Giành học bổng 8,2 tỷ đồng nhờ bài luận về bún cá

(CTG) Minh Thư, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, chọn kể câu chuyện đi ăn bún cá để nói về hành trình tìm kiếm bất ngờ ở những điều nhỏ nhặt xung quanh.

Khổng Minh Thư, lớp 12 Anh 2, nhận học bổng hơn 82.000 USD (trên 2 tỷ đồng) mỗi năm của Đại học Colby và chỉ còn phải đóng 2.095 USD (53 triệu đồng). Ngoài ra, nữ sinh cũng giành học bổng Presidential Scholar trị giá hơn 3.000 USD (gần 75 triệu đồng) của trường cho việc nghiên cứu.

Đại học Colby xếp thứ 25 trường khai phóng tốt nhất Mỹ, theo US News and World Report. Đây là trường duy nhất Thư đỗ trong hơn 20 đại học ứng tuyển kỳ tuyển sinh năm nay.

"Em nhận kết quả trúng tuyển khi đã chuẩn bị tinh thần trượt. Em đã định chuyển hướng nộp đại học ở Italy và các trường trong nước", Thư kể.

Ban đầu, nữ sinh không định du học Mỹ vì chi phí cao, gia đình không đủ khả năng chi trả. Hơn nữa, việc nộp hồ sơ cũng phức tạp, cần có người hướng dẫn. Nhưng sau đó em quyết định thử khi có cơ hội được nhận vào chương trình cố vấn du học miễn phí vào lớp 11.

Khoảng bốn tháng trước kỳ tuyển sinh sớm hồi tháng 11/2023, Thư bắt đầu làm hồ sơ. Em cho hay khó khăn nhất là thời gian hạn hẹp, trong khi thông tin cần tìm hiểu lại nhiều. Hàng tuần, em gặp cố vấn online 2-3 buổi, được hướng dẫn chia nhỏ công việc để hoàn thành.

Khổng Minh Thư. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Khổng Minh Thư. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cố vấn sẽ khoanh vùng 30 trường để em chọn. Nhiệm vụ của Thư là tìm hiểu điểm mạnh, yếu, cơ hội việc làm, thực tập và cuộc sống ở từng trường để giới hạn khoảng 20. Thư chọn trường với tiêu chí có hỗ trợ tài chính cao nhưng thứ hạng không quá thấp.

Theo Thư, hồ sơ nộp Mỹ nổi bật nhất là bài luận chính 650 từ. Trong 7 đề được đưa ra, em chọn viết về thành tựu, sự kiện, nhận thức đánh dấu quá trình trưởng thành của một cá nhân về bản thân hoặc những người xung quanh.

Để tìm được ý tưởng cho bài viết, nữ sinh phải lập danh sách những yếu tố liên quan đến câu chuyện thể hiện tính cách, phẩm chất em có, sau đó làm bài tập thu hẹp phạm vi chủ đề. Sau hai lần thay đổi, Thư chọn kể câu chuyện đi ăn bún cá để nói về sự trưởng thành trong nhận thức.

Một lần ở lại trường vào buổi trưa, Thư và bạn cùng lớp rủ nhau thực hiện một thử thách ra khỏi vùng an toàn. Cả hai làm mọi thứ ngẫu nhiên, với hy vọng gặp được nhiều điều bất ngờ. Thư cùng bạn lên xe buýt bất kỳ và xuống ở một điểm, ăn món đầu tiên nhìn thấy.

"Nhưng cuối cùng chúng em ăn bún cá, món bình thường vẫn ăn", Thư kể.

Tưởng là thất vọng nhưng khám phá tiếp, Thư gặp được những bất ngờ nhỏ như kết thân được với cô bạn đi cùng vốn hàng ngày ít nói chuyện, trò chuyện vui vẻ với những người trong quán bún và đùa nghịch với hai con mèo. Em nhận ra việc bình thường, thậm chí ban đầu tưởng đã nhàm như ăn lại món bún quen, nhưng trong việc quen đó vẫn có thể tìm được những điều thú vị.

