Công tác xã hội trong trái tim tôi: Đời vô thường, mình càng phải thương

CTG - Tôi gặp em vào một chiều Sài Gòn mưa rũ rượi, bên những hộp bún chay còn tỏa hơi nóng. Bùi Nguyễn Anh Thư - cô gái có nụ cười tỏa nắng đang làm công tác xã hội, san sẻ yêu thương bằng những suất ăn, làm trời như ấm lại ngay giữa cơn mưa rào.

Đây không phải lần đầu tiên em thực hiện các công tác xã hội. Xuyên suốt gần 10 năm, từ ngày còn là cô sinh viên năm nhất, Anh Thư đã dấn thân và cộng hưởng với nhiều mảnh đời khốn khó trên khắp dải đất VN. Những công việc không tên tuy ngốn của Thư một phần tuổi trẻ, nhưng lại bồi đắp cho em một thanh xuân rực rỡ tình người.

Công tác xã hội trong trái tim tôi: Đời vô thường, mình càng phải thương- Ảnh 1.

Anh Thư (hàng sau cùng, thứ tư từ trái qua) tham gia giảng dạy tại lớp học tình thương Cầu Ông Lãnh do Đội công tác xã hội Nhân Ái tổ chức

NVCC

Anh Thư được tiếp xúc với công tác xã hội từ rất sớm, lúc còn là Chi hội phó Chi hội CLC40A, Trường ĐH Luật TP.HCM. Tuy vậy, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Thư mới thực sự dấn thân với sự cho đi từ mệnh lệnh của trái tim mà không phải một dạng trách nhiệm. Những rào chắn, đồ bảo hộ, những tiếng còi cứu thương hay tiếng gào khóc xé lòng của mấy nhà trong hẻm lúc đại dịch càn quét ngang thành phố, làm cô gái nhỏ xa quê chợt quặn lòng giữa bốn bề phòng trọ. Cầm trên tay những bịch gạo, túi bánh hay gói rau củ được các tình nguyện viên phát, Thư tự hứa với lòng sẽ nhân rộng lòng tốt mình được nhận. Ở cái ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết, khi sự "cho đi" quan trọng hệt một liều vắc xin đang cần kíp, Thư chợt nhận ra ý nghĩa thực sự của hoạt động vì cộng đồng.

Thế là khi thành phố dần khỏe lại, mỗi tháng hai lần, Anh Thư tham gia nấu ăn và phát đồ chay tại Bếp yêu thương do P.16, Q.4, TP.HCM tổ chức, đồng thời phối hợp duy trì hoạt động chợ rau củ 0 đồng cho người khó khăn trên địa bàn phường.

Anh Thư cũng tự nguyện xin tham gia các hoạt động cộng đồng của P.16, Q.4 với tư cách là một đoàn viên, rồi từ đó những công việc thiện nguyện không lương cũng chẳng để lại tên tuổi được Thư làm miệt mài chẳng ngại nắng mưa. Có khi là tổ chức hoạt động hè cho thiếu nhi của phường; có lúc là tổ chức chương trình mừng sinh nhật hồng cho các em có hoàn cảnh khó khăn; hay tham gia hoạt động định hướng nghề cho các em lứa tuổi 16 - 18, giảng dạy tại các lớp học tình thương; hoặc tặng quà, vui chơi cùng trẻ em ở vùng biên giới…

Đặc biệt, khi hỗ trợ các em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Anh Thư chợt hiểu rằng không phải vết thương nào cũng có thể lành lặn, có chăng là thời gian khiến người ta dần quên nỗi đau và học cách tiến về phía trước với vài sự bù đắp. Công tác xã hội chính là hoạt động mang lại sự bù đắp về tình thương, tình người cho họ. Thế là, cô gái nhỏ cứ tất tả "cho đi".

Bên cạnh công tác xã hội của phường, Anh Thư còn tự lập Chi đoàn Atichi trực thuộc công ty riêng của mình để thực hiện công tác cộng đồng. Cô gái 27 tuổi, tự kinh doanh, tuy chưa thể vững chân trên thị trường, nhưng đã kịp dành một góc nhỏ để thực hiện hoạt động công ích. Với Thư, chẳng bao giờ là quá sớm để cho đi. Nhìn nụ cười của Thư, tôi chợt hỏi: "Có bao giờ em thấy mệt mỏi không?". Cô gái ngớ người giây lát, rồi gật gù: "Có chứ ạ. Những đợt hoạt động cao điểm của phường trùng với thời gian em làm luận văn thạc sĩ, rồi công việc của công ty, khiến 24 giờ của em như bị xé nhỏ tới vụn vặt. Căng thẳng, áp lực, làm ảnh hưởng tới tâm lý và sức khỏe của em khá nhiều".

Nói rồi, Anh Thư cười khẽ bồi thêm: "Nhưng chưa bao giờ em muốn dừng lại những hoạt động cộng đồng". Ánh mắt cô gái sáng lấp lánh khi kể về sự cho đi và nhận lại: "Em cho đi thời gian, tiền bạc, công sức, nhưng cũng nhận lại nhiều thứ lắm. Em có thêm những người bạn, có thêm những trải nghiệm, có cả những bài học để ngày một trưởng thành. Mỗi nụ cười của mấy bé trao cho em là một liều thuốc an thần, xoa dịu sự căng thẳng trong cuộc sống. Em cảm thấy mình là con người có giá trị khi vẫn có điều gì đó để cho đi".
Theo TNO