Một học trò nhận được hơn 4,5 tỉ đồng
Cách đây hơn một năm, câu chuyện về cậu học trò Nguyễn Hùng Mạnh một mình ở trọ nuôi ước mơ vào giảng đường đại học bên tô mì gói, sau khi được đăng trên Báo Thanh Niên đã làm xúc động hàng triệu trái tim bạn đọc.
Nay cậu học trò ấy là sinh viên năm 2 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhờ vào học bổng Nghị lực mùa thi. Mạnh khoe với chúng tôi rằng em đang học rất tốt. Ngành học của Mạnh có môn tiếng Nhật, và em cũng khá tự tin với ngoại ngữ này. "Do em đã có sự chuẩn bị và chịu khó mày mò học từ trước nên giờ bắt nhịp khá nhanh với tiếng Nhật", Mạnh nói và bày tỏ mong ước: "Em mong sau này ra trường nếu có điều kiện sẽ được đi du học tại Nhật, hoặc xin vào làm việc cho các công ty Nhật Bản tại Việt Nam".
Từ cậu học trò ngày nào chỉ mong bữa ăn có thêm tí rau luộc để đỡ cảm giác bị ngán vì ăn mì gói trường kỳ, giờ đây em đã có ước mơ cho tương lai như bao bạn trẻ khác và vững hành trang thực hiện kế hoạch của đời mình.
Ngày đó, bài viết về Mạnh đăng trên Báo Thanh Niên đã tạo được sự lan tỏa rất lớn. Số tiền hỗ trợ của bạn đọc gửi về tài khoản Báo Thanh Niên để giúp cậu học trò nghèo hiếu học tăng lên rất nhanh. Chỉ sau 2 ngày, số tiền bạn đọc gửi về giúp Mạnh đã hơn 3 tỉ đồng. Mặc dù em đã xin ngưng nhận thêm để nhường cho những hoàn cảnh khó khăn khác, nhưng đến thời điểm nhận học bổng, tổng số tiền bạn đọc giúp Mạnh là 4.312.158.004 đồng. Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc cũng tìm đến tận trường học và phòng trọ để hỗ trợ trực tiếp cho em. Tổng số tiền Mạnh nhận được sau bài viết về em đăng trên Báo Thanh Niên là hơn 4,5 tỉ đồng.
Với số tiền vượt ngoài sức tưởng tượng và sự quan tâm rất lớn từ bạn đọc, khi nhận học bổng, Mạnh đã quyết định san sẻ lại 1 tỉ đồng hỗ trợ những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khác, để các bạn cũng vững bước vào giảng đường giống như mình.
Gặp lại Mạnh sau gần 2 năm nhận học bổng Nghị lực mùa thi, tôi thật sự hạnh phúc vì cuộc sống của em giờ đây đã bước sang trang đời mới, đúng như những gì em từng chia sẻ: "Bài viết trên Báo Thanh Niên đã thay đổi cả cuộc đời em".
Không chỉ được học đại học đúng trường và ngành mà em luôn mong ước, cũng như cuộc sống bớt khó khăn và chật vật hơn, với số tiền bạn đọc hỗ trợ, em và mẹ đã có được căn nhà mơ ước để quây quần bên nhau sau bao nhiêu năm phải chấp nhận cảnh mẹ một nơi, con một ngả.
Đón tôi tại căn nhà mới ở TP.Dĩ An (Bình Dương), chị Nguyễn Thị Nhung, mẹ của Mạnh, đầy biết ơn khi giới thiệu: "Đây là căn nhà từ tình yêu thương của bạn đọc Báo Thanh Niên dành tặng cho Mạnh. Căn nhà này đến trong mơ tôi cũng chưa bao giờ dám nghĩ đến. Nhưng hôm nay…".
