Khởi nghiệp từ dự án “Phát triển hệ sinh thái du lịch Ngọc Chiến gắn với nông nghiệp an toàn”, anh Lường Văn Xiên, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La cùng thanh niên địa phương liên kết thành lập HTX du lịch cộng đồng Ngọc Chiến vào tháng 7/2020.
Anh Xiên cho biết: Năm 2022, dự án của chúng tôi giành giải nhất tại Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên tỉnh Sơn La năm 2022”. Sau đó, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi 100 triệu đồng, HTX đầu tư nâng cấp Homestay, đẩy mạnh quảng bá trực tuyến trên các nền tảng số và đẩy mạnh hợp tác với khoảng 20 công ty lữ hành ở địa phương và các tỉnh lân cận. Hiện nay, HTX có 22 thành viên, trong đó, 14 thành viên là người dân tộc thiểu số; đang tạo việc làm ổn định cho 40 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng; phối hợp cùng 3 HTX khác do thanh niên làm chủ để cùng nhau phát triển dịch vụ du lịch.
Còn câu chuyện của anh Hà Văn Sáng, bản Nguồn, xã Mường Lang, huyện Phù Yên lựa chọn khởi nghiệp từ lĩnh vực công nghệ thông tin, phát triển nội dung số, chia sẻ video trên Youtube về cuộc sống ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp, truyền cảm hứng tích cực. Trên diện tích 1 ha đất của gia đình, anh đã xây dựng mô hình kinh tế VAC, bao gồm hơn 700 con gà, vịt; 20 con dê thịt; 1.000 m² ao nuôi cá; vài trăm gốc quýt ngọt và hơn 2.000 m² vườn trồng rau củ quả theo mùa. Sử dụng chính kênh Youtube của mình để quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản.
Anh Sáng chia sẻ: Phát triển sản xuất kết hợp làm nội dung số đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, với mức thu nhập trên 400 triệu đồng/năm. Thời gian tới, tôi dự định phát triển mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch trải nghiệm. Khách đến thăm mô hình được trải nghiệm cuộc sống như những người nông dân bản địa, được trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến rau, củ, ngô, đậu, câu cá giải trí.
Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, trong 5 năm qua, Hội tổ chức 5 cuộc thi khởi nghiệp, trao giải cho 51 ý tưởng, dự án xuất sắc và 214 ý tưởng, dự án khác đã được hỗ trợ hiện thực hóa, tổng giá trị 7 tỷ đồng, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho nhiều thanh niên.
Thông qua mô hình “Ngày hội Gửi tiết kiệm - Vì tương lai xanh”, Hội còn tạo nguồn vốn cho vay hơn 6,1 tỷ đồng với 86 dự án, mô hình khởi nghiệp. Bên cạnh đó, chủ động kết nối các quỹ hỗ trợ, các nhà đầu tư, nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH tỉnh, tạo điều kiện cho trên 29.000 ĐVTN vay vốn với tổng dư nợ trên 1.265 tỷ đồng. Nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn hỗ trợ gần 900 triệu đồng cho 98 thanh niên phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức 274 buổi tập huấn về kỹ thuật và mô hình sản xuất mới cho hơn 3.300 ĐVTN và nhân dân. Triển khai 120 vườn cây sinh kế tặng cho các hộ thanh niên khó khăn, 103 CLB thanh niên khởi nghiệp và 223 mô hình vườn ươm thanh niên được duy trì hoạt động. Hỗ trợ 126.169 lượt thanh niên dân tộc thiểu số tiếp cận với thị trường lao động, trong đó hơn 7.900 thanh niên có việc làm ổn định. Toàn tỉnh có 204 đội trí thức trẻ tình nguyện được thành lập, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.
Những nỗ lực của Hội LHTN Việt Nam tỉnh trong việc hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, đào tạo kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kết nối thị trường... đã tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ thanh niên vững bước trên con đường lập thân, lập nghiệp, khẳng định vai trò của thanh niên trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.
Theo BSL