|
Ở Việt Nam phong trào tình nguyện ra đời từ năm 2000 và đã trở thành một nét văn hóa, phẩm chất đặc trưng của tuổi trẻ cả nước nói chung và của thanh niên Hà Tĩnh nói riêng. Tham gia tình nguyện không chỉ giúp thanh niên ý thức tốt hơn về vai trò của mình đối với cộng đồng, mà còn là cơ hội để mỗi đoàn viên, thanh niên được giao lưu, học hỏi, trao đổi chuyên môn, rèn luyện kỹ năng sống cho bản thân, đặc biệt là được tích lũy kiến thức qua trải nghiệm từ thực tiễn. Từ phong trào tình nguyện đã thu hút, tập hợp, đoàn kết được đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đồng bằng, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của thanh niên tại từng địa phương, đơn vị.
Năm 2014 được chọn là “Năm Thanh niên tình nguyện”, đồng thời là năm kỷ niệm 15 năm phong trào “Thanh niên tình nguyện” và 50 năm phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”. Đây là dịp để thanh niên thể hiện tinh thần xung kích, phát huy tài năng và sức trẻ đảm nhận, triển khai thực hiện các chương trình, dự án, các công trình, phần việc thanh niên, các việc khó, việc mới, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh Tổ quốc, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Hà Tĩnh hiện có gần 40 vạn hội viên, thanh niên trong độ tuổi, chiếm 31,14% dân số và 39% nguồn nhân lực lao động của tỉnh. Tỷ lệ tập hợp thanh niên vào tổ chức Đoàn đạt 71%, Hội đạt 73%. Trong những năm qua, phong trào thanh niên tình nguyện tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những chuyển biến tích cực cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, thông qua tình nguyện đã đoàn kết, tập hợp đông đảo đoàn viên, thanh niên vào tổ chức Đoàn, Hội, tạo sức lan tỏa rộng trong nhân dân, được nhân dân đồng tình, ghi nhận và đánh giá cao.
Hà Tĩnh trước đây là một tỉnh nghèo, lạc hậu, chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa bom bão đạn, sau khi đất nước thống nhất cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Hà Tĩnh bắt tay vào khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Lực lượng thanh niên đã đồng hành với nhân dân, tình nguyện tham gia xây dựng và phát triển kinh tế, đóng góp công sức vào xây dựng các dự án, công trình của tỉnh, tiêu biểu là công trình đại thủy nông Hồ Kẽ Gỗ nay thuộc xã Cẩm Mỹ - huyện Cẩm Xuyên được xây dựng từ năm 1976, công trình đã có sự đóng góp sức lực của lớp thế hệ thanh niên đi trước, họ đã đào hồ bằng tay, khoét sâu, có người đã phải hi sinh tính mạng vì mục tiêu cao cả của Đảng, của nhân dân. Đến những năm 2000, nền kinh tế Hà Tĩnh đã từng bước có những chuyển biến đáng kể, tuy nhiên vẫn còn tụt hậu so với cả nước nói chung, tỷ trọng nông, lâm và ngư nghiệp chiếm 51,31%, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 13,45%, dịch vụ chiếm 35,24%, đời sống người dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Tại thời điểm đó, lực lượng thanh niên đã cùng với người dân đã tích cực tăng gia sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế, ổn định đời sống, đẩy lùi lạc hậu, từng bước vượt qua khó khăn, qua các kỳ Đại hội Đảng đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa của nhân dân tỉnh nhà đã có nhiều thay đổi, đạt và vượt các chỉ tiêu theo Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng đã đề ra.