Chị Nhung bỏ dở câu nói vì xúc động. Nhưng tôi hiểu được chị đang hạnh phúc và biết ơn tình yêu thương mà mọi người dành cho Mạnh và gia đình mình như thế nào. Từ cái ngày hôn nhân không hạnh phúc, chị dắt díu Mạnh vào TP.HCM sinh sống với 2 bàn tay trắng, vì không có gì trong tay, cuộc sống 2 mẹ con quá khó khăn nên Mạnh được một cơ sở bảo trợ xã hội nhận vào cưu mang, còn chị Nhung thì bươn chải với đời để kiếm sống.
Ngày gửi Mạnh vào cơ sở bảo trợ xã hội, Mạnh nhiều đêm khóc thầm vì nhớ mẹ, còn ở bên ngoài, chị Nhung cạn nước mắt vì xót con. Hai mẹ con chỉ mong một ngày được trở về quây quần bên nhau, nhưng chưa bao giờ dám nghĩ ngày đó có thể sẽ đến và lại ngay trong chính căn nhà của riêng 2 mẹ con.
Giờ đây không còn lo nghĩ về câu hỏi tiền đâu để tiếp tục việc học, lại có được căn nhà để đầm ấm hạnh phúc bên mẹ và anh trai, bữa ăn nay cũng đầy đủ chất hơn nên cậu học trò gầy gò, hốc hác ngày nào giờ đã khỏe mạnh hơn. Mạnh khoe đã tăng được 7 kg từ sau khi nhận học bổng và về ở chung với mẹ.
Mạnh cho biết giờ em dành mọi tâm huyết học tập thật tốt để không phụ lại sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người đã dành cho mình. Hơn nữa, Mạnh muốn sau này thành tài để có nhiều cơ hội giúp lại cho đời như những gì em đã được nhận.
Biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể
Không quá khi nói rằng học bổng Nghị lực mùa thi đã biến những điều không thể thành có thể. Không chỉ Nguyễn Hùng Mạnh, rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tương lai như ngọn đèn trước gió, nhưng sau khi câu chuyện về các em được đăng tải trên Báo Thanh Niên và nhận được sự chia sẻ từ bạn đọc, cuộc đời các em đã thay đổi.
Năm 2024, một trường hợp cũng lấy đi rất nhiều nước mắt của bạn đọc. Đó là câu chuyện về đôi bạn cùng cảnh ngộ Hồ Huỳnh Nhi và Hồ Ngô Kỷ Nguyên (ngụ H.Cần Giờ, TP.HCM). Cả 2 em đều không còn ba, mẹ nuôi dưỡng. Nhi mất ba, mẹ bỏ đi không lời từ biệt, em bơ vơ không nhà cửa; Nguyên sinh ra không biết mặt ba, mẹ bỏ đi theo hạnh phúc mới, cô học trò nhỏ được ông bà ngoại già yếu, bệnh tật chắt chiu từng đồng, thậm chí từng ký gạo, gói mì từ thiện, để nuôi em lớn khôn. Và họ đã cưu mang nhau trong sự khốn cùng.
Việc phải chạy ăn hằng ngày khiến 2 em không dám nghĩ đến tương lai. Nhưng hôm nay, 2 em đã trở thành tân sinh viên của những ngôi trường chất lượng, và phía trước em con đường đã rộng mở.
Nhi được bạn đọc Báo Thanh Niên hỗ trợ hơn 2 tỉ đồng; trong đó bạn đọc chuyển về tài khoản Báo Thanh Niên hơn 1,6 tỉ đồng, hỗ trợ trực tiếp cho em gần 150 triệu đồng, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech) trao học bổng toàn phần gần 300 triệu đồng.
Nguyên nhận học bổng Nghị lực mùa thi gần 300 triệu đồng, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn trao học bổng toàn phần gần 355 triệu đồng. Ông bà ngoại của Nguyên được Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM trao kinh phí sửa chữa nhà 70 triệu đồng và 200 triệu đồng tiền bạn đọc Báo Thanh Niên hỗ trợ.
