Hạnh phúc “người lái đò sông Đà”

(CTG) “Ước mơ lớn nhất của tôi cùng bà con nơi đây, là có được con đường liên xã, cây cầu nối xóm để cô trò và người dân không cần lênh đênh trên mặt nước vẫn có thể đến trường mỗi ngày”. Đó là niềm mong mỏi, hạnh phúc của cô giáo Quách Thị Bích Nụ - “người lái đò sông Đà” với 18 năm lái thuyền đưa đón học sinh vùng lòng hồ sông Đà.

Hạnh phúc “người lái đò sông Đà” ảnh 1
Cô Quách Thị Bích Nụ hướng dẫn các em học sinh trường mầm non Yên Hòa vẽ tranh, làm thiệp trong buổi hoạt động lớp học sáng tạo. Ảnh: Xuân Tùng

Bán của hồi môn đóng thuyền chở học sinh

Sau gần hai giờ đồng hồ lắc lư trên ô tô vượt chặng đường gập ghềnh, uốn lượn sâu vào huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, chúng tôi đến với Trường Mầm non Yên Hòa mà cô Quách Thị Bích Nụ (SN 1987, dân tộc Mường) công tác. Bên cạnh những cầu trượt, xích đu..., nơi sân trường có hẳn một góc không gian đậm sắc màu văn hóa đồng bào dân tộc Mường với mô hình các vật dụng, sản phẩm nông nghiệp... và chiêng, trống.

Chiếc trống với dòng chữ khắc trên thân “Canh ngọ 1990” và bề mặt in dấu biết bao hồi đã điểm, gợi nhắc cho cô Nụ về thuở “còn thơ, ngày hai buổi đến trường” ở xóm Nhạp (xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc). Đó là vùng quê nghèo nằm ven sông Đà, người dân sống rải rác bên các triền đồi, việc đi lại chủ yếu phải sử dụng thuyền, nhưng để mua được một chiếc thuyền nhỏ là niềm mơ ước của biết bao nhà. Hành trình đi tìm con chữ nơi đây cũng vì thế thêm lênh đênh, cách trở.

Cô Nụ cho biết, khi còn nhỏ, đến tuổi đi học đã phải xa bố mẹ và mỗi năm chỉ về hai lần vào dịp Tết và nghỉ hè. Cô đã không ngừng nỗ lực học tập để thực hiện ước mơ làm cô giáo. Thấu hiểu hoàn cảnh của người dân ở vùng ven sông Đà, nên ngày từ những ngày đầu được nhận làm giáo viên hợp đồng với mức lương 50 nghìn đồng/tháng và được phân công về điểm trường xóm Nhạp của Trường mầm non Đồng Ruộng, cô Nụ đã tình nguyện đưa đón các em học sinh đến trường.

“Việc đưa đón các cháu học sinh đi học là hoàn toàn tự nguyện, không yêu cầu phụ huynh đóng góp bất cứ thứ gì. Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ về chuyến đò của mình. Và 18 năm qua, tôi không nhớ rõ mình đã đưa đón được bao nhiêu cháu, bao nhiêu chuyến đò; chỉ nhớ năm học ít nhất là đưa đón 2 cháu, năm nhiều nhất là 18 cháu. Tôi luôn coi những đứa trẻ ấy như người thân yêu của mình. Đến nay, việc đưa đón các cháu luôn được diễn ra an toàn và đảm bảo các cháu đến lớp kịp giờ”.

Cô giáo Quách Thị Bích Nụ

“Phương tiện đến lớp của cô trò ngày ấy là chiếc thuyền đan bằng tre nứa, trộn xi măng trát lên và lắp hai mái chèo. Những khi mưa gió, sương mù, giá rét... việc đi lại vất vả hơn, cô trò phải lò dò đi từng chút một”, cô bộc bạch. Năm 2011, cô Nụ bàn bạc và được gia đình ủng hộ, bán cặp bò là của hồi môn được 11 triệu đồng, đóng chiếc thuyền sắt gắn động cơ.

