Phổ cập kết nối số
Chuyển đổi số là chủ đề được các cấp, bộ ngành xác định như nhiệm vụ trọng tâm và cốt lõi để hội nhập. Tuy nhiên, việc triển khai các ứng dụng mới và nền tảng số để tăng tốc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số vẫn còn hạn chế.
Trao đổi với PV Tiền Phong về chủ đề này, TS. Lê Thanh Long (SN 1988, trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng, Chính phủ cần tăng cường phổ cập kết nối số, nâng cao nhận thức số, văn hóa số và kỹ năng số cho người dân. Mục tiêu này hướng tới -không ai bị bỏ lại phía sau” bằng việc phủ sóng mạng internet trên khắp cả nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên cương và biển đảo với chất lượng và chi phí hợp lý. Từ đó có nền tảng để phát triển chương trình đào tạo và giáo dục về kỹ năng số dành cho mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người trưởng thành và người cao tuổi.
TS. Lê Thanh Long |
“Chính phủ cần tăng cường các chính sách hỗ trợ, đầu tư vào công nghệ và đãi ngộ đội ngũ kỹ thuật, tạo môi trường có nhiều cơ hội để thu hút nguồn nhân lực trẻ năng động, sáng tạo, có khả năng tư duy số để giải quyết các vấn đề của xã hội”, TS. Long nói.
Cũng theo TS. Long, Việt Nam cần xây dựng nền tảng bảo mật tốt hơn để người dân, doanh nghiệp yên tâm sử dụng nền tảng số hiệu quả mà không lo sợ thông tin cá nhân, tổ chức bị lọt, lộ ra ngoài bất hợp pháp. Khi thể chế và chính sách đúng đắn sẽ tăng tính hiệu quả trong việc triển khai chuyển đổi số, giúp tiết kiệm thời gian và công sức bỏ ra.
Hỗ trợ hoàn thiện công cụ số
Theo TS. Lê Thị Phương (SN 1988, Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng TPHCM), không riêng những người nghiên cứu khoa học, toàn bộ các cá nhân, tổ chức trong xã hội đều có thể là đơn vị tiên tiến trong công cuộc chuyển đổi số.
Tuy nhiên, nữ đại biểu trẻ nhấn mạnh đến vai trò của những người nghiên cứu khoa học trong việc hoàn thiện công cụ số. Trí thức trẻ cần hỗ trợ ban ngành quản lý nghiên cứu ra phần mềm, công cụ tiện lợi, an toàn, cập nhật chỉnh sửa bổ sung các công cụ số ngày một hoàn thiện.
"Khi các công cụ chuyển đổi số được đưa vào sử dụng thực tiễn, thành phần trí thức, người nghiên cứu khoa học lại có nhiệm vụ tiên phong, làm mẫu cho người dân xung quanh mình, thúc đẩy quá trình diễn ra thuận lợi, nhanh chóng”, TS. Phương nói.
TS. Lê Thị Phương |
Riêng trong lĩnh vực vật liệu y sinh mới, công cụ số đã và đang được áp dụng toàn diện để hỗ trợ tạo ra các sản phẩm quốc nội phục vụ y tế Việt. Nổi bật như công nghệ in vật liệu 3D và công nghệ mô phỏng dự đoán hệ phân tử áp dụng thiết kế cấu trúc thuốc.
Từ thực tiễn nghiên cứu, TS. Phương nhận thấy, đối với phương pháp truyền thống, cần xây dựng kế hoạch, thử nghiệm thực tế, thu kết quả, phân tích kết quả và lặp lại rất nhiều lần, tốn nhiều chi phí để có thể rút ra được quy trình tối ưu.