Cách đây vài ngày, Lê Hoàng Minh Thư, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhắn tin khoe với tôi thành tích đạt loại giỏi của một khóa chuyên đề luyện chữ đẹp tại trường, kèm lời nhắn: "Em có thành tích đầu tiên trong năm học đầu của mình đây ạ. Em sẽ luôn cố gắng để xứng đáng với sự giúp đỡ của mọi người dành cho em".
Thư cũng là nhân vật được nhận học bổng Nghị lực mùa thi năm 2024. Vốn là cô học trò có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, để có tiền theo đuổi việc học và trang trải cuộc sống, từ nhỏ đến lớn, Thư đã làm rất nhiều việc như bắt ốc, chạy bàn, rửa chén thuê đến tự làm đồ thủ công để bán, dạy kèm cho bạn… Đứng trước ngưỡng cửa vào đại học, Thư đã rất lo sợ cho tương lai của mình. Em sợ 12 năm nỗ lực không ngừng nghỉ để bám được sự học lại phải dừng giữa chừng. Và rồi, học bổng Nghị lực mùa thi do Báo Thanh Niên xây dựng đã chắp cánh ước mơ cho em.
"Nhờ sự hỗ trợ của bạn đọc thông qua bài đăng trên Báo Thanh Niên mà em đã có một cuộc sống tốt đẹp hơn, có cơ hội tiếp tục học tập và không phải vất vả mưu sinh kiếm tiền để đi học như trước đây. Gia đình em cũng nhờ đó mà vơi bớt gánh nặng và có thêm niềm tin, hy vọng vào tương lai", Thư chia sẻ.
Thư cho biết nhờ học bổng mà em có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc học, tập trung phát triển kỹ năng và mở rộng kiến thức, điều mà trước đây Thư không thể làm được vì phải chạy đua với công việc để kiếm sống. "Sự hỗ trợ này không chỉ giúp em có một cuộc sống tốt đẹp hơn mà còn là động lực mạnh mẽ để bản thân cố gắng vươn lên, thực hiện ước mơ của mình", Thư bày tỏ.
Gieo mầm xanh cho đời
Cách đây gần 3 năm, cậu học trò Nguyễn Phan Nguyên Trường cũng nhận được học bổng hơn 800 triệu đồng từ số tiền bạn đọc Báo Thanh Niên đóng góp để biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể.
14 tuổi, Trường mồ côi cả cha lẫn mẹ. Một thân một mình trong căn phòng trọ, cậu học trò lớp 12 ngày đó ngoài ý chí và nghị lực em không có gì trong tay. Ước mơ vào giảng đường đại học là quá xa vời với em. Nhưng hiện tại, Trường là sinh viên năm 3 và không còn đơn côi với cuộc đời khi xung quanh có rất nhiều người quan tâm, giúp đỡ, yêu thương từ sau khi câu chuyện về em được Báo Thanh Niên đăng tải.
Trường khiến chúng tôi hạnh phúc khi giờ đây em đã trưởng thành. Quý trọng từng sự hỗ trợ của bạn đọc, em đã phấn đấu học tập và sử dụng hiệu quả số tiền học bổng. Trường đã gửi toàn bộ tiền học bổng vào ngân hàng, khi nào đến kỳ nộp học phí thì em rút vừa đủ để đóng. Ngoài giờ học, Trường tranh thủ làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt. Về chỗ ở, Trường cũng chọn xa trường để tiết kiệm tiền trọ.
Trường nói: "Trọ gần trường rất đắt đỏ nên em chọn cách ở xa và mỗi ngày mất khoảng 1 tiếng đồng hồ để di chuyển bằng xe buýt đi học. Do là sinh viên nên đi xe buýt rất rẻ. Chi phí đi xe buýt tính ra rẻ hơn thuê trọ gần trường".
Trường cũng chia sẻ thêm: "Từ trước đến giờ một thân một mình, em chưa bao giờ có được số tiền lớn như vậy. Được mọi người giúp đỡ, em muốn sử dụng tiết kiệm và hiệu quả. Những khoản nào ngoài khả năng bản thân có thể lo được như học phí thì em sẽ dùng đến, còn lại em muốn tích lũy để phòng trường hợp bất trắc xảy ra".