Bên cạnh đó, phong trào tình nguyện còn đóng vai trò to lớn trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên. Trước đây cũng như bây giờ, lực lượng của phong trào tình nguyện chính là thanh niên. Phong trào thanh niên tình nguyện tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua được phát triển rộng khắp trên nhiều lĩnh vực, đối tượng với nhiều hình thức phong phú, thiết thực gắn với các đợt hoạt động cao điểm như: "Tháng Thanh niên”, "Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè”, "Chiến dịch tình nguyện mùa Đông”, "Xuân tình nguyện”, "Thanh niên xung kích mùa bão lũ”, "Ngày thứ bảy tình nguyện”, "Ngày chủ nhật xanh”... ; tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng và bảo vệ môi trường, tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, tình nguyện bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tình nguyện quốc tế và các hoạt động tình nguyện thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh là nét nổi bật của thanh niên Hà Tĩnh trong thời gian qua. Mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên do Đoàn, Hội tổ chức và lãnh đạo không ngừng được mở rộng cả về đối tượng, khu vực hướng đến thanh niên các cơ quan nhà nước, thanh niên khu vực địa bàn dân cư, thanh niên trường học, vùng dân tộc, tôn giáo; thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, thanh niên các khu công nghiệp, khu kinh tế, thanh niên chậm tiến… Trong đó, nổi bật nhất là việc xây dựng lực lượng cốt cán trong thanh niên vùng dân tộc, tôn giáo; giúp đỡ đồng bào dân tộc phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; tổ chức các Hội thi, liên hoan tiếng hát dành cho thanh niên tôn giáo… Bên cạnh đó, hình thành các đội hình tình nguyện chuyên gắn với chuyên môn, nghiệp vụ của thanh niên, thầy thuốc trẻ, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, kết hợp với lực lượng tình nguyện tại chỗ nhằm phát huy mạnh mẽ kiến thức khoa học, trí tuệ, sự sáng tạo của thanh niên trong việc tổ chức đội hình thực hiện hoạt động tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho nhân dân. Thông qua các hoạt động Đoàn, Hội, thanh niên phát huy được tính xung kích, tinh thần tình nguyện, trách nhiệm trong lao động, học tập, bảo vệ Tổ quốc; các hoạt động đồng hành với thanh niên được đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn cho thanh niên trong quá trình lập thân, lập nghiệp. Nhiều thanh niên đã trưởng thành qua phong trào, trở thành hội viên, đoàn viên được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Phong trào thanh niên tình nguyện và công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên phát huy thanh niên có mối tương quan, qua lại lẫn nhau, từ phong trào tình nguyện đã thu hút, tập hợp được thanh niên tham gia, thanh niên được giáo dục về chính trị, tư tưởng, đạo đức thông qua hoạt động thực tiễn một cách sâu sắc và hiệu quả nhất; cán bộ Đoàn, Hội được rèn luyện, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thanh vận; vai trò, uy tín của tổ chức Đoàn, Hội được khẳng định trong xã hội. Và cũng từ việc đoàn kết, tập hợp thanh niên chúng ta sẽ triển khai nhiều hoạt động tình nguyện có ý nghĩa. Phong trào tình nguyện ở Hà Tĩnh ra đời và phát triển chung cùng với phong trào tình nguyện của cả nước, nó trở thành truyền thống của tuổi trẻ tỉnh nhà, nhắc đến thanh niên là nhắc đến tinh thần xung kích, tình nguyện, tình nguyện đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, khi Tổ quốc cần thanh niên có mặt. Với những đặc trưng riêng của một tỉnh “lắm nắng, nhiều mưa”, đời sống người dân còn nhiều khó khăn đã hun đúc lên tinh thần xung kích, tình nguyện trong thanh niên, đã xuất hiện nhiều mô hình, phương thức tình nguyện hoạt động hiệu quả, tập hợp được đông đảo thanh niên tham gia.
Tiêu biểu là mô hình TNTN phòng chống lụt bão, khắc phục hậu quả của thiên tai là nét đặc trưng của phong trào thanh niên tình nguyện tỉnh Hà Tĩnh. Toàn tỉnh đã huy động, tập hợp, thành lập 120 đội hình thanh niên tình nguyện tại chỗ và tình nguyện chi viện về với bà con nhân dân vùng lũ, đóng góp hàng ngàn ngày công giúp chằng chéo nhà cửa, vận chuyển đồ đạc, vệ sinh môi trường, sửa chữa nhà ở, trường học, trạm y tế, 120 nhà tránh lũ… đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ kinh phí, lương thực, chăn, màn, quần áo, sách vỡ và một số nhu yếu phẩm khác với tổng trị giá hơn 22 tỷ đồng để phân phát, trao tặng cho nhân dân.
