Hãy lắng nghe trẻ em nói

(CTG) Loại bỏ nguy cơ xâm hại trẻ em, bóc lột trẻ em và tai nạn thương tích là chủ đề chính Diễn đàn Trẻ em quốc gia 2011.


184 em có độ tuổi từ 10 – 16 của 30 tỉnh, thành phố, đại diện cho hàng triệu trẻ em cả nước tham gia Diễn đàn Trẻ em quốc gia 2011, diễn ra tại Hà Nội từ 8 – 10/8.

Đến với Diễn đàn, các em có cơ hội được bày tỏ ý kiến về thực hiện quyền của trẻ em; trên cơ sở đó, các nhà quản lý tiếp thu, hoàn thiện luật pháp, chính sách nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền của trẻ em ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, ngày 10/8, tại phiên chính thức của Diễn đàn, các em sẽ gặp gỡ và đối thoại với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội; các Bộ, ngành… về những vấn đề trẻ em quan tâm.



Thông điệp của các đại biểu Ninh Bình


Phát biểu tại phiên khai mạc sáng 8/8, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh: Diễn đàn năm nay với chủ đề “Trẻ em với môi trường thân thiện và an toàn”, với mong muốn các em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, để có thể phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tâm lý và đạo đức xã hội.

Diễn đàn cũng mong muốn các em thông qua tiếng nói của mình, có thể bằng tiểu phẩm, thuyết trình, hoặc đặt câu hỏi với các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, để các nhà hoạch định chính sách tìm ra những biện pháp, giải pháp; đưa ra các chương trình, dự án để làm sao các em được sống trong môi trường hạnh phúc hơn, trong đó trẻ em không bị bạo lực, xâm hại. Đây cũng là thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng một thế giới phù hợp với trẻ em.  

Ghi nhận ý kiến thành viên một số đoàn của PV VOVNews trước khi Diễn đàn Trẻ em quốc gia 2011 bước vào phiên chính thức:

** Nguyễn Thị Linh, học sinh lớp 8 trường THCS Xuân Phú – TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang: Hãy lắng nghe trẻ em nói.



Em Nguyễn Thị Linh

Chúng em hiểu rằng, trẻ em có quyền được vui chơi, quyền được học tập và tham gia phát biểu. Chúng em đã được tham gia vào các hoạt động tại địa phương như tổ chức trại hè và một số hoạt động tuyên truyền cho các bạn. Tuy nhiên, thông qua Diễn đàn này, chúng em mong muốn nhắn nhủ tới mọi người: Hãy quan tâm hơn nữa tới trẻ em; cùng lắng nghe, chia sẻ những tâm tư, tình cảm của trẻ em. Nhiều khi trẻ em không có điều kiện hoặc không thể nói thẳng thắn những điều các em mong muốn do tâm lý ngại ngùng. Vì thế chúng em rất mong người lớn sẽ quan tâm hơn nữa tới những lời nói và hành động của trẻ em. 

** Phùng Thị Hoàng Giang, học sinh lớp 6 trường THCS Chu Văn An, huyện Đắk Hà, Kon Tum: Trẻ em vùng sâu còn thiếu sân chơi.

Cá nhân em và các thành viên đoàn Kun Tum tham gia Diễn đàn với mong muốn tích luỹ thêm kinh nghiệm, để khi trở về tuyên truyền lại cho các bạn ở địa phương. Qua dịp này, chúng em mong muốn lãnh đạo các cấp hãy lắng nghe ý kiến của chúng em; giúp chúng em được vui chơi giải trí, học hành trong một môi trường an toàn, thân thiện.

Chúng em mong muốn Nhà nước xây dựng nhiều hơn nữa những sân chơi lành mạnh, những khu vui chơi giải trí, trường học dành cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong những vùng miền núi, xa xôi như ở Tây Nguyên chúng em.  

** Hà Thị Khánh Linh, 15 tuổi, trường phổ thông dân tộc vùng cao Việt Bắc (huyện Quan Sơn, Thanh Hoá): Tiến tới chấm dứt lao động trẻ em.



Em Hà Thị Khánh Linh

Trẻ em vùng sâu, vùng xa vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi; nhiều bạn không được đến trường hoặc bỏ học giữa chừng để lao động kiếm sống do nhà quá nghèo. Bên cạnh đó, các bạn không có những khu vui chơi tập trung, do đó, ngày hè, trẻ em miền núi như Quan Sơn chúng em, thường tìm đến những ao hồ, sông suối tự nhiên để tắm và “vui chơi”. Vì thế, hàng năm vẫn diễn ra tình trạng trẻ em bị chết đuối rất thương tâm.

Thông qua Diễn đàn lần này, em mong muốn được góp tiếng nói nhằm xoá bỏ tình trạng trẻ em phải bỏ học để lao động sớm, và không còn tái diễn cảnh các bạn nhỏ bị đuối nước.

** Phạm Thị Oanh, chuyên viên Phòng Bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở Lao động - Thương binh – Xã hội TP Đà Nẵng”: Hãy đến với trẻ em bằng tình thương.

Đoàn Đà Nẵng đến với Diễn đàn trẻ em quốc gia năm nay với thông điệp “Hãy để tình yêu thương sưởi ấm trái tim con trẻ”, thông qua tiểu phẩm “Không chỉ riêng ai”.



Chị Phạm Thị Oanh

Hiện trên địa bàn TP Đà Nẵng có khoảng 200.000 trẻ em, trong đó có hơn 2.000 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Số trẻ em bị xâm hại tình dục tuy không nhiều (mỗi năm có từ 4 – 5 vụ) song cũng rất đáng quan tâm. Số trẻ lang thang xin ăn được chương trình “5 không” của thành phố tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Tại đây các em được chăm sóc, nuôi dưỡng, học văn hoá, học nghề và hoà nhập cộng đồng.

Đoàn trẻ em Đà Nẵng mang đến Diễn đàn 2 vấn đề: Thứ nhất là bạo lực học đường, thứ 2 liên quan đến tình trạng trẻ em nhập cư. Đà Nẵng là một thành phố lớn, do đó số các em từ tỉnh khác đến kiếm sống ngày một gia tăng, cho nên vấn đề quản lý trẻ nhập cư luôn được thành phố quan tâm. Thành phố đã chỉ đạo phòng thương binh – xã hội các quận, huyện, xã, phường quản lý các em thông qua mạng lưới các cộng tác viên công tác xã hội tại địa phương. Trường hợp có vấn đề gì liên quan đến các em, các cộng tác viên sẽ báo cáo để cấp trên có hướng giải quyết kịp thời.

Theo tôi, Diễn đàn này có vai trò quan trọng không chỉ với Đà Nẵng mà với mọi tỉnh, thành trên cả nước. Thông qua Diễn đàn, các lãnh đạo sẽ có những định hướng hoạch định chính sách cho trẻ em trong tương lai”./

Theo VOV