Để triển khai Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020: Tiếp cận những bài toán phức hợp

(CTG) Có phương thức tiếp cận đúng, tôi tin rằng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 sẽ được triển khai bằng những chương trình hành động có mục tiêu và có ý nghĩa thiết thực của các ngành, các vùng và địa phương, đưa đất nước vào quỹ đạo công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển nhanh và bền vững.




Nguồn: khoahoc.com.vn


Từ các bài toán ngày càng phức tạp đến xu thế tích hợp các khoa học và công nghệ

Từ thuở ban sơ, trong quá trình đấu tranh với thiên nhiên để tồn tại và giải thích thế giới xung quanh mình, loài người dần dần đã tích luỹ được những tri thức mà sau đó được sắp xếp lại thành toán học, cơ học, vật lý, hóa học, sinh vật và địa chất. 

Cải tạo môi trường bao quanh mình để có cái ăn, cái mặc, chỗ ở, và đi lại, loài người đã tích luỹ được những kinh nghiệm về khai thác các tài nguyên đất, nước, sinh vật, mưa, nắng,... từ đó hình thành các khoa học về thổ nhưỡng, thủy văn, khí tượng, kỹ thuật canh tác, xây dựng, cầu đường, năng lượng, hàng hải, hàng không, v.v...

Khi loài người sống thành cộng đồng có tổ chức, các mối quan hệ giữa người với người, giữa cộng đồng với cộng đồng, sự trao đổi ban đầu về những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống về sau phát triển lên thành thương mại nội địa và quốc tế,... các bài toán mở rộng ra, phức hợp hơn.

Các ngành khoa học xã hội và nhân văn, các ngành kinh tế, chính trị, và những ngành khác thuộc thượng tầng kiến trúc dần dần được hình thành và phát triển.

Trong những thập kỷ gần đây loài người đối diện với những vấn đề ngày càng phức tạp, cả về quy mô cả về nội dung, mà xét cho đến cùng, tiến bộ của khoa học và công nghệ đều là một thành tố trực tiếp hoặc gián tiếp.

Những thành tựu về công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ về năng lượng, công nghệ thông tin là những bước tiến mới về tri thức của nhân loại. Riêng lẻ và tích hợp với nhau, các công nghệ đã dẫn tới những phát minh khoa học và công nghệ trước đây loài người chưa hề nghĩ tới.

Những thành tựu đó cho phép loài người đề ra các mục tiêu và giải quyết các bài toán phức hợp, ở cả hai cực của kích thước về thời gian cũng như không gian, vĩ mô và vi mô.

Với từng công nghệ riêng lẻ, dù cho trình độ của công nghệ đó có cao đến đâu, bài toán cũng chỉ nhận được lời giải trong không gian công nghệ một chiều.

Tích hợp các công nghệ, lời giải có thể tìm thấy trong một không gian công nghệ nhiều chiều. Các trường đại học, viện nghiên cứu ở Mỹ, ở Pháp, ở Hàn Quốc mà tôi đã có dịp đến thăm, đang triển khai những hướng nghiên cứu tích hợp công nghệ như vậy.

Tích hợp các khoa học và công nghệ là một xu thế tất yếu trong quá trình loài người mở rộng chân trời kiến thức, khám phá ra chính mình và vũ trụ bao quanh mình, đồng thời đương đầu với những bài toán mang tính toàn cầu mà một phần không nhỏ do chính mô hình phát triển của con người gây nên.

Trong sự hình thành bản thân các bài toán toàn cầu khó có thể tách rạch ròi khoa học tự nhiên và kỹ thuật với khoa học xã hội và nhân văn.

Bản thân từ công nghệ tự nó đã bao hàm ý nghĩa kinh tế(1, 2). Những vấn đề toàn cầu hiện nay, như di dân, hội nhập, toàn cầu hóa kinh tế, tài nguyên bị lạm thác, môi trường toàn cầu suy thoái,... cũng bắt nguồn từ hành vi của con người. Vấn đề biến đổi khí hậu cũng có một phần nguyên nhân không nhỏ và trực tiếp từ con người.

Giải đáp cho các bài toán này sẽ phiến diện, nếu chỉ xét riêng từ góc độ khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, hoặc từ góc độ khoa học xã hội và nhân văn.

Cơ sở vật chất, trình độ công nghệ hiện nay của Việt Nam có thể chưa cho phép chúng ta đi vào nghiên cứu các công nghệ tích hợp ngay tại Việt Nam. Tuy vậy việc theo dõi các thành tựu về công nghệ tích hợp trên thế giới là hết sức cần thiết để không bị tụt hậu và bị bỏ rơi mãi mãi.