Dù vẫn đi làm thêm và sống tiết kiệm nhưng Trường tâm sự cuộc sống của em đã khác xưa rất nhiều: "Nhờ học bổng mà em được học đại học, điều em không dám nghĩ đến trước đây. Nhờ số tiền học bổng, em không còn phải lo nghĩ mỗi ngày. Cũng từ đó, em có thể tập trung nhiều hơn cho việc học, đầu óc thoải mái nên học cũng tốt hơn".
Một câu chuyện ấm lòng khác là trường hợp của Nguyễn Ngọc Trầm, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM. Nhớ lại những tháng ngày vì quá khó khăn phải nghỉ học giữa chừng rồi đi phụ việc ở quán cơm, tối về ngủ nhờ các sạp ở chợ đầu mối Bình Điền; hay sau này lớn hơn và quay lại học ở Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Q.6 thì sáng đi học, chiều về chạy xe ôm đến tối, nhiều lúc không có tiền phải nhịn đói đến trường…, Trầm không dám tin rằng giờ đây mình có thể là thực tập sinh tại một ngân hàng lớn ở TP.HCM.
Trầm được bước chân vào giảng đường đại học cũng nhờ sự yêu thương của bạn đọc Báo Thanh Niên. Sau 3 năm nỗ lực học tập tại giảng đường, Trầm là một trong 13 sinh viên được chọn từ 1.000 ứng viên để thực tập tại ngân hàng nói trên. Em vừa kết thúc kỳ thực tập và được giữ lại làm việc với nhiều kỳ vọng phát triển trong tương lai sau khi hoàn thành xong chương trình đại học.
Thật xúc động khi Trầm tâm sự: "Giờ mỗi lần ngồi làm việc tại văn phòng, nhìn xung quanh là những anh chị rất giỏi, mọi người có xuất phát điểm rất tốt, từ nhỏ được học trong những trường điểm của thành phố…, em không dám tin tại sao mình có thể được ở đây. Một cậu học trò khốn khổ, mưu sinh từ nhỏ rồi ngủ đầu đường xó chợ, nhưng nhờ học bổng Nghị lực mùa thi mà em được học đại học và biết bao cơ hội tốt đẹp đã đến với em kể từ đó".
Nhìn những thay đổi trong cuộc sống và sự trưởng thành của các em, cũng như những gì các em đã và đang nỗ lực, chúng tôi hạnh phúc khi biết rằng sự hỗ trợ của bạn đọc Báo Thanh Niên đã không chỉ thay đổi cuộc đời mà còn giúp các em hiểu rõ hơn về lòng nhân ái và sự sẻ chia trong xã hội. Và chính các em sẽ là những hạt mầm xanh cho đời.
Lê Hoàng Minh Thư đã nói với chúng tôi rằng: "Những gì em nhận được không chỉ là tiền bạc hay vật chất, mà còn là sự động viên tinh thần, là niềm tin vào tương lai và vào bản thân. Em luôn ghi nhớ trong lòng rằng sự giúp đỡ hôm nay sẽ là nền tảng vững chắc để em xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Và mong rằng một ngày nào đó, khi có thể, em cũng sẽ quay lại giúp đỡ những người khác, giống như cách mọi người đã cứu giúp em".
Lòng biết ơn của các em đối với bạn đọc Báo Thanh Niên không chỉ được diễn tả bằng lời nói, mà đã thể hiện qua hành động. Những bước tiến nhỏ trong học tập, những nỗ lực trong công việc và sự trưởng thành của các em mỗi ngày sẽ là lời cảm ơn lớn nhất với bạn đọc khắp mọi miền đã tin tưởng, yêu thương và đồng hành cùng những học trò nghèo hiếu học của học bổng Nghị lực mùa thi suốt nhiều năm qua.
Theo TN