|
CV (Curriculum Vitae) là ấn tượng đầu tiên của nhà tuyển dụng với ứng viên, là cầu nối để ứng viên tiếp cận với nhà tuyển dụng. Thực tế, vai trò, tầm quan trọng của CV vẫn chưa được các ứng viên, đặc biệt là sinh viên mới ra trường chú trọng. Anh Nguyễn Đức Hải, Giám đốc đào tạo của Học viện Khởi nghiệp và kinh doanh thực tiễn VietFounder chia sẻ với PV Tấm Gương về những vấn đề xung quanh CV xin việc.
Anh Nguyễn Đức Hải cũng sẽ đồng hành cùng độc giả Tấm Gương vào thứ ba hàng tuần để chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm, kĩ năng trong hành trình xin việc của sinh viên.
Trong quá trình tuyển dụng nhân sự, các doanh nghiệp thường yêu cầu ứng viên nộp CV (Curriculum Vitae). Anh có thể chia sẻ về bản CV mà doanh nghiệp yêu cầu và tầm quan trọng của nó?
Việc yêu cầu các ứng viên nộp CV của doanh nghiệp xuất phát từ thực tế có quá nhiều người ứng tuyển cùng một vị trí (có khi cả trăm người mà chỉ chọn một người). Để tiết kiệm thời gian, công sức, doanh nghiệp không gọi tất cả đi phỏng vấn. Sau khi các ứng viên gửi CV về doanh nghiệp, các chuyên viên tuyển dụng sẽ lọc ra những CV phù hợp nhất với vị trí để phỏng vấn. Tiếp đến mới lựa chọn người tốt nhất trong số họ vào làm việc.
Như vậy, trong CV ứng viên phải thể hiện trình độ học vấn, tính cách, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và các điểm mạnh của bản thân. Sự thể hiện này nhằm thông báo: “tôi phù hợp với vị trí ứng tuyển”.
Thực chất, điều nhà tuyển dụng cần là năng lực và phẩm chất của ứng viên với vị trí cần tuyển chứ không phải bản CV. Nhưng thông qua CV, nhà tuyển dụng mới có hiểu biết và bước đầu dự đoán mức độ phù hợp của ứng viên đó. CV có vai trò như chiếc “chìa khóa” mở cánh cửa vào doanh nghiệp của những người đang đi tìm việc.
Theo kinh nghiệm làm tuyển dụng, cũng như quá trình tiếp xúc và đào tạo sinh viên, anh thấy sinh viên đã ý thức được tầm quan trọng của CV chưa?
Theo tôi là chưa. Sinh viên vẫn còn rất mơ hồ với CV. Họ cũng hiểu là cái nhà tuyển dụng thực sự cần là năng lực. Rất nhiều sinh viên nghĩ khi nào gặp nhà tuyển dụng, họ sẽ thể hiện bản thân. Rất ít sinh viên mới ra trường chau chuốt cho CV mà thường làm rất cẩu thả.
Họ không biết là khi xem những CV cẩu thả như vậy, nhà tuyển dụng sẽ nghĩ: “4 năm Đại học mà viết CV không nên hồn thì còn làm việc kiểu gì!”. Sinh viên không hiểu rằng nếu những việc nhỏ chưa làm tốt, thì chẳng ai dám giao cho mình việc lớn hơn?
Anh thấy sinh viên thường hay mắc những lỗi gì trong bản CV của mình?
Lỗi thì khá phong phú và đa dạng. Nhưng theo tôi , có 2 lỗi cơ bản nhất trong CV của đa số sinh viên mới ra trường. Một là không nghiên cứu kỹ vị trí mà mình ứng tuyển, dẫn đến việc các thông tin đưa vào CV không liên quan, hoặc không chứng minh được mình là ứng viên phù hợp với vị trí đó. Hai là copy paste nhiều CV trên mạng. Đọc CV mà có nhiều câu viết rất sáo rỗng. Ví dụ trong phần mục tiêu nghề nghiệp, nhiều bạn viết: “Em mong muốn được làm trong môi trường năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, có cơ hội phát triển…”. Cách viết như vậy rất gây mất thiện cảm với nhà tuyển dụng. Ngoài ra thì kỹ năng xây dựng văn bản kém cũng là điểm trừ khá lớn.
Theo anh một bản CV như thế nào thì đạt yêu cầu của Nhà tuyển dụng?
Đó là bản CV cần đạt cả tiêu chí hình thức và nội dung. Về hình thức, CV phải là một văn bản đẹp, đều đặn, vuông vắn, trình bày rõ ràng, mạch lạc. Về nội dung, CV phải thể hiện được những điều nhà tuyển dụng cần: trình độ học vấn, tính cách, tố chất, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, điểm mạnh phù hợp với vị trí tuyển dụng.
Thực ra, viết CV khó nhất là việc bạn hiểu vị trí công việc mình ứng tuyển. Bạn hiểu bản thân ra sao và diễn đạt được những điều đó thành ngôn ngữ để nhà tuyển dụng cảm thấy bạn phù hợp. Điều này phụ thuộc vào kiến thức và năng lực tư duy, năng lực ngôn ngữ của bạn. Chính vì thế, chúng ta cũng thường thấy trên thế giới cũng như ở Việt Nam có những dịch vụ đào tạo kỹ năng viết CV hoặc thậm chí có dịch vụ viết CV thuê khá phổ biến. Điều này cũng không có gì lạ vì có rất nhiều người năng lực tốt nhưng lại không thể hiện được thành ngôn ngữ.
Anh muốn nhắn nhủ gì với sinh viên để họ có sự chuẩn bị hành trang nghề nghiệp tốt hơn?
Tôi chỉ muốn lưu ý với sinh viên rằng CV chỉ là một vấn đề nhỏ trong suốt quá trình đi tìm việc của bạn. Nhưng nó lại là một mắt xích rất quan trọng! Làm được một CV tốt cho một vị trí công việc, có nghĩa rằng bạn thể hiện mình là người rất am tường công việc đó và thấu hiểu sâu sắc bản thân. Có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. CV ứng tuyển, tuy chỉ là một câu chuyện nhỏ, nhưng lại là một bài học lớn đối với nhiều sinh viên khi bước vào con đường nghề nghiệp.
Cảm ơn anh vì cuộc trao đổi này!
Anh Nguyễn Đức Hải là người sáng lập và điều hành Công ty cổ phần tư vấn đào tạo Sunsea từ năm 2011. Anh từng là chuyên viên đào tạo kỹ năng của Tập đoàn Hoa Sao, giảng viên Kỹ năng mềm của Hệ thống đào tạo CNTT Bách khoa – Aptech và chuyên viên đào tạo của Công ty cổ phần thanh toán điện tử VNPT. Hiện Nguyễn Đức Hải là Giám đốc đào tạo của Học viện khởi nghiệp và kinh doanh thực tiễn VietFounder.
|
Theo TP