Học dược sĩ nhưng về quê nuôi cá, thu lãi gần 400 triệu đồng/năm

CTG - Gác bằng dược sĩ, về quê nuôi cá theo mô hình nuôi trồng thủy sản tuần hoàn an toàn sinh học, anh Võ Hoàng Tuấn (32 tuổi, ngụ xã Thạnh Lộc, H.Cai Lậy, Tiền Giang) thu lãi gần 400 triệu đồng/năm.

Anh Tuấn sở hữu trại nuôi cá chạch lấu rộng 5.000 m2 với 15 ao, tại xã Thạnh Lộc, H.Cai Lậy. Điều khiến nhiều người ấn tượng là cách anh áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm thông qua mô hình nuôi trồng thủy sản tuần hoàn an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.

Học dược sĩ nhưng về quê nuôi cá, thu lãi gần 400 triệu đồng/năm- Ảnh 1.
 

Anh Tuấn thu hoạch cá chạch lấu bán cho thương láiTuấn kể, anh tốt nghiệp ĐH ngành dược và có thời gian công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM. Trong quá trình bán thuốc tại quầy thuốc bệnh viện, anh gặp nhiều trường hợp mắc bệnh do ăn phải thức ăn còn tồn đọng dư lượng chất kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật… Từ đó, anh ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp với mô hình nuôi trồng thủy sản tuần hoàn an toàn sinh học, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Năm 2019, anh Tuấn quyết định nghỉ việc, về quê đào ao nuôi cá chạch lấu trên diện tích 400 m2. Đây là loại cá không chỉ có giá trị kinh tế mà còn mang giá trị dược liệu trong đông y, được mệnh danh là "sâm nước" miền Tây. Song song đó, anh kết hợp trồng nha đam và nuôi trùn quế.

Theo anh Tuấn, mô hình kết hợp này đem lại nhiều hiệu quả. Trùn quế dùng làm thức ăn cho cá, phân trùn bón cho nha đam. Phụ phẩm từ nha đam được sử dụng nuôi trùn quế. Nguồn nước tưới cây nha đam được tận dụng từ ao nuôi cá chạch lấu. Quy trình theo một vòng tuần hoàn, hướng dược liệu, với mục tiêu xây dựng phát triển thương hiệu đặc sản cá chạch lấu an toàn sinh học. Nhờ đó, anh tạo được lòng tin từ khách hàng và nhiều thương lái đến tận nơi thu mua cá.

Từ thành công này, giữa năm 2020, anh Tuấn mạnh dạn thuê 5.000 m2 đất mở rộng mô hình. Trên diện tích này, anh đào 15 ao thả nuôi cá chạch lấu.

Chia sẻ bí quyết nuôi cá chạch lấu thành công, anh Tuấn cho biết phải đảm bảo 3 yếu tố: con giống, hiểu được tập tính cá, nguồn nước nuôi. Anh thiết kế ao nuôi có hệ thống ô xy 24/24 giờ, lót bạt dưới đáy ao để không có bùn, thiết kế chỗ trú ẩn cho cá vì loài này chui rúc rất khó xử lý khi gặp sự cố, có ao lắng xử lý nước; có quy trình xử lý nước vào ra vệ sinh ao nuôi sạch sẽ, cách 3 - 5 ngày thay nước một lần. Ngoài ra, cần bổ sung vitamin C, men hỗ trợ tiêu hóa cho cá cùng các vi sinh vật cải tạo môi trường nước. Cá nuôi từ 10 - 12 tháng cho thu hoạch. Trong quá trình nuôi, cách 2 tháng phải tiến hành lựa cá lớn, nhỏ để nuôi đạt trọng lượng đồng đều.

Anh Tuấn còn thả nuôi cá chép koi chung với cá chạch lấu, mỗi ao từ 100 - 200 con. Cá chép koi sống ở tầng mặt, cá chạch lấu sống tầng đáy nên không cạnh tranh thức ăn. Đặc biệt, chép koi là loài cá nhạy cảm với môi trường nên sẽ giúp người nuôi phát hiện bệnh trong bể nuôi một cách nhanh chóng để kịp thời xử lý. Trong quá trình nuôi, những con nào không đạt chuẩn thì anh chọn bán cá thương phẩm; riêng cá đẹp được nuôi trong 1 năm, trọng lượng từ 2 - 3 kg sẽ bán với giá cao.

Mỗi năm, anh Tuấn thu hoạch 2 tấn cá chạch lấu thương phẩm, giá bán khoảng 250.000 đồng/kg; sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gần 200 triệu đồng/năm. Cá koi có giá 350.000 đồng/kg, lợi nhuận gần 150 triệu đồng/năm.

Anh Mai Huy Mân, Phó bí thư Huyện đoàn Cai Lậy, cho biết: "Anh Tuấn đã tự tìm tòi, nghiên cứu kết hợp vận dụng kiến thức ngành dược đã học vào phát triển mô hình nuôi thủy sản an toàn sinh học với con cá chạch lấu, một loại cá có giá trị kinh tế cao. Đây là mô hình kinh tế xanh, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế".

Theo TN