"Đừng trông chờ cuộc sống mang đến bất ngờ. Bạn phải tự tìm lấy nó ở những nơi mà mình có thể bỏ qua", Thư đúc rút.

Ở bài luận xin học bổng khoảng 400 từ, em viết về các hoạt động ngoại khóa từng làm như phân loại hộp sữa để gửi đi tái chế, thành lập tổ chức môi trường, bắt đầu dự án bình đẳng giới về LGBT, thi tranh biện và viết bài nghiên cứu. Thư là đồng tác giả trong bài nghiên cứu về sử dụng cần sa trong sinh viên đại học, được đăng trên một tạp chí liên ngành về phúc lợi xã hội.

Thư nói may mắn khi không dự định từ trước nhưng mọi yếu tố trong hồ sơ gần như đã có sẵn. Nhờ tham gia các hoạt động ngoại khóa từ sớm và xuyên suốt như một sở thích cá nhân nên khi cần chỉ việc đưa vào. Việc học trên lớp của em cũng luôn được duy trì ổn định với điểm trung bình học tập đạt 9,3. Thư đã chủ động học IELTS và SAT để chuẩn bị cho việc xét tuyển các đại học trong nước. Năm lớp 11 thi, em đạt IELTS 8.5 và SAT 1600/1600 superscore (cách tính cho phép thí sinh lấy điểm thành phần cao nhất trong những kỳ SAT đã thi để gộp lại thành điểm tổng).

Là cố vấn của Thư, anh Nguyễn Ngọc Khương, chuyên gia tư vấn độc lập tại Mỹ, cho biết em có hồ sơ học thuật mạnh song có khả năng trượt toàn bộ các trường vì cần quá nhiều tiền để du học Mỹ. Theo anh Khương, một phần lớn của bộ hồ sơ đại học Mỹ là trò chơi tài chính. Khả năng gia đình đóng càng cao, xác suất thành công cũng càng cao theo.

Tuy nhiên, Thư đã thuyết phục ban tuyển sinh qua bài luận, cho thấy con người và trải nghiệm cuộc sống của em.

"Đọc bài của Thư, tôi cảm thấy đang học thêm được một điều mới, vì bạn đề cập và giới thiệu người đọc đến một khái niệm xã hội và tâm lý thú vị", anh Khương nói.

Với những hồ sơ có tài chính không mạnh, chuyên gia du học gợi ý ứng viên nên nhắm vào các học bổng toàn phần và trường cho nhiều tiền. Hồ sơ sẽ đòi hỏi nhiều công việc hơn bình thường nên cần bắt đầu làm sớm.

Từ hành trình của mình, Thư rút ra hai điều quan trọng, gồm hiểu rõ bản thân và cố gắng tận hưởng quá trình nộp hồ sơ nhất có thể. Em cho biết ứng viên cần hiểu giá trị của mình để tránh áp lực không đáng có.

"Một lá thư đỗ không làm bạn giỏi lên, còn thông báo trượt không khiến bạn kém đi. Khi biết mình muốn gì, bạn có thể tự tạo ra cơ hội cho bản thân", Thư nói.

Theo đuổi ngành giáo dục nên Thư luôn tin có nhiều con đường khác nhau dẫn tới học tập và cơ hội có trong những thứ nhỏ nhặt của đời sống. Ngoài ra, quá trình làm hồ sơ Mỹ khó và phức tạp cũng cho em nhiều bài học quý, giúp biết được khả năng đến đâu, mình cần gì và chưa làm được gì.

"Hành trình này không chỉ là bước đến với một cái đích mà bản thân nó cũng quý giá rồi. Mình phải rút ra được điều đó chứ không đặt mọi thứ vào lá thư trúng tuyển", Thư chia sẻ.

Cuối tháng 8 em sẽ sang Mỹ, dự định tận dụng học bổng năm nhất của trường để làm nghiên cứu và thực tập.

Theo Vnexpress