Cờ Tổ quốc ở Trường Sa

(CTG) Hơn 10 ngày lênh đênh trên biển, qua các đảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa, ở bất cứ phía nào chúng tôi cũng nhìn thấy lá cờ Tổ quốc thiêng liêng và kiêu hãnh tung bay trên cột mốc chủ quyền. Rời Trường Sa, trong những kỷ vật mà chúng tôi mang về đất liền có một lá cờ Tổ quốc đã từng tung bay trên đảo Sinh Tồn.

 



Đại diện Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận lá cờ do cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa trao tặng.


Trung tá Phạm Quang Trung, Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn đã tâm sự với chúng tôi: “Lá cờ Việt Nam được treo trên cột mốc chủ quyền, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Quả thật, biểu tượng cụ thể nhất của chủ quyền đất nước chính là Quốc kỳ. Để giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, nhiều chiến sĩ Trường Sa đã quấn lá cờ đỏ sao vàng trước ngực, lấy thân mình làm trụ cờ. Lá cờ đỏ tươi được nhuộm bằng máu của biết bao thế hệ người Việt Nam không tiếc tuổi xanh hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đã có không ít những cán bộ, chiến sĩ tại nhà giàn giữ thềm lục địa, trước khi nhà đổ, giữa cơn cuồng phong của biển cả, phút cuối cùng đã ôm lá cờ Tổ quốc như ôm trọn lấy hình hài Tổ quốc và thanh thản chìm vào biển khơi. Dù gắn bó nhiều năm với các điểm đảo trên quần đảo Trường Sa nhưng hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh bay trên bầu trời nơi biển đảo luôn là một hình ảnh thiêng liêng đối với quân và dân trên huyện đảo Trường Sa”.

Phần phật tung bay trong gió, sừng sững, hiên ngang giữa trời biển bao la, lá cờ Tổ quốc ở nơi đây, nơi đầu sóng ngọn gió, cũng bền bỉ, dẻo dai như quân và dân Trường Sa. Dù nắng gió, bão giông, dù thấm đẫm hơi mặn của biển, nhưng lá cờ đỏ sao vàng vẫn liên tục tung bay, mỗi khi bình minh lên hay từng buổi tối đi làm nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo vững tin hơn xây dựng huyện đảo vững mạnh.

Với quân và dân huyện đảo Trường Sa, giữa sóng gió trùng dương, Tổ quốc hiện thân trên sắc cờ đỏ vừa thiêng liêng vừa dạt dào cảm xúc. Hạ sĩ Phạm Văn Lộc, chiến sĩ đảo Sinh Tồn tự hào tâm sự: “Chiều chiều, mỗi khi nhìn lên lá cờ Tổ quốc tung bay trên đảo, tôi càng thấy vinh dự, tự hào được đóng góp sức mình để bảo vệ đảo, bảo vệ Tổ quốc và thềm lục địa của Việt Nam. Hằng ngày, hằng tuần, chúng tôi luôn đứng dưới cờ và hô vang lời thề sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ quyền biển, đảo-một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam...”.

Theo thời gian, hơi muối biển mặn đã thấm vào từng thớ, từng sợi vải, khiến lá cờ trở nên khô cứng và ngả màu. Đây là lý do vì sao những lá cờ trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa nhanh phải thay thế hơn ở đất liền. Trung tá Mai Văn Bằng, Chính trị viên đảo Sinh Tồn cho biết: “Sau khi lá cờ bị bạc màu hay sờn rách, chúng tôi thu xuống, giặt sạch để trong túi, lưu giữ cẩn thận. Các đoàn từ đất liền ra Trường Sa thì đoàn nào cũng có nguyện vọng được tặng lại cờ cũ để mang về trưng bày tại phòng truyền thống, lưu giữ kỷ vật của cơ quan. Lá cờ Tổ quốc từ nơi đảo xa lại tiếp tục nhiệm vụ cao cả là biểu tượng của cả nước hướng về Trường Sa, Trường Sa hướng về cả nước. Lá cờ cũng là biểu tượng giáo dục truyền thống của con người Việt Nam, là lời nhắn nhủ nhân dân trên quần đảo ngày đêm bảo vệ và gìn giữ chủ quyền biển, đảo, gìn giữ bình yên cho Tổ quốc. Lưu giữ từng lá cờ cũ cũng là giáo dục truyền thống để từng cán bộ, chiến sĩ thế hệ sau ra đảo luôn ý thức được chủ quyền của quần đảo Trường Sa nói chung và đảo Sinh Tồn nói riêng”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các thành viên trong đoàn rưng rưng nước mắt khi đón nhận lá cờ Tổ quốc đã từng tung bay trong nắng gió Trường Sa từ tay các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Sinh Tồn. Còn tại đảo Đá Thị, không nén được xúc động, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự được thay mặt cho phụ nữ cả nước đón nhận món quà thiêng liêng từ tay cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Đá Thị. Lá cờ sẽ được gìn giữ, trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, để giáo dục phụ nữ Việt Nam phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống quật cường của dân tộc, góp công, góp sức bảo vệ Tổ quốc”.

Giữa trùng khơi bao la, tiếng sóng vỗ hòa nhịp với lời ca của những công dân nhí hát tặng các bác, các cô, các chú đến với Trường Sa trong buổi chia tay khiến các thành viên trong đoàn ai cũng xúc động: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đến đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta: Trường Sa…”, như níu kéo chúng tôi. Trường Sa tuy xa, nhưng lại rất gần, vì Trường Sa luôn trong trái tim của mỗi người Việt Nam. Lưu luyến, bịn rịn chia tay, chúng tôi càng thấy tin yêu hơn những con người đang ngày đêm gắn bó với biển, đảo, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Các anh là hiện thân của Tổ quốc nơi đảo xa.

Theo Quân đội Nhân dân