Khảo sát việc thi hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

(CTG) Sáng nay 10/9, tại Trụ sở Trung ương Đoàn (Hà Nội), Đoàn kiểm tra khảo sát của Ban chỉ đạo sơ kết 5 năm thi hành Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về việc thi hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Dự buổi làm việc về phía Trung ương Đoàn có anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam; anh Nguyễn Tường Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam; các thành viên Đoàn công tác; lãnh đạo các Ban, đơn vị của Trung ương Đoàn...

Quang cảnh buổi làm việc.

Báo cáo với Đoàn khảo sát, anh Nguyễn Tường Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết: Ngay sau khi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được ban hành ngày 9/6/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, các cấp bộ Đoàn, Hội nghiêm túc, chủ động tổ chức triển khai trong toàn Đoàn, Hội, trong đó tập trung xác định rõ nhiệm vụ cần làm, trách nhiệm của Đoàn, Hội các cấp với vai trò là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tổ chức Đoàn, Hội các cấp đã triển khai, quán triệt, phổ biến những nội dung chính của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lồng ghép với các hội nghị của Đoàn, Hội đến cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên cả nước.

Phát huy vai trò là một thành viên tập thể của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, qua 5 năm thi hành Luật mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Nhận thức của đại bộ phận cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân được nâng cao. Việc quan tâm chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho đoàn viên, hội viên, thanh niên được tổ chức Đoàn, Hội các cấp chú trọng.

Anh Nguyễn Tường Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam trình bày báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật MTTQ Việt Nam.

Với phương châm “Mặt trận tập hợp, đoàn kết thanh niên phải rộng rãi; Đoàn phải mạnh; đoàn viên phải tiêu biểu trong mỗi tập thể thanh niên và ở cộng đồng dân cư”, Đoàn cử cán bộ có năng lực, uy tín, giới thiệu để hiệp thương giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các tổ chức thanh niên Việt Nam các cấp; phát huy tính tiền phong, gương mẫu, vai trò nòng cốt của lực lượng đoàn viên; định hướng chương trình công tác, nội dung hoạt động để Hội làm tốt hơn công tác chăm lo cho Hội viên, nắm bắt tốt hơn lực lượng của mình, từ đó nâng cao uy tín của Hội trong thanh niên.

Đoàn đã định hướng để Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tự củng cố nguyên tắc tổ chức và hoạt động của mình. Từ chỗ xác định “ở đâu có thanh niên, ở đó có tổ chức Hội”, đến nay, các cấp bộ Hội đều xác định “ở đâu có thanh niên ở đó có tổ chức Hội hoặc các hoạt động của Hội”…

Công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng được thực hiện có hiệu quả. Chất lượng cơ sở Đoàn được nâng cao; đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội, Đội các cấp được củng cố. Năng lực tham mưu cơ chế, chính sách thúc đẩy công tác thanh niên và giải quyết các vấn đề trong thanh niên được nâng lên. Các phong trào thi đua yêu nước do Đoàn, Hội phát động không ngừng được đổi mới. Công tác phối hợp trong giáo dục, bồi dưỡng, chăm lo và phát huy thanh niên, thực hiện nhiệm vụ công tác thanh vận được mở rộng, chặt chẽ hơn và nâng cao chất lượng.

Các cấp bộ Đoàn đã chú trọng tới việc tuyên truyền, phổ biến trên internet và mạng xã hội; hình thức thi trực tuyến trên internet, thiết bị di động thông minh ngày càng phổ biến, mang lại hiệu quả cao trong công tác giáo dục của Đoàn.

Hệ thống báo chí, xuất bản của Đoàn tiếp tục phát triển, đã xây dựng được nhiều tuyến bài, ấn phẩm, tổ chức nhiều hoạt đọng sau mặt báo góp phần giáo dục lòng yêu nước, định hướng giá trị đạo đức, lối sống văn hóa và ý thức công dân cho thanh thiếu niên. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tôn vinh, nhân rộng các gương điển hình thanh niên tiên tiến trên các lĩnh vực, đối tượng được triển khai thường xuyên, đạt hiệu ứng lan tỏa rộng rãi.

Trong công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, thanh niên. Đoàn các cấp tập trung triển khai và nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ học thuật, sân chơi, ngày hội, diễn đàn trực tuyến giúp học sinh, sinh viên trang bị phương pháp học tập, kỹ năng thực hành, tư duy sáng tạo. Tổ chức các hội thảo, hội nghị, diễn đàn nghiên cứu khoa học, hỗ trợ sinh viên, giảng viên trẻ đảm nhận các đề tài nghiên cứu khoa học. Các quỹ khuyến học, khuyến tài, giải thưởng, học bổng dành cho học sinh, sinh viên tiếp tục được mở rộng về quy mô, nâng cao về chất lượng. Các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đến trường được tổ chức thông qua chương trình “Tiếp sức đến trường”.

