Mô hình độc đáo này là của anh Lương Anh Thiện (29 tuổi, trú tại thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
Anh Thiện đang công tác tại Công an huyện Thường Xuân. Năm 2021, anh tình cờ xem trên mạng xã hội thấy mô hình nuôi cua trong hộp nhựa đem lại hiệu quả kinh tế cao nên đã quyết định thử nghiệm.
"Nơi tôi sinh sống là huyện miền núi, người dân có nhu cầu ăn cua phải rất khó khăn mới đặt được hàng. Lúc đó tôi nảy sinh ý tưởng sẽ nuôi cua để phục vụ người dân địa phương", anh Thiện chia sẻ.
Chưa từng được học tập, đào tạo các kiến thức về chăn nuôi, bước đầu anh Thiện đi học hỏi các mô hình nuôi cua trong hộp nhựa, kết hợp học kỹ thuật nuôi cua trên mạng.
Giữa năm 2022, khi nắm vững kinh nghiệm và đấu nối được đơn vị lắp đặt hệ thống nuôi cua, anh tận dụng lại mảnh đất rộng khoảng 150m2 trước nhà để đầu tư xây dựng chuồng trại với quy mô gần 1.000 hộp nhựa.
Theo anh Thiện, việc nuôi cua biển ở địa bàn huyện miền núi như quê anh là rất khó khăn. Đặc biệt là khâu chuẩn bị nước biển.
"Ban đầu khi nghe nói tôi nuôi cua biển ngay trên núi, ai cũng bất ngờ, đặc biệt là bố mẹ tôi. Để có thể nuôi cua, tôi phải xuống tận thành phố Sầm Sơn, cách nhà khoảng 80km để lấy nước biển", anh Thiện chia sẻ.
Nước biển sau khi đưa về sẽ được xử lý độ mặn phù hợp. Theo anh Thiện, nuôi cua trong hộp nhựa không tốn quá nhiều nước biển. Tuy nhiên, để đảm bảo lượng nước xuyên suốt quá trình nuôi, anh cho lắp đặt hệ thống bể lọc nước theo nguyên lý tuần hoàn dưỡng khí và tạo oxy.
"Các thức ăn thừa và chất cặn bẩn được ngăn bởi hệ thống bể lọc, sau đó sẽ theo hệ thống tuần hoàn, lọc sạch, sau đó tái sử dụng, đưa vào hộp nhựa để nuôi cua, nguyên lý này sẽ giúp tiết kiệm nước biển, đảm bảo được độ sạch, an toàn cho cua sinh trưởng, phát triển", anh Thiện nói.
Lứa đầu tiên, anh Thiện nuôi thử nghiệm 100 con cua và thành công, lợi nhuận hơn 10 triệu đồng. Đến nay, cơ sở của anh đang nuôi trung bình khoảng hơn 1.000 con/vụ, gồm cua thịt và cua lột.
Nói về kỹ thuật nuôi cua, chàng trai trẻ bật mí, nuôi cua trong hộp nhựa không vất vả nhưng phải đảm bảo yếu tố kỹ thuật khi xử lý nguồn nước. Mỗi con cua biển sẽ được nuôi "độc thân" trong hộp nhựa riêng biệt, thức ăn cho cua chủ yếu là ốc bươu vàng và cá tạp.
"Tôi hay gọi những chiếc hộp nhựa là "chung cư mini", vì mỗi con chỉ ở một hộp. Cua thịt được nuôi 30-40 ngày có thể xuất bán ra thị trường, đối với cua lột khoảng 20 ngày", anh Thiện cho biết thêm.
Hàng tháng, anh Thiện xuất bán ra thị trường hơn 300kg cua thịt với giá 350.000-450.000 đồng/kg và 30kg cua lột với giá trên 800.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, anh thu nhập 30-50 triệu đồng.
Ngoài đem lại giá trị kinh tế cao, mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của anh Thiện còn giải quyết việc làm cho 2 lao động thường xuyên ở địa phương, với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Anh Thiện cho biết, sẽ mở rộng mô hình nuôi cua với quy mô khoảng 3.000 hộp nhựa.
Ông Lục Đăng Hỏa - Chánh văn phòng UBND huyện Thường Xuân cho biết, nuôi cua trong hộp nhựa như anh Lương Anh Thiện làm là mô hình kinh tế mới lạ, lần đầu áp dụng trên địa bàn.
"Đây là ý tưởng táo bạo, dám nghĩ, dám làm của anh Thiện. Ở địa phương, đây là mô hình nuôi cua biển đầu tiên. Mô hình tuy mới nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với nhu cầu hiện nay, cơ sở nuôi cua của anh Thiện có thời điểm không đủ hàng để bán ra thị trường. Hy vọng, thời gian tới, mô hình sẽ ngày một phát triển, đem lại hiệu quả tốt hơn nữa để phục vụ người dân", ông Hỏa chia sẻ.
Theo Dantri