Tôi xót xa thay cho đứa trẻ trong sự việc mà mọi người lớn liên quan đều, không ít thì nhiều, có lỗi.
Nhưng chiều nay, khi hay tin cô giáo nhận thiếu sót về mình "vì chưa linh hoạt", tôi phần nào thông cảm cho cô. Điều khiến tôi suy nghĩ là làm thế nào để các giáo viên tránh được tình thế mắc lỗi như vậy.
Tôi nghiệm ra trong công việc pháp lý của mình, thứ làm tôi lo lắng, mất ngủ nhất không phải là áp lực từ những buổi họp với các tập đoàn lớn hay những nhà đầu tư nước ngoài tham vọng, mà là những cuộc gặp trực tiếp với người dân, ví dụ như làm việc với đại diện nhà chung cư.
Các công ty, tập đoàn sẽ có quy tắc làm việc, có bộ phận tư vấn, mọi ý tưởng hay quyết định được đưa ra đều có cơ sở pháp lý và/hoặc tài chính rõ ràng. Nghĩa là luôn có một cơ sở nào đó để trao đổi. Nhưng làm việc trực tiếp với tập thể người dân thì không phải lúc nào cũng thuận lợi như thế. Thiếu nguyên tắc rõ ràng, sự đồng thuận của đám đông được xem là quan trọng nhất. Nhưng sự đồng thuận này đôi khi đạt được là nhờ may mắn, xuất phát từ một ý chí/ khí thế vô hình nào đó. Trường hợp "phần còn lại đồng ý, chỉ một người phản đối" thì tôi gặp phải thường xuyên. Thậm chí, trong quá trình làm việc, mỗi người một tính cách, một nghề nghiệp và theo đó, các quy định pháp luật đôi khi được hiểu không đầy đủ, thậm chí là cố tình hiểu không đầy đủ.
Về tính cách, có những người mà tôi biết, vốn rất hợp lý và dễ chịu khi làm việc trong các doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước, nhưng khi xuất hiện với tư cách cá nhân trong quan hệ dân sự, họ lại thể hiện cái tôi vô lý đến khó hiểu. Thuyết phục những người như thế, dù mình có lý lẽ hay đến đâu nhiều khi cũng khá vô nghĩa. Và như vậy, với tôi, làm việc trực tiếp với các cá nhân là thứ khó nhất trên đời. Nói vui thì chuyện "dân vận" không có đúng hay sai, chỉ có "dân vận khéo hay không" mà thôi.
Cô giáo trong câu chuyện này chắc chắn phải tích lũy kinh nghiệm khi làm việc với tập thể phụ huynh, với ít nhiều tính chất mà tôi nói ở trên. Xa hơn, khi quan hệ giữa các bên trong môi trường giáo dục ngày một chuyển sang trạng thái "dân sự", hơn là "muốn sang thì bắc cầu Kiều", một bộ quy tắc làm việc giữa phụ huynh và giáo viên cần phải được xây dựng. Mục đích của nó, trước hết là giữ cho thầy cô vị trí tôn nghiêm cần thiết, thứ không thể thiếu trong công việc đào tạo con người. Bộ quy tắc này cũng sẽ tránh được nỗi buồn cho những học sinh khi bị kẹt giữa quan hệ bất đồng thuận của người lớn.
Quy tắc có thể cần một số điểm chính như sau:
Thứ nhất, tuân thủ đúng quy định tại Điều 69, Luật Giáo dục 2019, thầy cô giáo chỉ có nhiệm vụ thực hiện việc giảng dạy. Các nhiệm vụ khác như thu tiền từ phụ huynh là do bộ phận chuyên trách của trường thực hiện. Việc này chắc chắn sẽ tránh được những mâu thuẫn không đáng có xảy ra khi nhà giáo thu tiền, vận động tài chính. Hiện nay, đôi khi trách nhiệm tài chính còn được coi là một chỉ tiêu hoàn thành của giáo viên. Điều này vừa sai luật, vừa trực tiếp xói mòn hình ảnh tôn nghiêm của nhà giáo.
Thứ hai, tất cả hoạt động khác ngoài giảng dạy, nếu có, phải do hội phụ huynh thực hiện trên nguyên tắc đồng thuận của giao dịch dân sự. Rõ ràng, khi nhà giáo chỉ làm duy nhất nhiệm vụ giáo dục, buổi tiệc cuối năm cho các em, nếu có, phải là trách nhiệm của Hội phụ huynh và cô giáo là khách mời.
Tôi không hiểu tại sao cô giáo, với trách nhiệm duy nhất là giảng dạy, phải đứng ra chịu trận khi mọi thứ không ổn. Đúng quy tắc sẽ phải là: không tổ chức khi không đủ đồng thuận hoặc Hội phụ huynh chấp nhận thu không đủ quỹ và vẫn mua sắm bình đẳng cho các em trên cơ sở số tiền thu được, cô giáo chỉ là khách mời.
Thứ ba, quan hệ giữa thầy cô và phụ huynh; giữa phụ huynh với nhau, nếu nằm ngoài vấn đề giáo dục, sẽ được xử lý độc lập bằng các quy định pháp luật dân sự, hình sự liên quan. Nghĩa là khi đã thực hiện được nguyên tắc thứ nhất, nhà giáo chỉ làm công việc giáo dục, thì các quan hệ khác sẽ tồn tại độc lập và tuân theo quy định của pháp luật. Cô giáo trong câu chuyện nói trên, đáng ra chỉ là vị khách trong bữa tiệc sẽ không thể bị xử lý kỷ luật lao động liên quan đến công việc mà mình không có nghĩa vụ phải làm.
Phụ huynh đều mong muốn và luôn đòi hỏi con mình được học tập trong môi trường có tính giáo dục nhất, với những thầy cô có đạo đức nhất, cư xử nhân văn nhất. Điều đó chỉ có thể đạt được khi thầy cô không bị ép làm những công việc thiếu tôn nghiêm, không nằm trong trách nhiệm của mình.
Thầy cô chỉ phải thực hiện và chịu trách nhiệm cho một công việc duy nhất, là đảm bảo chất lượng giáo dục.
Theo Vnexpress |