Điều cần thiết không kém khác, và có thể làm ngay, là biết tiếp cận và sử dụng các tri thức từ riêng lẻ đến tổng hợp khi đề ra mục tiêu cũng như khi tìm lời giải.

Lựa chọn cách tiếp cận

Ngày nay có hai cách tiếp cận phổ biến để giải quyết một bài toán, mà triển khai nghị quyết là một (bài toán phát triển bền vững): tiếp cận định hướng và tiếp cận giải quyết bài toán(3).

Trong cách tiếp cận định hướng, các ngành, các cấp, các địa phương, các cơ quan, sau khi quán triệt nghị quyết, từ góc độ của mình đề ra những nhiệm vụ cần triển khai. Tập hợp lại có được các nhiệm vụ, tuy tất cả đều hướng về mục tiêu, nhưng rời rạc.

Từng kết quả đạt được có thể rất có giá trị khoa học, nhưng phần lớn chưa đủ hoặc chưa hẳn có ý nghĩa kinh tế hoặc thực tiễn trước mắt.

Các kết quả đạt được trong cách tiếp cận định hướng cộng với nhau chứ khó nhân nhau lên.

Các kết quả đạt được có thể là tốt nhất cho ngành, cho địa phương nhưng chưa hẳn là tối ưu cho toàn cục.

Có ưu điểm phát huy sáng kiến của các ngành, các cấp, cách tiếp cận định hướng dễ dẫn tới phân tán, dàn trải, trùng lắp. “Hội chứng” nhà máy đường, xi măng lò đứng,... mọc lên ở rất nhiều địa phương, kể cả ở những nơi không có hoặc xa vùng nguyên liệu, với trình độ công nghệ đã lỗi thời trong thời gian qua, là hệ quả của cách tiếp cận duy nhất định hướng.

Cách tiếp cận giải quyết bài toán là một quy trình gồm ba công đoạn: nhìn ra các vấn đề cần giải quyết; xác định các vấn đề; và tìm (các) lời giải cho từng vấn đề đó.

Cách tiếp cận này đòi hỏi một quá trình tư duy, một sự am tường và nhạy bén với thực tế kinh tế xã hội, một tầm nhìn và một sự hiểu biết về điều hành hệ thống, về điều phối liên ngành, ngành - vùng, liên vùng nhằm tập trung các nguồn lực cần thiết để giải quyết các vấn đề đặt ra.

Ngày nay, “tư duy giải quyết bài toán” trở thành một môn học, và được giảng dạy chính quy. Theo đánh giá của OECD, nền giáo dục khoa học của Hàn Quốc xếp thứ ba trong số những nền giáo dục tốt nhất trên thế giới, xếp thứ hai về môn toán và văn học và đứng đầu về tư duy giải quyết bài toán.

Cách tiếp cận giải quyết bài toán có ưu điểm cho phép so sánh để chọn ra những mục tiêu đạt được với hiệu quả nhất so với tổng mức nguồn lực đầu tư. Lẽ đương nhiên nó sẽ dẫn tới các chương trình mục tiêu có cơ sở để giải quyết bài toán đặt ra. Tuy nhiên, nó có nhược điểm là có thể chưa phát huy được tất cả các sáng kiến có thể có.

Từ lý luận và thực tiễn (Chương trình mục tiêu về lương thực trong thập niên 1980 chẳng hạn), theo thiển ý của tôi, nên chọn cách tiếp cận thứ hai được bổ sung bằng những sáng kiến có ý nghĩa nhất, và/hoặc có triển vọng nhất từ cách tiếp cận định hướng.

Có phương thức tiếp cận đúng, tôi tin rằng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 sẽ được triển khai bằng những chương trình hành động có mục tiêu và có ý nghĩa thiết thực của các ngành, các vùng và địa phương, đưa đất nước vào quỹ đạo công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển nhanh và bền vững.

________________________

1. Có thể tìm trong Luật Khoa học và  Công nghệ, tại Điều giải thích từ ngữ: Công nghệ là tập hợp các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm.

2. Năm 1772, tại Đại học Gottingen, môn technology bắt đầu được giảng dạy như là một môn học về sự tổ hợp những kỹ thuật nhằm tạo ra những sản phẩm có hiệu quả kinh tế. Xem NGUYỄN NGỌC TRÂN, Một số vấn đề kinh tế toàn cầu hiện nay, trang 192, NXB Thế giới, 2003.

3. Problem oriented approach và Problem solving approach.

Gs,Tskh. Nguyễn Ngọc Trân (Theo Người Đại biểu Nhân dân)