Mô hình TNTN tham gia giải phóng mặt bằng, di dời tái định cư, phục vụ các dự án trọng điểm của tỉnh cũng là nét nổi bật của thanh niên Hà Tĩnh trong thời gian qua. Với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân vùng dự án Khu liên hợp gang thép, cảng Sơn Dương Formosa (huyện Kỳ Anh) và Công trình thủy lợi, thủy điện Ngàn Trươi Cẩm Trang (huyện Vũ Quang) di dân, tái định cư, sớm ổn định cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã thành lập các đoàn công tác đến tận các gia đình nằm trong vùng dự án nắm bắt tư tưởng, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, mục đích, ý nghĩa các dự án cho ĐVTN và nhân dân, vận động người dân nhận tiền đền bù và di dời đúng thời gian quy định. 15 năm qua toàn tỉnh đã thành lập 65 đội TNTN tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhân dân, đặc biệt là cán bộ, đoàn viên, thanh niên, các hộ gia đình trẻ tự giác giải phóng mặt bằng, di dời tái định cư các dự án trọng điểm của tỉnh, thu hút trên 15.000 lượt ĐVTN tham gia, đóng góp hơn 30.000 ngày công giúp đỡ trên 4.500 hộ dân tháo dỡ nhà cửa, vận chuyển vật dụng lên vùng tái định cư.
Mô hình TNTN tham gia xây dựng nông thôn mới được các cấp bộ Đoàn chú trọng và đạt được nhiều kết quả mang màu sắc của thanh niên: Thành lập 13 đội hình TNTN tuyên truyền các chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới của Trung ương, của tỉnh và các địa phương cho thanh niên và cộng đồng; tổ chức 680 lớp tập huấn chuyên đề, KHKT, khởi sự doanh nghiệp, vay vốn…; thành lập 21 CLB thanh niên làm kinh tế, 40 Tổ hợp tác và Hợp tác xã thanh niên làm kinh tế, 15 Hợp tác xã thanh niên bảo vệ môi trường, 901 mô hình kinh tế thanh niên có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm; tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: vận động các hộ gia đình thanh niên và nhân dân hiến đất, cắm mốc lộ giới; chỉnh trang 434 vườn hộ, vườn mẫu; xây dựng 425 tuyến đường điện thanh niên thắp sáng làng quê, với tổng chiều dài gần 400 km, giá trị hơn 3 tỷ đồng; xây dựng 244,19 km đường giao thông nông thôn; 286,35 km kênh mương nội đồng; xây dựng được 395 chuồng trại, công trình vệ sinh đạt chuẩn nông thôn mới với tổng kinh phí trên 342,5 triệu đồng…
Mô hình giúp đỡ bà con dân tộc Chứt thuộc xã Hương Liên - huyện Hương Khê nâng cao đời sống vật chất, tinh thần là một phần không thiếu được của phong trào thanh niên tình nguyện tỉnh Hà Tĩnh. Từ một dân tộc lạc hậu, mông muội, sống hoang dã, tách biệt trong rừng, sống chủ yếu bằng săn bắt hái lượm qua ngày, không có quần áo mặc, ngủ trong hang đá và chủ yếu quan hệ huyết thống có nguy cơ tuyệt chủng, nay bà con dân tộc Chứt đã có cái ăn, cái mặc, biết làm nương, làm rẫy và tham gia sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Hàng năm, các đội TNTN từ các địa phương, đơn vị tổ chức các chuyến "trở lại với Bản Rào Tre" nhằm giúp đỡ bà con dân tộc Chứt trong các hoạt động tình nguyện như tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho người dân, dạy kỹ thuật canh tác, cấy lúa, trồng rau, làm giao thông nội đồng, hướng dẫn đồng bào chăn nuôi, di chuyển chuồng trại chăn nuôi, dạy chữ cho thanh thiếu nhi... tiêu biểu cho phong trào tình nguyện này phải kể đến đội TNTN Bộ đội Biên phòng tỉnh, đội TNTN Trường Đại học Hà Tĩnh, đội TNTN Đoàn khối các cơ quan tỉnh...
