Cùng ươm mầm nghề công tác xã hội

(CTG) Tôi lớn lên ở miền núi. Học hết THPT, tôi cũng không biết sẽ chọn học tiếp nghề gì, vậy rồi cơ duyên đưa đẩy, tôi theo học nghề công tác xã hội. Năm nay cũng là kỷ niệm 20 năm tôi bén duyên với nghề.

20 năm trước, công tác xã hội vẫn là điều gì đó lạ lẫm. Người ta đưa vào khái niệm chung chung cho các hoạt động từ thiện, nhân đạo, hoạt động của hội, đoàn thể là hoạt động của công tác xã hội.

Tôi còn nhớ, khi mới làm giảng viên công tác xã hội, tôi dùng kiến thức của mình (trên sách vở) để giảng cho các anh chị ở xã phường, lớp cán bộ nguồn của các địa phương. Ở đó, các anh chị đều lớn tuổi hơn tôi. Trong tiết dạy về công tác xã hội gia đình, khi nói về bạo lực, sự cảm thông, chia sẻ, nhiều chị nói với tôi rằng "cô nói thế chứ khi có gia đình rồi sẽ khác, không thể điềm đạm, nhẹ nhàng được khi chồng thì đi nhậu, con thì đau, nhà hết tiền, sếp thì la…". Tôi mỉm cười giải thích: "Chị thay đổi thái độ thử xem". Các buổi dạy, tôi dành thời gian nhiều tham vấn cho học viên nữ trong các vấn đề mẹ chồng, nàng dâu, bạo lực, mâu thuẫn… Đó là những vấn đề phát sinh thường ngày từ cuộc sống gia đình, những khó khăn của các bạn trẻ khi lần đầu bước vào cánh cửa hôn nhân và gia đình.

Nhiều bạn đến tâm sự với tôi những vấn đề hằng ngày gặp phải. Tôi chỉ ngồi yên, lắng nghe, phản hồi bằng ánh mắt đồng cảm và sự lắng nghe chân thành. Nhiều khi, tôi chưa kịp đưa ra lời khuyên, động viên thì các bạn đã cảm thấy được dịu nhẹ, được thấu cảm và nói với tôi rằng: "Em đã thấy thông suốt". Từ đó, tôi mới gợi mở các giải pháp để các "thân chủ" của mình tìm được lối đi tốt nhất.

Cùng ươm mầm nghề công tác xã hội- Ảnh 1.

Sinh viên ngành công tác xã hội người dân tộc thiểu số Trường CĐ Gia Lai

NVCC

Cùng ươm mầm nghề công tác xã hội- Ảnh 2.
 

Tôi hiểu rằng để tôn trọng, mọi người phải biết lắng nghe. Đôi lúc những vấn đề mà các chị thường gặp phải trong gia đình chỉ là người chồng chưa biết lắng nghe vợ để hiểu. Tôi lúc đó chưa có gia đình, trong đầu một mớ lý thuyết nhưng cũng hỗ trợ được nhiều cho các học viên của mình. Thậm chí, có những người học ở khoa khác nghe nói ở khoa tôi có giảng viên công tác xã hội, biết tham vấn, tư vấn tâm lý cũng đến khoa gặp, hẹn cà phê để chia sẻ. Tôi cũng vui vì điều đó; vấn đề được giải quyết đôi lúc là ngồi lại, nhìn thẳng và lắng nghe nhau nói mà thôi. Mà để có thể hiểu được vấn đề đa dạng của thân chủ buộc tôi phải lắng nghe nhiều hơn, đi nhiều hơn, học và đọc nhiều hơn. Hiểu rõ giới hạn của bản thân mình, nhiều lúc tôi cũng kết nối thân chủ với các bạn bè của mình ở các lĩnh vực khác, để từ đó đem cho thân chủ giải pháp tốt nhất.

Tôi cũng nói về dạy con, và tôi cũng đăng ký đi học lớp tiền sản khi chưa hề có "mối tình nào vắt vai". Lúc đó cô giáo hỏi tôi, mẹ có bầu mấy tháng, tôi luống cuống, bảo có bầu 4 tháng. Cô giáo nói "trộm vía, có bầu mà dáng gọn thế, bố em bé đâu mà mẹ đi một mình…". Khi nói về cơn nghén, nuôi con bằng sữa mẹ, cách chăm sóc con cái, tôi đều chăm chú ghi chép để còn về dạy cho học viên của mình, khác hẳn với các mẹ vừa học vừa ngáp ngủ, vừa bóp chân.

Được học kỹ các kỹ năng của nghề công tác xã hội giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của tôi. Có kỹ năng, mọi việc trở nên thuận lợi. Sau này tôi mới hiểu, đó không đơn thuần là kỹ năng nghề, mà còn là kỹ năng sống cơ bản mà ai cũng cần. Tôi cũng gặp những trở ngại, chông chênh trong cuộc sống nhưng công tác xã hội tiếp cho tôi sức mạnh nội tâm, soi chiếu cho tôi những hoàn cảnh mà tôi được chứng kiến; để xúc động mà dang tay ôm lấy những tổn thương của nhiều người khác nhau khi mình mở lòng đón nhận họ…

Tôi vẫn nói với bạn bè, tôi may mắn vì được làm việc mình yêu thích và yêu nghề mình làm. Bởi lẽ, khi cho đi điều gì đó, mình lại được nhận về nhiều hơn, mà công tác xã hội là nghề thường xuyên được nhận về nhiều như thế.

Theo TN