Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Việc hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ khó khăn hơn?

CTG - Một trong những điểm được nhiều người quan tâm ở dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) là quy định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên bạn đọc còn băn khoăn về nội dung này.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang hướng dẫn người lao động hoàn thiện hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp - Ảnh: HÀ QUÂN
 

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang hướng dẫn người lao động hoàn thiện hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp - Ảnh: HÀ QUÂN

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến sẽ được xem xét và thông qua vào năm 2025 kỳ vọng giúp bảo hiểm thất nghiệp phát huy vai trò bảo vệ người lao động cũng như thị trường lao động.

Theo bạn đọc Mạnh Quang, bên cạnh một số nội dung điều chỉnh cấp tiến, ở góc độ người lao động vấn đề trợ cấp thất nghiệp nếu dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được thông qua, có thể xem là một hạn chế so với Luật Việc làm 2013.

Tuổi Trẻ Online ghi nhận ý kiến của bạn đọc và trả lời của chuyên gia, cơ quan chức năng về vấn đề này.

Cần hài hòa quyền lợi của người lao động

Một trong những điểm của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được nhiều người quan tâm là quy định về việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Cụ thể, nếu trước đây có hai nhóm không được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì dự thảo luật lần này lại loại trừ đến bốn nhóm ra khỏi đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp:

1- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, hợp đồng làm việc trừ các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước theo quy định Bộ luật Lao động.

2- Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.3- Người lao động hưởng lương hưu.4- Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu.

Như vậy, theo dự thảo này, người lao động, dù đơn phương chấm dứt hợp đồng theo cách nào, hoặc bị sa thải, đều không được nhận trợ cấp thất nghiệp.

Theo tôi, điều này là hết sức thiệt thòi cho người lao động, bởi hằng tháng họ đều phải đóng bảo hiểm thất nghiệp, mà nguyên tắc cơ bản là có đóng có hưởng.

Thế nhưng với dự thảo luật, nhiều người sẽ rơi vào tình huống có đóng đầy đủ bảo hiểm thất nghiệp nhưng không thể hưởng khoản này nếu chẳng may muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Bên cạnh đó, không ít người lo ngại rằng một số doanh nghiệp (người sử dụng lao động) sẽ lợi dụng quy định mới này để ép nhân viên ký vào đơn xin đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Thậm chí, dựa vào lý do trên doanh nghiệp có thể sa thải, gây khó dễ đối với người lao động trong việc xin hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Chưa kể, nếu dự luật được thông qua thì người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tính từ lúc luật mới có hiệu lực, hay sẽ "hồi tố", không tính với toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp tích lũy trước đó?

Dư luận đồng ý với việc cần chỉnh sửa, cập nhật các điều khoản trong luật để phù hợp với tình hình thực tiễn, nhưng cũng mong mỏi các điều khoản trong dự luật cần hài hòa hơn với quyền lợi của người lao động.

Cần có giải pháp bảo vệ quyền lợi người lao động

ThS Lê Quỳnh Trang, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: Liên quan đến lo lắng về việc doanh nghiệp có thể căn cứ vào những quy định này để gây bất lợi cho người lao động, xét về bản chất, doanh nghiệp không có lợi ích kinh tế trực tiếp từ bảo hiểm thất nghiệp khi gây khó dễ cho người lao động trong xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên rủi ro này hoàn toàn có thể xảy ra trong một số tình huống đặc thù, ví dụ khi có xảy ra mâu thuẫn gay gắt giữa người sử dụng lao động và người lao động. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp để quản lý, kiểm soát hiệu quả.

Cụ thể, việc xác định trường hợp người lao động bị sa thải, không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp cần thực hiện với quy trình khách quan; tránh quyết định đơn phương từ phía người sử dụng lao động vì một động cơ, mục đích nào đó.

Cơ chế này có thể được thực hiện thông qua vai trò của công đoàn cơ sở, liên đoàn lao động các cấp hoặc hệ thống trọng tài, tòa án trong lĩnh vực lao động - việc làm.

Theo bà Trang, bảo hiểm thất nghiệp khác với bảo hiểm xã hội về bản chất. Bảo hiểm xã hội vận hành theo nguyên tắc đóng - hưởng. Bảo hiểm thất nghiệp lại vận hành trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro, tức là có rủi ro sẽ được bảo vệ và ngược lại. 

Ví dụ, người điều khiển phương tiện giao thông mua bảo hiểm tai nạn xe cơ giới, có thể người mua bảo hiểm không gặp rủi ro trong suốt quá trình đi xe nên dù đóng bảo hiểm trong thời gian dài cũng sẽ không bao giờ được bảo hiểm chi trả.

Tuy nhiên, để bảo đảm tốt hơn nữa quyền lợi của người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu bổ sung phương án cho việc bảo lưu quyền lợi.

Phần bảo hiểm thất nghiệp không được chi trả sau khi nghỉ việc ở lần đơn phương chấm dứt hợp đồng sẽ tiếp tục được cộng dồn cho quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp sau đó và chỉ tính mới từ đầu sau khi người lao động được hưởng chế độ của bảo hiểm thất nghiệp sau một lần nghỉ việc.

Sẽ còn tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp

Chiều 6-8, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi) tại TP.HCM với sự tham dự của các sở, ngành liên quan cũng như đại diện các đoàn thể, doanh nghiệp.

Ông Đặng Thuần Phong - phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - nhấn mạnh mục tiêu của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) là thị trường lao động hoạt động hiệu quả và người lao động quay lại thị trường nhanh nhất cũng như đảm bảo để gắn bó chặt chẽ với các chính sách an sinh xã hội.

Do đó, mọi rào cản, thủ tục làm cho người lao động phải rời xa chính sách, khó khăn trong việc tiếp cận hay người lao động có thể lạm dụng chính sách thì cần phải xem xét, điều chỉnh.

Theo Tuoitre