Các nhà đầu tư vẫn chưa “mặn mà” với việc đầu tư vào các startup ở Đà Nẵng. Ảnh: Giang Thanh |
Bài 1: Giải bài toán về vốn
Phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp sử dụng nguồn đầu tư “tự thân” từ bạn bè, gia đình. Các tập đoàn lớn, các quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng vẫn chưa mặn mà “đổ” tiền vào startup ở Đà Nẵng.
Nhà đầu tư chưa mặn mà
Tháng 10/2015, Đà Nẵng quyết định thành lập Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố với tầm nhìn chiến lược là kết nối phát triển hệ sinh thái sáng tạo, đưa Đà Nẵng thực sự trở thành thành phố khởi nghiệp của Việt Nam. Ngay sau đó là sự ra đời của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) - mô hình ươm tạo khởi nghiệp hợp tác công tư đầu tiên trên cả nước cùng các đề án, quyết định nhằm khuyến khích và thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST.
Hơn 5 năm qua, Đà Nẵng đã xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST với nhiều thành tố bền vững, ghi dấu trên bản đồ khởi nghiệp trong nước và quốc tế với thương hiệu “Trung tâm ĐMST bên bờ biển”. Báo cáo đánh giá tổng quan hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng do Chương trình khởi nghiệp Thụy Sĩ và Vườn ươm Sông Hàn thực hiện mới đây cho thấy các chỉ số đánh giá toàn diện về khởi nghiệp Đà Nẵng đều phát triển.
Theo ông Lý Đình Quân, Giám đốc Vườn ươm Sông Hàn, các chỉ số chưa phát triển tốt của hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng đều liên quan đến vốn đầu tư như: Ít quỹ đầu tư, hỗ trợ cho startup vì chưa có cơ chế, chưa hình thành cộng đồng khởi nghiệp trưởng thành để quay lại hỗ trợ cho thế hệ startup thứ 2. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn chưa mặn mà… “Ở Đà Nẵng, hầu hết các startup đều dùng nguồn vốn nội tại, tức là huy động bạn bè, người thân, gia đình. Đà Nẵng chưa có mạng lưới nhà đầu tư thiên thần, các nhà đầu tư mạo hiểm vẫn dè dặt. Còn lại các mảng khác như ngân hàng, vốn cộng đồng vẫn còn khuyết”, ông Quân cho biết.
Năm 2019, Đà Nẵng ra mắt Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Đà Nẵng dưới hình thức quỹ mở với sự hợp vốn đầu tư của nhiều doanh nghiệp, không giới hạn số lượng dự án khởi nghiệp cũng như số vốn đầu tư cho mỗi dự án. Trước đó 1 năm, Quỹ đầu tư Cá chuồn (FFI) ra đời, chủ yếu đầu tư giai đoạn sớm cho các startup tiềm năng.
Ông Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng đánh giá, việc DNES góp vốn để thành lập Quỹ FFI là một sáng kiến tích cực trong bối cảnh cả Đà Nẵng và miền Trung chưa có một quỹ đầu tư khởi nghiệp nào hoạt động. “Tuy vậy, đến nay do chưa có nhiều startup tiềm năng, thị trường đầu tư miền Trung còn rất nhỏ, cơ chế giải ngân và huy động vốn còn gặp nhiều khó khăn nên Quỹ FFI vẫn chưa phát huy được hiệu quả mong muốn”, ông Khương cho hay.
Thoái vốn nhà nước để linh hoạt hơn
Đà Nẵng có nhiều chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp ĐMST. Theo ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở KH&CN, từ tháng 9/2019, Sở đã tham mưu UBND trình HĐND ban hành Nghị quyết quy định nội dung và mức chi từ ngân sách Nhà nước để thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn.
Mỗi năm, ngân sách thành phố chi cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp khoảng từ 6 - 7 tỷ đồng. Trong năm 2020, thành phố đã hỗ trợ 19 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST với kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng. “Trước đó, Đà Nẵng vẫn có cơ chế, chính sách tài chính đặc thù hỗ trợ hoạt động ĐMST như tổ chức Hội chợ triển lãm khởi nghiệp SURF, hỗ trợ cho các sản phẩm KHCN đạt giải cao trong các cuộc thi để phát triển sản phẩm…”, ông Hoàng cho hay.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp startup vẫn gặp khó khi tiếp cận với nguồn vốn Nhà nước. Theo anh Lê Ngọc Trí, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần EM&AI, đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, 3 - 4 năm đầu là giai đoạn “đốt tiền”, nếu tiếp cận với các quỹ đầu tư có vốn Nhà nước thì rất khó giải trình về tài chính. Ngoài ra, các thủ tục hành chính cũng là rào cản đối với các startup.
Mới đây, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng - “bà đỡ” của các doanh nghiệp khởi nghiệp Đà Nẵng kiến nghị thành phố thoái vốn Nhà nước để tạo cơ chế linh hoạt hơn cho đơn vị trong đầu tư khởi nghiệp. “Cơ chế, chính sách tài chính đầu tư của Nhà nước về khởi nghiệp chưa đầy đủ, đồng bộ. Việc sử dụng vốn có nguồn gốc từ ngân sách đầu tư cho khởi nghiệp chưa thể hiện được theo cơ chế thị trường. Nếu thành phố thoái vốn góp sẽ giúp DNES linh hoạt, kịp thời hơn trong đầu tư”, ông Khương cho hay.
Là startup về trí tuệ nhân tạo thành công nhất trong các khóa ươm tạo của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng, Hekate đã phải chuyển dần trụ sở vào TPHCM để phát triển, tìm kiếm các nhà đầu tư. Theo anh Nguyễn Văn Minh Đức, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Hekate, nếu gặp các startup ở Đà Nẵng, các nhà đầu tư thường đề nghị công ty chuyển trụ sở vào TP Hồ Chí Minh hoặc Singapore để thu hút đầu tư. “Điều này cho thấy Đà Nẵng chưa có sức hút đối với các nhà đầu tư khởi nghiệp", anh Đức cho hay.
Theo TP