Từ niềm đam mê biển cả...
Sinh ra và lớn lên ở làng chài, cộng với niềm đam mê biển cả, anh Đỗ Minh Khá (33 tuổi, ở thôn Châu Thuận Tây, xã Bình Châu) xem những chiếc tàu đánh cá là ngôi nhà thứ hai của mình. Theo cha và anh trai đi biển từ năm học lớp 9, anh Khá càng yêu biển hơn. Mỗi lần cùng con tàu cá rẽ sóng giữa đại dương mênh mông, anh Khá lại có thêm những kỷ niệm với nghề biển. Đam mê ấy đã thôi thúc anh làm ra mô hình tàu cá thu nhỏ trong những ngày biển động, không thể ra khơi.
Cách đây khoảng 10 năm, một lần được thấy người khác làm mô hình tàu cá thu nhỏ, anh Khá rất thích thú. Từ đó, anh mày mò tự học để làm riêng cho mình mô hình tàu vừa ý. Anh xem các video hướng dẫn làm mô hình tàu thuyền trên mạng và nghiên cứu kỹ từng chi tiết của các tàu cá để nắm cấu trúc của nó. Khoảng 9 năm trước, anh bắt đầu làm mô hình tàu cá bằng xốp, nhưng do kinh phí khó khăn, anh phải sử dụng gai lưỡi long mọc tự nhiên ở bãi biển để làm ra chất kết dính thay cho các loại keo dán đắt tiền.
1 tuần đến 1 tháng, tùy theo kích cỡ. Anh phải cắt từng miếng xốp, sau đó sơn trắng tạo thành khung và sườn tàu, cửa cabin, giàn phơi… Khi sơn tàu, anh cũng chú ý những đặc trưng của từng bộ phận để mô hình trông như những chiếc tàu thật.
"Một con tàu thật dài từ 15 - 20 m trở lên, tôi thu nhỏ lại chỉ khoảng 1 - 1,3 m nhưng cũng dựng đà, long cốt, dán be tàu… y như tàu thật. Bộ long cốt cũng được làm từ xốp, một số thanh đà có thể làm bằng tre để tàu cứng cáp hơn. Ngoài ra, tôi phải tỉ mỉ làm lá cờ Tổ quốc bằng giấy màu và thanh tre, làm mỏ neo, thậm chí lắp đặt thêm mô hình radar, thiết bị định vị, máy kéo lưới, lưới đánh cá, đèn LED... cho giống như tàu thật", anh Khá chia sẻ.
Anh Khá cho biết so với làm mô hình thu nhỏ từ gỗ thì làm bằng xốp dễ hơn, chỉ cần dao, súng bắn keo, thước, bút, keo dán là làm được, không cần các dụng cụ, máy móc tốn kém như làm từ gỗ.
…đến "thu nhỏ" tàu cá để ngư dân trưng bày
Sau khi anh Khá thành công với mô hình tàu cá bằng xốp, nhiều ngư dân đã nhờ anh "thu nhỏ" chiếc tàu của mình để trưng bày trong nhà.
Anh Khá thường dành thời gian từ tháng 8 đến gần cuối năm âm lịch để làm mô hình. Đây là mùa biển động, có nhiều cơn bão từ Biển Đông nên ngư dân ít ra khơi. Dù không ra khơi nhưng anh Khá vẫn có cảm giác gần gũi với biển nhờ làm những chiếc tàu cá thu nhỏ. Đến nay, anh đã làm được khoảng 50 chiếc tàu cá thu nhỏ bằng xốp cho nhiều người chung tình yêu với biển và tàu cá như mình.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Bình Châu, cho biết trong nhà nhiều ngư dân ở làng biển xã Bình Châu có trưng bày mô hình tàu cá thu nhỏ. Đấy là cách ngư dân thể hiện tình yêu với biển cả và tự hào kể về những chuyến ra khơi, đánh bắt tại những ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc...
"Toàn xã Bình Châu có trên 400 tàu cá, với khoảng 1.900 lao động làm nghề biển. Số tàu cá và ngư dân khai thác ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa chiếm khoảng 80%. Nhiều ngư dân ở đây vươn khơi đánh bắt hải sản xuyên Tết Nguyên đán nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam", ông Hùng nói.
Theo TNO