Mô hình CLB tổ, đội, nhóm theo sở thích, nghề nghiệp, đối tượng hoạt động có hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên, thanh niên tham gia, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, là nơi để thanh niên trao đổi, học tập kinh nghiệm và phát huy khả năng, ý tưởng, sở thích của mình, tiêu biểu như: CLB “Du ca” của Hội LHTN Việt Nam TP. Hà Tĩnh, CLB gồm 600 thành viên là những thanh niên, học sinh có chung sở thích dùng những đạo cụ âm nhạc để sáng tạo nên những bài hát mới, bên cạnh đó CLB còn tổ chức một số hoạt động an sinh xã hội, quyên góp tiền giúp đỡ những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; CLB “Tiền hôn nhân” của Hội LHTN Việt Nam phường Nam Hồng – thị xã Hồng Lĩnh có 40 thành viên có nhiệm vụ tư vấn những kiến thức về chăm sóc SKSS/KHHGĐ và kỹ năng sống cho thanh niên trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân; Đội “TNTN Thắp sáng niềm tin” nhằm giúp đỡ, hỗ trợ các đối tượng cai nghiện trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, tuyên truyền, vận động, giúp đỡ các thanh thiếu niên thuộc nhóm “nguy cơ cao” nâng cao nhận thức, tiến bộ và không sa vào tệ nạn ma túy... Hoạt động của các CLB, tổ, đội, nhóm đã thu hút, tập hợp được thanh niên tham gia, từ đây thanh niên có thể tìm cho mình những nhóm phù hợp với sở thích, nghề nghiệp, dễ dàng tham gia sinh hoạt.
Nhìn chung, phong trào tình nguyện của thanh niên cả nước nói chung và của Hà Tĩnh nói riêng trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Đây là nét nổi bật của thanh niên, đồng thời thông qua đó là địa chỉ để thu hút, tập hợp thanh niên tham gia các hoạt động chung vì lợi ích của cộng đồng. Tuy nhiên, cũng phải chấp nhận một thực tế là: Trong xã hội vẫn còn nhiều thanh niên chỉ lo đến lợi ích cá nhân, vị kỷ; không phải tất cả thanh niên đều tự nguyện tham gia các hoạt động do Đoàn, Hội tổ chức; có những câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm tình nguyện không phải do Đoàn thanh niên tổ chức và làm nòng cốt hoạt động; Hình thức, nội dung hoạt động, đặc biệt là các mô hình tình nguyện chuyên sâu chưa phát huy hiệu quả và chưa đáp ứng được đòi hỏi của thanh niên và xã hội. Công tác kiểm tra, giám sát cơ sở chưa thường xuyên, kịp thời; việc huy động nguồn lực cho hoạt động tình nguyện còn khó khăn, vì vậy hiệu quả của một số hoạt động chưa cao, tính chất và nội dung hoạt động của thanh niên tình nguyện đã có phần khô cứng và chưa đi vào thực chất. Công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên vẫn còn những hạn chế nhất định: tỉ lệ tập hợp thanh niên chưa đồng đều ở các khu vực, đối tượng, vẫn chưa có nhiều giải pháp mới, sáng tạo, hiệu quả để tập hợp thanh niên công nhân, thanh niên lao động tự do, thanh niên ở khu vực ngoài nhà nước, thanh niên chậm tiến; chất lượng hoạt động của Chi đoàn, Chi hội ở một số cơ sở Đoàn - Hội chưa tốt, chưa thu hút đông đảo thanh niên tham gia; kết quả tập hợp thanh niên chưa tương xứng với kết quả phong trào. Thiết nghĩ, để phong trào thanh niên tình nguyện cả nước nói chung và của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng đạt được ý nghĩa như mong muốn, thu hút đông đảo thanh niên, phát huy được giá trị của thanh niên chúng ta cần tập trung vào một số nội dung giải pháp sau:
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên và cộng đồng về tình nguyện và phong trào thanh niên tình nguyện, đẩy mạnh công tác truyền thông để các thế hệ thanh niên kế tiếp nhau nhận thức được giá trị cốt lõi của phong trào thanh niên tình nguyện. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải phát huy tốt tất cả các lực lượng tham gia gồm: Đoàn viên, hội viên, thanh niên, sinh viên, học sinh…, phải coi lực lượng này là chủ thể của hoạt động tình nguyện, có như vậy công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên và phát huy vai trò, giá trị của thanh niên mới đạt kết quả cao.