Ngày nay, công nghệ mô phỏng hiện đại cho phép khám phá các phân tử mới, chất lượng cao nhanh hơn, chi phí thấp hơn và khả năng cao hơn so với phương pháp thử nghiệm truyền thống. Từ nguồn dữ liệu đưa vào ban đầu, nền tảng công nghệ hiện đại có thể trả ra dự đoán mô phỏng, đánh giá được đặc tính chính của phân tử thức dựa trên phép tính vật lí phức tạp, với độ chính xác tương đương phân tử thực nghiệm. Dữ liệu phân tích được quản lý, có thể chia sẻ rộng rãi, tiếp tục đóng góp vào kho tàng tri thức chung.
Những nhà khoa học, trí thức trẻ là những hạt nhân giúp tăng tốc quá trình chuyển đổi số |
“Từ minh chứng thực tế nêu trên, tôi muốn khẳng định về tầm quan trọng của việc hoàn thiện công cụ số. Theo đó, các cá nhân, tổ chức cần nỗ lực, chủ động trong việc tham mưu, mạnh bạo đề xuất ý tưởng mới hoặc phát hiện lỗi sai của công cụ để cùng nâng cấp, hoàn thiện”, nữ đại biểu trẻ nói.
Bồi dưỡng "hạt nhân số" từ các đơn vị cơ sở
Để hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực Y học đạt hiệu quả cao, PGS.TS Đào Việt Hằng (SN 1987, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) cho rằng, cần có những chính sách cụ thể tập trung vào hai vấn đề: Nâng cao, bồi dưỡng “hạt nhân số” là bác sĩ, điều dưỡng trẻ từ các đơn vị cơ sở và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn ứng dụng thiết bị, công nghệ tích hợp AI trong lĩnh vực y học, để tạo hành lang xây dựng các quy trình kĩ thuật, mức giá tương ứng.
"Khi các công cụ chuyển đổi số được đưa vào sử dụng thực tiễn, thành phần trí thức, người nghiên cứu khoa học lại có nhiệm vụ tiên phong, làm mẫu cho người dân xung quanh mình, thúc đẩy quá trình diễn ra thuận lợi, nhanh chóng”. TS. Lê Thị Phương, Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng TPHCM |
Cụ thể, đối với các bác sĩ trẻ, sẽ cần thêm nhiều diễn đàn, hoạt động để giới thiệu, tạo điều kiện cho các bác sĩ được hiểu về vai trò, lợi ích, những khó khăn và cách khắc phục khi triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực y học. Khi có đủ các kĩ năng cần thiết, hiểu được vai trò thiết yếu của xu hướng chuyển đổi số, đây chính là những hạt nhân để tạo ra sự thay đổi ngay từ các đơn vị cơ sở.
PGS.TS Đào Việt Hằng |
Theo PGS.TS Hằng, nên gắn các hoạt động chuyển đổi số với các hoạt động cải tiến chất lượng 5S tại các đơn vị y tế, các hoạt động nghiên cứu khoa học, đưa chuyển đổi số thành một chương trình ưu tiên phát triển của các hội, các câu lạc bộ thầy thuốc trẻ tại địa phương.
"Hoạt động triển khai càng cụ thể sẽ càng giúp các bác sĩ trẻ có cơ hội được tiếp cận, học hỏi và tạo thành mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau cả về chuyên môn, kĩ năng cũng như trong công tác đào tạo”, PGS.TS Hằng nói.
Ngoài ra, bồi dưỡng “hạt nhân số” còn là một trong những định hướng và mục tiêu của Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu trong thời gian tới, với hoạt động nghiên cứu liên ngành, tạo sự đa dạng và kết nối mới về ý tưởng, tạo nhóm nghiên cứu mạnh chuyên sâu, phát triển hỗ trợ cho các dự án tiềm năng. Hoạt động này sẽ thúc đẩy tinh thần năng động, nhiệt huyết của các trí thức trẻ trong hoạt động chuyển đổi số trên các lĩnh vực để cùng “chuyển mình” với nhiều thành tựu có ý nghĩa và có tính thực tiễn.
Theo TPO |