Để chất lượng đầu ra của sinh viên sát với thực tiễn

(CTG) Theo GS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng ĐH Tân Tạo, thực trạng giáo dục Việt Nam đang đứng trước một thử thách hệ trọng. Trình độ và chất lượng của sinh viên tốt nghiệp đại học đang ngày càng kém hơn các lớp đàn anh. Điều này phản ánh sự không bình thường trong hệ thống giáo dục bắt đầu từ sự “mất gốc” ở cấp học phổ thông.



Ông khẳng định, việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phải đặt vào phẩm chất đầu ra. Nói cách khác, mỗi đầu ra phải được kiểm định chất lượng theo đúng các tiêu chuẩn kiến thức và kỹ năng. Đối với mỗi ngành nghề, chúng ta đều có các hiệp hội chuyên môn để có thể thẩm định. Vì thế, Nhà nước (tức Bộ GD-ĐT) cần kết hợp với các hội nghề nghiệp để tổ chức thi kiểm định đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp đại học từ công lập tới tư thục trước khi cho giấy phép hành nghề.

Hẳn rằng những gì mà GS Võ Tòng Xuân đề cập trên đây là sự thật không thể chối cãi và quả tình là rất đáng lo ngại cho chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên, đó không thể là chuyện riêng của ngành giáo dục mà đó phải là trách nhiệm chung của nhà nước (không chỉ Bộ GD-ĐT), nhà khoa học (các hội nghề nghiệp), nhà doanh nghiệp… Sự hợp tác này của các bên là điều phải đặt ra một cách nghiêm túc và phải có văn hoá để tiếp thu lẫn nhau. Doanh nghiệp muốn có được nguồn nhân lực đạt yêu cầu thì cũng phải tham gia đầu tư, đóng góp cho giáo dục. Nhà trường muốn khẳng định thương hiệu thì bên cạnh việc lo đầu để có đủ sinh viên thì cũng phải chủ động tiếp thị đầu ra và làm tốt công tác cựu sinh viên. Sự thành đạt của cựu sinh viên có thể khẳng định vừa là thành tích của trường và cũng là đầu ra cho các sinh viên lứa sau. Bởi lẽ, chính các cựu sinh viên cũng có rất nhiều người là nhà tuyển dụng và họ chắc chắn rất muốn quan tâm đến các thế hệ đàn em ở mái trường cũ của mình.

Cũng cần nói thêm, nếu bản thân các trường làm tốt công tác nghiên cứu đánh giá, thống kê số liệu về cựu sinh viên thì chắc chắn đó là những dữ liệu rất quý để dự báo cho nhu cầu nhân lực cho rất nhiều ngành nghề cụ thể. Căn cứ vào đó, các nhà hoạch định chính sách sẽ tính được ra chỉ tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực có thể tuyển sinh cùng những đầu tư cần thiết cho đội ngũ người thầy cùng các điều kiện khác để dạy dỗ các thế hệ sau. Còn như quy trình hiện nay, một khi không ăn một đồng ngân sách nhà nước để tuyển sinh và thu học phí thì không ít người đã gọi nôm thành “quota” cho cái gọi là chỉ tiêu mà Bộ GD-ĐT đang cấp ra hàng năm cho các trường. 

Cũng cần nói thêm là vai trò của các tổ chức ngoài nhà trường, nhất là các hội khoa học chuyên ngành là hết sức quan trọng. Ở nhiều nước, bên cạnh bằng cấp của các trường, những người ra nghề còn phải tham gia các cuộc thi do các hội chuyên ngành đảm nhận để được cấp đăng bạ nghề nghiệp. Và việc thi để lấy đăng bạ nghề nghiệp này không phải chỉ một lần thì xong mà cứ sau một thời hạn nhất định phải được tiến hành lại bởi các kỹ thuật, công nghệ mới phải luôn được cập nhật cho bất kể những ai muốn tham gia thị trường lao động này. 

Có lẽ cũng đã đến lúc và không thể chậm trễ hơn nữa, chính các nhà trường, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp phải cùng ngồi lại để xúc tiến những sự hợp tác bình đẳng và cùng có lợi vì chất lượng cần phải có của giáo dục đại học. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ phải có người lo xúc tiến việc này và phải hết sức chuyên nghiệp trong việc kết nối các nhu cầu của các bên. Thực tế đó cho thấy, khoa học tự nhiên và kỹ thuật – công nghệ rất cần khoa học xã hội để giải quyết bằng được các mâu thuẫn đã và đang tồn tại. Đó là một vấn đề rất rõ ràng nhưng cũng phải được nhận thức lại để giải quyết được vấn đề. 


Theo Tầm Nhìn