|
Ngày 31/5/2011, Hãng Thông tấn Pháp AFP đã đưa tin về việc Cơ quan kiểm tra giám sát chất lượng và kiểm dịch Trung Quốc đưa ra cảnh báo: cứ 10 đồ chơi ở Trung Quốc thì có 1 sản phẩm không an toàn cho trẻ em. Điều này đã dấy lên những lo ngại về những sản phẩm dành cho trẻ nhỏ có nguồn gốc từ nước ngoài.
Như thường lệ hàng năm, cứ vào trước dịp tết Trung thu khoảng một tháng, thị trường đồ chơi trẻ em lại trở nên sôi động. Tại những phố chuyên bán đồ chơi trẻ em như Lương Văn Can, Tôn Đức Thắng, các chợ nội thành, ngoại thành Hà Nội…, đồ chơi được bày bán phong phú, đủ chủng loại mẫu mã. Khảo sát trên thị trường, thời điểm này đã có khá nhiều tiểu thương nhập đồ chơi trẻ em về với khối lượng lớn. Tuy nhiên, việc dán tem hợp chuẩn cho sản phẩm đồ chơi trẻ em vẫn chưa được nhiều tiểu thương chú ý. Chị Hòa, chủ cửa hàng bán đồ chơi trẻ em trên phố Lương Văn Can cho biết: cửa hàng chị đã có giấy chứng nhận hợp chuẩn được nhà nhập khẩu đầu mối đưa cho bản photo, nhưng phải gần đến tết Trung thu thì cửa mới bắt đầu dán tem CR lên sản phẩm, bởi theo chị Hòa, lúc ấy quản lý thị trường mới đi kiểm tra (!). Gần đó, tại cửa hàng của chị Nguyễn Thị Thoại, những sản phẩm được bày bán đều đã có tem CR, tuy nhiên vẫn có một số đồ chơi trẻ em bằng các chất liệu nhựa mềm như: mặt nạ dẻo, các loại con giống, kiếm…vẫn không có tem CR. Một thực tế rất dễ nhận thấy, cũng giống như mọi năm, các loại đồ chơi trẻ em có tính kích động bao lực như: súng, kiếm, lựu đạn nhựa vẫn được các tiểu thương bày bán. Bên cạnh những mẫu đồ chơi có đầy đủ nhãn hàng hóa, có ghi đầy đủ thông tin cảnh báo an toàn, có dán tem CR thì vẫn còn vô số những sản phẩm không nguồn gốc xuất xứ đang được lưu thông trên thị trường. Những sản phẩm đó có đạt chất lượng và an toàn hay không thì câu trả lời vẫn là không chắc chắn.
Theo AFP, Tổng cục Kiểm tra giám sát chất lượng và kiểm dịch Trung Quốc đã có thông báo cho biết: cơ quan này đã kiểm tra ngẫu nhiên 242 mẫu đồ chơi trẻ em được chọn ngẫu nhiên từ 8 tỉnh và khu vực trung tâm của nước này. Kết quả kiểm tra cho thấy có tới 20 mẫu đồ chơi trong số này không đạt tiêu chuẩn cho phép, trong đó có 3 sản phẩm bị nhiễm kim loại nặng như chì và catmi là những chất có thể gây độc hại. Những sản phẩm còn lại dễ gây nguy hiểm vì có góc cạnh sắc nhọn hoặc gồ ghề. Cơ quan này cũng đã kiểm tra một số mặt hàng khác dành cho trẻ em như giày dép, xe đạp và ghế tập đi... Kết quả cũng cho thấy, 20% sản phẩm trong số đó dễ hỏng, hoặc chứa những chất có hại cho trẻ, như chứa lượng formaldehyde (một chất gây ung thư) vượt quá mức cho phép.
Theo các nhà quản lý ở Việt Nam, đồ chơi trẻ em đang lưu thông trên thị trường phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc. Cảnh báo của cơ quan chức năng Trung Quốc về chất lượng đồ chơi trẻ em của nước này đã dấy lên mối lo ngại về độ mất an toàn từ đồ chơi dành cho trẻ nhỏ. Ông Nguyễn Trung Việt - Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc trẻ em tiếp xúc với đồ chơi có hóa chất độc hại gây ra các triệu chứng như loét miệng, tay, chân, viêm mũi dị ứng…đang khá phổ biến. Tuy nhiên, những căn bệnh trên chưa nguy hiểm bằng các chứng bệnh liên quan đến nội tạng mà phải 10 đến 15 năm mới phát bệnh như tiêu chảy, mất khả năng tiết các chất dịch vị tiêu hóa, loét bộ phận như dạ dày, đường ruột… Rõ ràng, với những sản phẩm dành cho trẻ nhỏ, nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì việc gây hại từ những đồ chơi tưởng chừng như vô hại lại rất khó lường.
Nhằm chống gian lận về chất lượng và ghi nhãn đồ chơi trẻ em trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em phục vụ Tết Trung thu, mới đây Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã có Công văn số 1090/TĐC-QLCL ngày 10/8/2011 hướng dẫn các Chi cục TCĐLCL phối hợp với cơ quan Quản lý thị trường, Thanh tra Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trên cả nước đẩy mạnh thực hiện kiểm tra mặt hàng này. Theo đó, các Chi cục TCĐLCL sẽ phối hợp với Quản lý Thị trường, Thanh tra Sở KH&CN các tỉnh trong nước tiến hành kiểm tra đồ chơi trẻ em như: việc ghi nhãn hàng hóa, việc thể hiện dấu hợp quy CR gắn trên đồ chơi trẻ em hoặc công bố trên nhãn; việc thể hiện thông tin cảnh báo về khả năng gây mất an toàn, sự phù hợp của đồ chơi trẻ em với các tài liệu kèm theo và kiểm soát đồ chơi trẻ em kích động bạo lực. Trong trường hợp có nghi vấn về chất lượng sẽ tiến hành lấy mẫu để thử nghiệm các chỉ tiêu về chất lượng an toàn cơ lý và hóa học theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em được ban hành theo Thông tư 18/2009/TT-BKHCN ngày 26/6/2009 của Bộ KH&CN. Hướng dẫn của Tổng cục sẽ góp phần giúp cơ quan chức năng các địa phương xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra hiệu quả trong dịp Tết Trung thu năm nay.
Theo TTXVN