Từ năm 2016, các cấp bộ Đoàn triển khai Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016 – 2021 tập trung vào các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp, tổ chức tập huấn, đào tạo kiến thức khởi nghiệp, được đoàn viên, thanh niên quan tâm tham gia, bước đầu đã thu hút được sự chú ý của chính quyền địa phương, đơn vị và các doanh nghiệp. Triển khai Đề án Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019 – 2022…

Trong thời gian tới Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội LHTN Việt Nam sẽ tập trung vào các mặt: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự hướng dẫn của MTTQ Việt Nam các cấp về vai trò, tầm quan trọng của công tác triển khai thi hành Luật; MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp phải thực hiện tốt các nội dung của Luật, thông qua hoạt động góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị; Tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội, thực hiện dân chủ ở cơ sở; Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp; phát huy vai trò của các tổ chức thành viên các cấp; Tiếp tục thực hiện, đổi mới nội dung phương thức hoạt động, sát với nhiệm vụ chính trị của địa phương ở mỗi giai đoạn.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam khẳng định: Luật ra đời tạo khuôn khổ hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động của các tổ chức trong đó có Đoàn Thanh niên. Có những chuyển động, thay đổi trong nhận thức, tư duy, cách thức và phương thức phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị. “Trước đây giám sát, phản biện xã hội là chưa có, việc đặt vấn đề phản biện cũng khác, cơ chế phối hợp giữa cấp ủy chính quyền và tổ chức xã hội chưa cao. Tuy các điều khoản quy định tương đối cụ thể và rõ ràng nhưng tổ chức thực hiện còn tùy thuộc vào nhận thức của cấp ủy, chính quyền cơ sở". Anh Tuấn cho biết thêm.

Hàng năm, giám sát phản biện xã hội thì BCH Trung ương Đoàn đều thông qua kế hoạch, giám sát, kiểm tra; giám sát theo chương trình như cấp ủy, chính quyền đều đăng ký với MTTQ và thực hiện. Phản biện xã hội cũng vậy nếu cần đều báo cáo MTTQ thực hiện. Các nội dung khác tùy từng nội dung sẽ phân công các đơn vị thực hiện.

Trao đổi về những hạn chế, anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết việc thực hiện quy định phản biện xã hội còn gặp nhiều vướng mắc và khó khăn. "Đoàn thanh niên thực hiện giám sát thì tốt rồi, nhưng còn phản biện như thế nào, phản biện cho ai, thông qua kênh nào và tiếp thu như thế nào...? Ở hầu hết các chính sách ban hành, cơ bản đều liên quan đến đối tượng thanh niên, nên nếu phản biện xong mà không được tiêp thu, có khi không được quan tâm nữa sẽ không tạo được tiếng nói của mình cũng gay!". Anh Tuấn nêu vấn đề.

Kiến nghị và đưa ra giải pháp để nâng cao hiệu quả thi hành Luật MTTQ Việt Nam, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng cần đổi mới các kỳ họp của Ủy ban Mặt trật Tổ quốc Việt Nam các cấp, bám sát tình hình đời sống nhân dân, kịp thời phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân, giám sát việc thực hiện, trả lời cử tri của chính quyền. Bên cạnh đó, cần thể chế hóa quy định về phản biện xã hội, thành một nghị định, hoặc các văn bản dưới Luật để bắt buộc trách nhiệm tiếp thu, giải trình của chính quyền với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh kết luận buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh nhấn mạnh, qua 5 năm thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở trong tổ chức Đoàn, Hội đã thu được nhiều kết quả tích cực. Từ đó, vị trí và vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị ngày càng được phát huy, đi vào chiều sâu, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, góp phần tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phó Chủ tịch Hầu A Lềnh đồng ý với những kết quả đánh giá và một số kiến nghị của Trung ương Đoàn, trong đó có kiến nghị về thể chế hóa quy định về phản biện xã hội. “Phản biện xã hội được thể chế hóa thành văn bản pháp lý thì rất tốt, vì phản biện xã hội rất khó và phản biện không có tiếp thu thì vô nghĩa”, Phó Chủ tịch Hầu A Lềnh nói.

Hải Đăng