Thứ hai, Hà Tĩnh đang trên đà phát triển, cùng với xu thế hội nhập quốc tế, các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh cũng đang đặt ra yêu cầu to lớn đối với phong trào tình nguyện của thanh niên toàn tỉnh. Phong trào cần phải tiếp tục xây dựng, duy trì, phát triển và đổi mới phù hợp với những thay đổi của tình hình địa phương. Các hoạt động tình nguyện phải mang tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, chuyên nghiệp từ việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hằng năm, hằng tháng, tham mưu với cấp ủy, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp; chuyên sâu đòi hỏi phải tăng cường “chất xám” trong quá trình tổ chức, đổi mới phương thức tình nguyện để đạt hiệu quả cao. Đây là hoạt động quan trọng để các cơ sở Đoàn phát triển hoạt động tại địa phương, đơn vị, đồng thời phát huy được trí tuệ, sở trường và sức lực của đoàn viên, thanh niên; khai thác chuyên ngành trong thanh niên khối cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang qua "Ngày thứ bảy tình nguyện", "Ngày chủ nhật xanh"; khai thác chuyên môn của sinh viên trong chiến dịch tình nguyện hè. Hình thành các đội hình tình nguyện chuyên gắn với chuyên môn, nghiệp vụ của thanh niên.
Thứ ba, xác định nội dung đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội của địa phương trong từng giai đoạn và khả năng hoạt động đa dạng của các đối tượng thanh niên là nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của các phong trào thanh niên. Bên cạnh đó, đầu tư cho các phong trào hành động gắn với nhu cầu và phát huy chuyên môn, năng khiếu, sở thích, tính tích cực xã hội của thanh niên, từ đó vận động thanh niên tham gia vào các đội hình do Đoàn – Hội thành lập; phát triển các chiến dịch, các hoạt động tình nguyện theo đối tượng, tạo cơ hội cho đoàn viên, thanh niên tham gia phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, đơn vị, tạo điều kiện cho thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.
Thứ tư, thu hút nguồn lực tình nguyện và đề xuất cơ chế hoạt động tình nguyện. Đây là nhu cầu rất cần thiết đối với phong trào thanh niên tình nguyện. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên dương, khen thưởng; phối hợp để ghi nhận và có cơ chế ưu tiên trong việc đánh giá, bình xét, xếp loại hằng năm và từng đợt cụ thể, coi việc tham gia hoạt động tình nguyện là tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả rèn luyện đoàn viên.
Hiện Hà Tĩnh là một trong những tỉnh đang trong quá trình phát triển và đã đạt được nhiều khâu đột phá trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục... điều đó đòi hỏi hơn nữa vai trò của lực lượng thanh niên và yêu cầu cao hơn của phong trào thanh niên tình nguyện. Chính phong trào tình nguyện đã trở thành một phẩm chất tốt đẹp của thanh niên cả nước nói chung và thanh niên Hà Tĩnh nói riêng, được trao truyền từ thế hệ thanh niên này đến thế hệ thanh niên khác. Nó đóng vai trò to lớn trong công tác tập hợp, đoàn kết, phát huy giá trị của thanh niên. Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đoàn, Hội và sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phong trào thanh niên tình nguyện tỉnh Hà Tĩnh thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời phấn đấu xây dựng phong trào tình nguyện đông về số lượng, sâu về chất lượng, là điểm tựa vững chắc cho tuổi trẻ Hà Tĩnh nói riêng cùng tuổi trẻ cả nước nói chung thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh