Đẩy mạnh kết nối hàng Việt

(CTG) Năm nay, tình hình kinh tế được dự báo tiếp tục khó khăn. Vì vậy, các hoạt động của Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ triệt để đổi mới nhằm mang lại giá trị gia tăng cho DN. Không chỉ dừng lại ở các tỉnh, thành trên cả nước, hàng Việt sẽ mở rộng thị trường sang các nước lân cận như Myanmar, Trung Quốc, Campuchia…


Mở rộng phòng tuyến cho hàng Việt



Hàng Việt Nam rất cần sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết năm 2012, chuỗi hội chợ - lễ hội hàng Việt sẽ đa dạng hóa với 3 loại hình khác nhau, gồm hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, hội chợ chuyên ngành và hội chợ hàng Việt truyền thống ở các nước lân cận như Campuchia, Trung Quốc và Myanmar… Tham gia hội chợ không chỉ là các DN đạt danh hiệu hàng Việt chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn mà còn có các DN ngành hàng xuất khẩu, hàng đặc sản tiêu biểu các vùng.

Phiên chợ ở các tỉnh, thành như Bến Tre, Đồng Nai, Bình Định, Đắk Lắk, TPHCM… sẽ đổi mới và nâng cao chất lượng. Phiên chợ hàng Việt về nông thôn xây dựng cửa hàng chuyên bán hàng Việt ở vùng sâu, vùng xa và các mô hình cánh đồng mẫu lớn. Năm nay, dự án đưa hàng Việt vào chợ truyền thống lần đầu thực hiện nhằm tạo niềm tin cho tiểu thương, nhà sản xuất và đưa người tiêu dùng trở lại chợ truyền thống.

Hội sẽ hợp tác, hỗ trợ tiểu thương cách thức bán hàng đúng giá, cân đúng chất lượng, cải thiện thái độ của tiểu thương với khách hàng… Mới đây, Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao đã ký kết hợp tác với tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm kết nối, phát triển cơ hội kinh doanh của DN Việt tại các thị trường này, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Hội sẽ hỗ trợ tăng sức cạnh tranh của chợ truyền thống trên địa bàn các tỉnh qua nhiều chương trình huấn luyện, hỗ trợ tiểu thương tiếp cận phương thức bán hàng chuyên nghiệp…

Nâng sức cạnh tranh trên sân nhà

Hướng đến các thị trường lân cận

Không chỉ bó hẹp trong nước, DN hàng Việt còn hướng đến các thị trường lân cận như Trung Quốc, Myanmar, mở rộng thị trường sang Campuchia, Lào… Các chuyến đi khảo sát thị trường, kết nối cơ hội kinh doanh ở các thị trường Trung Quốc và ASEAN đang được thực hiện. Bà Vũ Kim Hạnh cho biết 10 hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao ở Phnom Penh (Campuchia) đã được tổ chức thời gian qua và nhận được sự tin dùng của người dân nước này. Năm 2012, hàng Việt sẽ quay trở lại và đẩy mạnh hơn nữa thị trường Campuchia. Các DN trong nước cũng đang tiếp cận với thị trường Quảng Châu (Trung Quốc) và có thể đưa hàng Việt vào bán ở một trung tâm thương mại.

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết năm 2011 dù kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng sức mua, mức tăng trưởng thị trường trong nước vẫn khá với 24,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng đều qua các năm khoảng 20%. Nhiều DN vượt khó bằng cách phát triển kênh phân phối, tổ chức kinh doanh theo chuỗi hoặc nhượng quyền thương mại để mở rộng mạng lưới bán lẻ…

Năm 2012, dự báo nền kinh tế nước ta còn nhiều thử thách khi lạm phát ở mức cao, ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. Đồng thời, độ mở của nền kinh tế trong nước đã sâu rộng khi nhiều hiệp định song phương, đa phương được ký kết tạo điều kiện cho hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn. Vì vậy, trong cuộc họp tổng kết năm của Bộ Công Thương vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh phải củng cố phát triển thị trường nội địa, nâng cao khả năng cạnh tranh của thị trường trong nước.

Trong đó, cần mở rộng mạng lưới phân phối kết nối giữa các nhà sản xuất, phân phối… để tăng sức mua trên thị trường. Với dân số 90 triệu người, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.400 USD/người/năm, thị trường nội địa còn rất tiềm năng.

“Hiện nay, hàng Việt chưa đặt chân nhiều vào thị trường nông thôn, chưa bán sâu được cho người dân vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, phải phấn đấu để hàng Việt trụ lại thị trường nông thôn. Muốn làm điều này, DN cần phát triển cơ sở hạ tầng, hiểu được thị hiếu của người tiêu dùng nông thôn và có phương thức kinh doanh với thị trường này.

Đồng thời, các bộ, ngành địa phương cần đẩy mạnh cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Muốn chiếm lĩnh thị trường trong nước, không để hàng ngoại lấn át, các DN phải nỗ lực” - bà Hồ Thị Kim Thoa nhận xét.


Theo NLĐ