẽ trong cuộc sống. Việc trở thành sinh viên của HLU và được cầm tấm bằng Cử nhân Luật trên tay, đối với chị đó là những điều vô cùng đẹp. Thật may, chị đã không bỏ lỡ mà còn được trải nghiệm với nhiều kỷ niệm khó quên.

Cô gái vượt lên những khiếm khuyết để trở thành tân cử nhân ngành Luật ảnh 3

Kiến thức, mối quan hệ tốt đẹp với thầy cô, bè bạn và những giá trị tinh thần khác là những gì mà chị có được khi là sinh viên của trường Đại học Luật Hà Nội.

Đến khi đi làm việc tại các công ty Luật, chị biết chị đã chọn phải nghề khó. Nhưng đến hiện tại chị vẫn không hối hận khi đã đăng ký học Luật. Ở quê chị, số lượng các bạn tiếp tục đi học Đại học sau khi tốt nghiệp cấp III rất ít, phải nói là đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, đỗ HLU và là sinh viên của HLU chị coi đó là một may mắn và vinh dự lớn đối với bản thân chị. Ngôi trường này đã đem lại cho chị nhiều giá trị mà chị sẽ luôn trân trọng. Bản thân chị là một con người ham học hỏi và mỗi khi được tiếp cận với nguồn kiến thức mới chị luôn cảm thấy rất hào hứng và vui sướng. Trường Luật đã cho chị nhiều kiến thức hay và bổ ích, mà có lẽ chị sẽ không có được nếu chị không đi học hay là sinh viên của một trường khác. Chị thật sự yêu mái trường HLU, nơi có những con người mà chị thật sự kính trọng và biết ơn. Sau này khi ra ngoài xã hội, chị sẽ có những mối quan hệ mới, nhưng thầy cô HLU là những người mà chị sẽ không bao giờ quên. Cả những người bạn luôn dành cho chị sự quan tâm và quý mến đặc biệt.

Cô gái vượt lên những khiếm khuyết để trở thành tân cử nhân ngành Luật ảnh 4
Cô gái vượt lên những khiếm khuyết để trở thành tân cử nhân ngành Luật ảnh 5

Mới chập chững bước vào nghề nên sắp tới chị vẫn sẽ tiếp tục trau dồi kiến thức và rèn luyện thêm các kỹ năng để phục vụ cho công việc sau này. Chị cũng đã xác định là sẽ theo nghề, sẽ cống hiến cho xã hội bằng đúng chuyên ngành mà mình đã học. Vì vậy, dự định tới của chị là sẽ tiếp tục học lên Luật sư. Dù kiến thức thực tế chưa nhiều nhưng chị tin mình sẽ hoàn thành tốt chương trình học. Đấy là về học tập. Còn về công việc, chị vẫn muốn theo con đường là làm pháp chế doanh nghiệp. Thông thường, để ứng tuyển vào vị trí chuyên viên pháp chế của một doanh nghiệp, bản thân người đó phải có nhiều năm kinh nghiệm, có kiến thức và nhiều kỹ năng mềm khác. Cũng chính vì vị trí này yêu cầu cao nên chị thích. Bởi vì, đòi hỏi càng cao thì chị càng có động lực để phấn đấu.

Cô gái vượt lên những khiếm khuyết để trở thành tân cử nhân ngành Luật ảnh 6

Một điều đặc biệt chị vẫn luôn khao khát được thực hiện đó là giúp đỡ được càng nhiều người càng tốt. Và chị muốn dùng kiến thức chuyên ngành của mình để giúp đỡ mọi người. Vì vậy, trong tương lai, chị sẽ chăm chỉ đến nhiều nơi hơn để tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân và truyền nguồn năng lượng tích cực đến cho mọi người xung quanh.

Với ý chí vươn lên mạnh mẽ trở thành tấm gương lan toả cho cộng đồng, chị Thiết vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội vì đã có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên trong học tập, lao động giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, dịp này, chị Thiết vinh dự là tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Toả sáng nghị lực Việt" năm 2022 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức.

Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức được triển khai từ tháng 5 - 8/2022 nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng; góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam.

Chương trình năm nay sẽ tuyên dương 50 đại biểu là thanh niên khuyết tật có độ tuổi không quá 35 (đối với các trường hợp có độ tuổi từ 36 – 40 tuổi nếu có thành tích đặc biệt, Hội đồng sẽ xem xét quyết định). Các cá nhân được tuyên dương sẽ được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt nam, biểu trưng của chương trình và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cùng các phần thưởng giá trị khác.

Các hoạt động của Chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” năm 2022 được tổ chức vào cuối tháng 9, tại Thủ đô Hà Nội.