Ngày đàng gang nước! Cô Nụ và chiếc thuyền sắt ấy đã trợ giúp giấc mơ con chữ của nhiều em nhỏ vùng lòng hồ sông Đà bớt chòng chành, không đứt đoạn giữa chừng. Trong câu chuyện kể của người dân và cán bộ Đoàn, giáo viên nơi đây vẫn còn đó sự bàng hoàng về sức tàn phá của cơn lũ lịch sử cuối năm 2017, cuốn phăng nhà cửa, trường học, nhà bè, lồng cá... Sau cơn lũ, người dân phải di cư đến nơi ở mới, trường học chưa kịp xây dựng, điểm trường của xóm phải chuyển đến địa điểm xa hơn. 17 học sinh lớp mầm non và tiểu học tại chi điểm trường xóm Nhạp buộc phải vượt quãng đường dài, đi học xa hơn, phụ huynh không thể đưa đón hàng ngày... “Trước nguy cơ các cháu phải bỏ học giữa chừng, tôi đã huy động và tình nguyện đưa đón các cháu hàng ngày cho đến hết năm học, cũng là khi điểm trường nơi định cư mới được xây dựng xong”, cô Nụ nói.

Hạnh phúc “người lái đò sông Đà” ảnh 2
Cô Nụ và chiếc thuyền sắt của mình nhiều năm qua đưa đón học sinh vùng lòng hồ sông Đà. Ảnh: Xuân Tùng

Hạnh phúc đến trường

Cô Nụ mới về làm Hiệu trưởng Trường mầm non Yên Hòa (xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc) từ tháng 2/2023. Hằng ngày đều đặn, cô dậy từ 5h30 sáng để bắt đầu hành trình 30 phút lái thuyền vượt sóng nước, rồi lái xe máy vượt 15km đường dốc núi đến trường để dạy các em thơ, và ngược lại. Cô tiếp tục lái thuyền đưa đón nhiều học sinh lớp 5 và bậc THCS ở xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng, đến trường.

Cô Nụ chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ vất vả quá thì sẽ dừng công việc này, bởi không muốn các cháu phải nghỉ, hay phải gian nan vất vả đến lớp. Không thể giúp đỡ các em tiền nộp học, tiền ăn hàng ngày nhưng tôi luôn mong muốn gieo được cho các em động lực, sự bền bỉ cố gắng và niềm vui học tập, thực hiện ước mơ của mình”.

Và trên quãng đường lênh đênh sóng nước, mỗi chuyến thuyền của cô Nụ từ lâu đã trở thành một tiết học chuyển tải những câu chuyện, bài học làm người, những vần thơ, câu hát....; tiết sinh hoạt lắng nghe, chia sẻ tâm tư tuổi học trò. “Ngồi trên thuyền các em thấy sóng rất thích, còn cô thì lo. Có khi các em đọc bài thơ về sóng được cô dạy: Sóng nâng thuyền/ Lao hối hả/Lưới tung tròn/ Khoang đầy cá/ Gió lên rồi/Cánh buồm ơi. Thuyền cô trò đâu có cánh buồm, chỉ có đôi chân cô đang chèo, nhưng dâng trào niềm hạnh phúc”, cô Nụ xúc động.

Cô Quách Thị Bích Nụ là một trong số 58 giáo viên tiêu biểu đang công tác ở các trường học tại xã khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2023, do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc, Tập đoàn Thiên Long tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

Hơn 18 năm gắn bó với nghề, cô Nụ đã đóng góp nhiều sáng kiến trong công tác chuyên môn, nuôi dạy trẻ. Đặc biệt, nhiều năm trở lại đây làm công tác quản lý, cô Nụ gửi gắm tình yêu nghề và yêu trẻ qua việc thiết kế, tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường, kết nối nhà trường với phụ huynh. Bên cạnh đó, cô tham gia nhiều hoạt động đón trẻ đến trường, dự giờ... Cô Nụ cho hay: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui khi được nhìn, được gần gũi trò chuyện với trẻ, đã giúp tôi không ngừng nỗ lực phấn đấu. Hạnh phúc lớn nhất của tôi chính là các cháu học sinh trưởng thành, trở thành người có ích với gia đình và xã hội”.

Với những cống hiến trong công tác giáo dục, cô giáo Quách Thị Bích Nụ nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình; điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022 và được Thủ tướng tặng Bằng khen.

