Giao lưu với những tân sinh viên được hỗ trợ từ bạn đọc của Báo Thanh Niên
Chiều 4.9, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình để tôn vinh, trao học bổng Nguyễn Thái Bình và hỗ trợ Tiếp sức mùa thi cho những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Tưởng đường đến trường đã khép lại
Nguyễn Ngọc Hoài Phương, sinh viên Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, cũng như nhiều tân sinh viên được nhận hỗ trợ của chương trình đều nghẹn ngào xúc động, vì “những tưởng con đường đến trường của em đã khép lại. Nếu không nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của các mạnh thường quân, chặng đường đến trường của em không biết sẽ như thế nào và cũng chưa chắc ngày hôm nay em được là cô tân sinh viên để tiếp tục viết tiếp ước mơ của cuộc đời mình...”, Phương chia sẻ.
Thân hình nhỏ bé, đôi mắt lúc nào cũng đượm buồn vì từ nhỏ đã chịu đựng nỗi đau quá lớn khi mất đi người ba, lớn lên mẹ vì làm việc quá vất vả nên kiệt sức và đổ bệnh nặng, Vũ Thanh Vy, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, ngày hôm nay đã nở nụ cười thật tươi khi ước mơ vào cánh cổng đại học của em thành hiện thực.
Khi được nhận học bổng 4 năm học phí đại học và một khoản tiền mặt khá lớn từ bạn đọc Báo Thanh Niên đóng góp, ra về Vy gọi ngay cho mẹ và báo: “Mẹ ơi, con nhận được học bổng rồi. Từ nay mẹ không còn mất ngủ để lo tiền đâu cho con học tiếp nữa. Mẹ đừng lo nghĩ nữa mẹ nhé, con sẽ cố gắng học và đi làm để phụ thêm tiền sinh hoạt, trên này con sống ổn lắm, mẹ đừng lo cho con”.
Vy tay run run khi nhận được khoản hỗ trợ khá lớn từ chương trình. “Em như nằm mơ vậy đó. Nếu không có những sự giúp đỡ này, em không biết chặng đường phía trước của em sẽ như thế nào. Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các nhà hảo tâm, nỗi lo sợ trong em như vơi bớt phần nào, mẹ cũng đỡ lao tâm vì em. Và em cũng mong, những mảnh đời còn thiếu may mắn ngoài kia, cũng sẽ may mắn nhận được những sự quan tâm giúp đỡ như em”, Vy nghẹn ngào bày tỏ.
Còn Phan Đình Long Nhật, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thì bày tỏ: “Em không biết nói gì hơn, ngoài lời cảm ơn những mạnh thường quân đã tiếp sức giúp em được đến trường. Em sẽ viết tiếp cuộc đời mình”.
Anh Nguyễn Quang Thông trao tiền bạn đọc của Báo Thanh Niên
cho các tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Võ Thị Diễm Trang, nữ sinh viên Trường CĐ Viễn Đông, cũng bộc bạch gần 90 triệu đồng tiền bạn đọc, doanh nghiệp gần xa hỗ trợ em là một khoản tiền không nhỏ với em. “Một khoản em sẽ dành để đóng học, còn lại em sẽ gửi ngân hàng để tiết kiệm, lo trang trải cho bà cố, bác và chuẩn bị cho học tập sau này. Từ khi em mất cha và mẹ, em đã nghĩ tất cả mọi cánh cửa đóng lại với mình, nhưng giờ em được biết còn bao nhiêu tấm lòng, sự quan tâm của cộng đồng dành cho em. Em mong, một ngày sẽ có thể hỗ trợ, giúp đỡ lại những bạn trẻ từng khó khăn, bơ vơ như em...”, Trang nói.
Nước mắt của người mẹ phụ hồ và người bác mù lòa
Nhiều phụ huynh, người thân, bạn bè của những bạn trẻ được trao học bổng ngày hôm qua đã cùng cười, cùng khóc với những cảm xúc mà chương trình mang lại.
