Hơn 16 năm “cắm bản” tiếp sức học sinh nghèo nhờ kết nối tình nguyện trên mạng xã hội

(CTG) Hơn 16 năm xung phong “cắm bản” gieo chữ, cô giáo Đàm Thị Nguyệt (SN 1982, Trường TH Lê Văn Tám, huyện Ea Súp) thấu hiểu sự khó khăn, thiếu thốn của học sinh huyện nghèo tỉnh Đắk Lắk. Nhờ tận dụng khả năng kết nối của mạng xã hội, cô Nguyệt đã tranh thủ được nhiều nguồn lực hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số nơi đây nhờ mạng xã hội.

Cô giáo Đàm Thị Nguyệt sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 3 chị em. Cô là chị cả, cả 3 chị em đã trải qua cuộc sống khó khăn khổ cực với bữa no, bữa đói. Cuộc sống khó khăn đã rèn luyện chị em cô không quản ngại khó khăn, phải vượt qua chính mình, biết trân trọng mọi điều mình đang có.

Sau thời gian đi học sư phạm, ra trường với biết bao mơ ước hoài bão. Khi đang buồn vì hồ sơ xét tuyển bị muộn thì cô được một người bạn giới thiệu làm đơn vào dự án Trí thức trẻ tình nguyện. Cô háo hức làm hồ sơ nộp lên Tỉnh đoàn Đắk Lắk và được Tỉnh đoàn nhận. 

Cô được phân công tới buôn Wing, nơi đây có rất nhiều bà con người Êđê sinh sống, buôn trưởng sắp xếp cô vào nhà dân thực hiện 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm). Thấm thoát hết thời gian dự án, cô bịn rịn chia tay bà con về lại với nơi sinh sống và được nhận vào làm hợp đồng dạy tại trường TH Lê Văn Tám thuộc xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp. Trường TH Lê Văn Tám có 1 điểm chính và 3 điểm lẻ, cuộc sống của bà con nơi đây rất khó khăn thiếu thốn đủ, điểm trường buôn BaNa không điện nước, mùa khô thì bụi cát, mùa mưa thì bùn sình, nước ngập đường đi…Có nhiều hôm đường bùn ngập không có đường đi, khi thì đường xá xa xôi phải ở lại trưa tại điểm trường, điểm trường tại trung đoàn 736 cách trường chính khoảng 20 km đi sâu vào trong giáp biên giới đường đi cũng rất khó.

Khi chuyển sang công việc mới, mọi thứ như mới bắt đầu, cô phải nhờ vả các anh chị đi trước giúp đỡ, chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm. Cô gần gũi học sinh, nắm bắt được những tâm tư nguyện vọng của các em để rồi có hướng giúp đỡ các em với hình thức phù hợp. Cô luôn quan tâm, xin quần áo đã qua sử dụng còn lành, quần áo mới, giày dép, xe đạp, các suất học bổng, nhà ở cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi… làm sao đó để hỗ trợ, giúp các em tiếp tục việc học tập. 

Thấu hiểu được cảnh khó khăn của mình năm xưa, nhiều lúc vào thăm nhà học sinh cô không cầm được nước mắt khi kiểm tra nồi cơm, đồ ăn không có gì, chỉ có ít quả cà đắng, nắm rau rừng, gia vị không có gì ngoài muối, cô ra tạp hoá mua dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, xà bông, dầu gội… mang vào cho em. Cô hay nói chuyện cùng học trò của mình rất nhiều, cô mong các em hôm nay được cô cùng các cô chú mạnh thường quân giúp đỡ các em hãy luôn ghi nhớ và cố gắng học tập để mai sau mình thành đạt sẻ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Cô Đàm Thị Nguyệt trao sổ Đội cho các học sinh mới kết nạp

Ngoài thời gian giảng dạy, cô thường xuyên tham gia trong các phong trào tình nguyện, thiện nguyện. Bởi vì trong suy nghĩ của cô giúp được việc gì thì giúp, làm được việc gì có ích cho xã hội thì làm, không nề nguy hiểm hay khó khăn. Bằng cách  thường xuyên lướt Facebook rồi làm quen với các hội, nhóm thiện nguyện rồi viết bài xin hỗ trợ cho học sinh, cho buôn làng. 

Cô Nguyệt cho biết: “Trong công việc cũng vậy khi được giao nhiệm vụ phải hoàn thành, khó khăn thì từng bước khắc phục. Phải luôn thay đổi cách thức triển khai phong trào làm sao cho thích nghi với tình hình tại liên đội của mình. Những giờ ra chơi tôi thường chơi với các em hay nói chuyện với các em ấy nên thành thử các em học sinh coi tôi như người bạn và hay to nhỏ tâm sự với tôi, hay nói lên suy nghĩ mơ ước của các em cho tôi nghe, tôi cảm thấy mình rất tự hào khi được làm cô Tổng phụ trách Đội. Bản thân tôi luôn nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện từ Ban giám hiệu trường TH Lê Văn Tám, Hội đồng Đội huyện Ea Súp để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng nghiệp luôn quan tâm hỗ trợ tôi những lúc khó khăn hay bận rộn, đối với học sinh luôn thương yêu tôi, phụ huynh quý mến”.

Với những đóng góp của mình, cô Nguyệt vinh dự đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua, thành tích xuất sắc trong công tác đội và chiến dịch mùa hè xanh, thành tích xuất sắc trong phòng chống dịch Covid-19 năm 2020. Đặc biệt, cô Nguyệt vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.

Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới tại Thủ đô Hà Nội tùy theo tình hình thực tế của tình hình dịch bệnh Covid -19.