Theo TPO

 

 

Danh sách các nhà báo tham dự cuộc thi "Báo chí chia sẻ cùng thầy cô":

1. Lê Dung - Nguyễn Dũng, Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Tác phẩm:Cô giáo người Hà Nhì nhanh chóng "chuyển đổi số"

2. Lê Dung - Nguyễn Dũng, Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Tác phẩm:Đem tình yêu tiếng Anh đến với học sinh miền núi cao Phú Thọ 

3. Lê Dung - Nguyễn Dũng, Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Tác phẩm:Thầy giáo trẻ của học trò vùng biên

4. Nguyễn Quốc Thái, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh BRVT, Tác phẩm:Hạnh phúc là sự cho đi

5. Ngọc Giàu - Hữu Anh, Báo Dân Việt, Tác phẩm:Cô giáo vùng sâu giúp trò nghèo thoát hủ tục tảo hôn

6. Vũ Ngọc Huyền Chi - Hoàng Thị Hiền, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tác phẩm:Thầy giáo trẻ với hoài bão lớn trên đảo Cô Tô 

7. Nguyễn Văn Công, Báo Thanh Niên, Tác phẩm: Cô Nụ vui với nụ cười học trò

8. Nguyễn Văn Công, Báo Người Lao động, Tác phẩm:Tấm lòng cô Nụ nở hoa

9. Minh Đức, TTXVN, Tác phẩm:Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Châu Sa với hành trình gieo chữ trên cổng trời Canh Liên (Bình Định)

10. Minh Đức, TTXVN, Tác phẩm:Cô giáo Mai Thị Lâm - người gieo mầm nơi vùng cao Quảng Ngãi. 

11. Trần Thị Thuý Vân, Báo QĐND, Tác phẩm:Nghị lực của cô giáo Nga hơn 11 năm chạy thận.

12. Châu Bùi Nữ Vương, Báo Thanh Niên, Tác phẩm:Quyết không bỏ nghề khi thấy học trò tập gõ chữ trên bàn phím hư.

13. Châu Bùi Nữ Vương, Báo Thanh Niên, Tác phẩm:Hành trình dạy học hạnh phúc của thầy giáo trẻ ở vùng khó khăn

14. Châu Bùi Nữ Vương, Báo Thanh niên, Tác phẩm:Thầy giáo trẻ vùng quê không để học sinh bỏ học giữa chừng.

15. Lê Dung. Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Tác phẩm:Tình yêu nghề mãnh liệt của cô giáo nơi "rừng sâu nước độc" 

16. Lê Dung. Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Tác phẩm:Nhiệt huyết thanh xuân của thầy giáo Bản Lẹ 

17. Lê Dung. Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Tác phẩm:Cô giáo "gieo chữ" ở Bát Mọt và niềm hạnh phúc giản dị. 

18. Hoàng Thị Ngọc Trang, Báo Giáo dục và Thời đại, Tác phẩm: Cô giáo 9x dạy trò làm đồ dùng học tập bổ trợ học môn Lịch sử.

19. Ngô Chuyên, Báo Giáo dục và Thời đại, Tác phẩm: "Người mẹ giầu" của học trò nghèo dân tộc

20. Ngô Chuyên, Báo Giáo dục và Thời đại, Tác phẩm:Thầy giáo 9x gắn bó với học sinh nghèo người dân tộc thiểu số

21. Đào Thị Thạnh, Báo QĐND, Tác phẩm: "Ngã ở đâu thì đứng dậy chỗ đó"

22. Đào Thị Thạnh, Báo QĐND, Tác phẩm:"Gieo chữ" trên non

23. Thiều Trang - Hải Danh - Đinh Hiệp, Báo Lao động, Tác phẩm: Từ chối thành thị đủ đầy, hơn 20 năm miệt mài "gánh" chữ lên vùng biên ải. 

24. Hoàng Thị Vân, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn, Tác phẩm:Cô giáo trẻ yêu nghề, dạy giỏi

25. Hoàng Thị Ngọc Trang, Báo Giáo dục và Thời đại, Tác phẩm:Truyền động lực chinh phục tiếng Anh cho học trò vùng xa.

26. Hoàng Thị Ngọc Trang, Báo Giáo dục và Thời đại, Tác phẩm: Mạnh dạn ứng dụng công nghệ số trong tiết dạy ở miền núi. 

27. Phan Linh, Báo Nhân dân, Tác phẩm: Nghị lực "người lái đò" giữa "dòng nước xiết"