Ăn vội chén cơm trưa, vượt 2 chặng xe buýt từ ngã tư An Sương tới tòa soạn Báo Thanh Niên mất hơn 2 giờ đồng hồ, cô Phan Thị Dương, 41 tuổi và Lê Thị Cúc, 42 tuổi, đều là phụ hồ, mẹ và dì của em Phan Đình Long Nhật vừa lau giọt mồ hôi vừa kể với chúng tôi: “Cô mới xong ca làm. Nghe Nhật nói được đến nhận học bổng, cô phải thu xếp đến cùng con, dù là xa”. Thế rồi, suốt chương trình, khi theo dõi những video clip về các hoàn cảnh vượt khó học giỏi, cùng những chia sẻ của các em trên sân khấu, hai người phụ hồ lam lũ ấy cứ khóc. “Không ngờ nhiều cháu còn quá tội nghiệp như thế. Tôi xem đoạn bé Võ Thị Diễm Trang mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống với người bác mù lòa và người bà cố cũng liệt giường một chỗ thì không thể cầm được nước mắt”, cô Lê Thị Cúc xúc động.
Mặc dù mắt không thể nhìn thấy, phải nhờ người thân dìu đi từng bước, nhưng bác Võ Ngọc Thông, bác ruột của em Võ Thị Diễm Trang cũng bần thần khi nghe những lời tâm sự của cháu mình ở trên sân khấu. “Cuộc sống của bà cố và bác cháu tôi từ ngày có những mạnh thường quân hỗ trợ đã ổn hơn trước rất nhiều. Bữa cơm có thịt, có rau, nhưng vui nhất là cháu Trang được yên tâm đến trường. Nó lúc nào cũng mong tốt nghiệp CĐ xong sẽ đi làm để nuôi bà cố, nuôi bác vì thương bác lắm”, bác Võ Ngọc Thông nói.
“Câu chuyện của các cháu, là trải nghiệm của chính người lớn”.
Phát biểu trong chương trình, anh Nguyễn Quang Thông, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, bày tỏ sự trân trọng với những tấm lòng của bạn đọc, các quý doanh nghiệp như Tập đoàn Thiên Long, Tổng công ty điện lực TP.HCM, diễn viên Bình Minh và các người bạn, các mạnh thường quân, nhiều người đã giấu tên khi ủng hộ, cũng như CLB Truyền thống kháng chiến Ban Tuyên huấn Khu Sài Gòn - Gia Định... đã dành những sự quan tâm tới những học sinh nghèo nhưng hiếu học, luôn khao khát vươn lên.
“Sự hỗ trợ, quan tâm chăm lo cặn kẽ, ấm áp tới các cháu đã khích lệ tinh thần của rất nhiều anh em phóng viên Báo Thanh Niên, và chắc chắn khích lệ tinh thần nhiều bạn trẻ ở đây nữa. Khích lệ các bạn xác lập giá trị tốt đẹp nhất của bản thân, vượt qua khó khăn gian khổ, những cảm xúc mất mát, niềm bi thương. Qua những câu chuyện của các cháu ngày hôm nay, chúng ta nhận ra một điều, sự giúp đỡ không chỉ dừng lại ở ngày hôm nay, có những nhân vật đang ngồi ở đây hoặc chưa có mặt ở đây, cần được giúp đỡ cho đến khi tốt nghiệp ĐH. Tôi mong các bạn trẻ chân cứng đá mềm, vượt qua nghịch cảnh, khi ta nhận được một cơ hội, dù nhỏ thôi, nên cố gắng nắm bắt...”, anhguyễn Quang Thông bày tỏ.
“Qua những câu chuyện của những cháu học sinh, tân sinh viên đã chia sẻ, mọi người hiểu rằng trong khối lượng hàng triệu triệu thông tin đó, khối lượng cảm xúc về câu chuyện học bổng, thân phận học bổng, về việc chăm lo cho người trẻ được đong đầy như thế nào. Đó không chỉ là niềm thương cảm về ý chí vươn lên, ở góc nhìn khác, ta thấy câu chuyện của các cháu là trải nghiệm của chính người lớn”, anh Thông nói.
Theo TNO