Khi Gen Z la cà trên mạng - Bài 1: Đắm chìm trong nỗi sợ bị bỏ lỡ

(CTG) Kỷ nguyên số, sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội dẫn dắt thế hệ Z đi khắp những mê cung dường như không có điểm cuối trong thế giới ảo. Họ được gì, mất gì nếu cứ mải mê la cà trong thế giới ấy?

Phải nắm bắt những thông tin mới nhất để không trở thành “người ngoài cuộc”, hay “tối cổ” dường như đang trở thành một thói quen vô thức của người trẻ, khiến họ đắm chìm trong nỗi sợ bị bỏ lỡ.

FOMO (viết tắt của “fear of missing out” - hội chứng sợ bỏ lỡ) ám chỉ cảm giác lo sợ của một người có xu hướng suy nghĩ quá nhiều hoặc trở nên lo lắng khi nghĩ rằng bản thân đang bỏ lỡ điều gì đó quan trọng hoặc thú vị mà người khác đang trải qua.

Thói quen vô thức

Khi Gen Z la cà trên mạng - Bài 1: Đắm chìm trong nỗi sợ bị bỏ lỡ ảnh 1

Nhiều bạn trẻ thâu đêm lướt mạng vì… sợ bị bỏ lỡ

Đều đặn như cơm bữa, bạn Nguyễn Phương Anh (21 tuổi, quê ở Phú Thọ) - sinh viên ngành Quản lý xã hội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn “lượn lờ” từ 3 đến 4 tiếng mỗi ngày để cập nhật những tin tức và xu hướng mới nhất trên tất cả các nền tảng mạng xã hội. Không chỉ dùng những nền tảng quen thuộc như Facebook, TikTok, cô còn thường xuyên theo dõi các trang mạng khác như Weibo, Baidu, Douyin để tìm hiểu những thông tin “hot” nhất về đời sống của các ngôi sao.

Ban đầu, Phương Anh thật sự tò mò, muốn tìm kiếm và cập nhật những điều liên quan đến thần tượng. Nhưng càng về sau, nó trở thành áp lực vô hình, khiến cô bồn chồn, lo lắng mỗi khi không online. Cô sợ sẽ trở thành người lạc hậu, “tối cổ”, không hòa nhập được với bạn bè khi bỏ lỡ một thông tin nào đó mà nhiều người biết.

“Lướt mạng xã hội như một thói quen bắt buộc hàng ngày của mình. Một ngày không lướt mạng mình cảm thấy bứt rứt, khó chịu, cảm giác như người tối cổ. Khi dùng điện thoại mình được thỏa mãn sự tò mò và có cảm giác chiến thắng khi có thể trở thành người bắt trend nhanh nhất”, Phương Anh chia sẻ.

Cũng từ đây, Phương Anh gặp không ít những tình huống dở khóc dở cười chỉ vì lướt mạng. Thậm chí, cô bỏ dở dang công việc quan trọng vì hào hứng tìm hiểu về một trào lưu mới. Việc mải mê chạy theo xu hướng thông tin khiến Phương Anh đón nhận những áp lực trong vô thức, sợ lạc lõng khi mọi người nói về một câu chuyện mà mình không biết.

Những cảm giác lo lắng, sợ bị bỏ lỡ cũng xảy ra ở nam sinh Minh Khiết (21 tuổi, quê ở Ninh Thuận) - sinh viên năm 4 ngành Y đa khoa, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Mỗi ngày, Khiết dành hơn 8 giờ để lướt mạng xã hội tìm kiếm các tin tức mới về đời sống, trường học, trọng tâm là nội dung giải trí và truy cập vào các hội nhóm trò chuyện. Khiết cho đây là điều cần thiết để không mang cảm giác “lép vế” so với những người khác. Bởi nếu bỏ lỡ những thông tin, xu hướng mới mẻ sẽ khiến bản thân thua kém họ.

“Chỉ cần cầm điện thoại lên là bị cuốn hút, không còn tập trung vào việc học được nữa. Có những thông tin không thực sự khiến mình hứng thú, nhưng bắt buộc mình phải biết đến nó, phải tìm hiểu nó. Dần dần tạo cho mình tâm lý, người khác biết, mình cũng phải biết vì không muốn thua kém người khác”, Khiết nói.

Cuộc sống sinh hoạt của chàng trai dần bị đảo lộn kể từ khi bị cuốn vào việc cập nhật thông tin quá mức. Khiết kể, có những hôm dù rất buồn ngủ nhưng bị cuốn hút vào các thông tin mới đăng tải nên thường xuyên thức tới 1 - 2 giờ sáng. Sáng hôm sau khi thức dậy, cơ thể mệt mỏi, uể oải nhưng điều đầu tiên khi thức dậy là mở điện thoại xem có thông báo gì mới hay không.

Trước thói quen thường xuyên thức khuya để lướt điện thoại, cơ thể của chàng trai này có những dấu hiệu cảnh báo. Với thói quen xem điện thoại trong môi trường thiếu sáng liên tục, thị lực của cậu suy giảm khi độ cận tăng lên đáng kể và mắt luôn có cảm giác khô rát. Cậu mắc chứng đau đầu, mất ngủ trong một khoảng thời gian 2 tuần.

“Thời điểm đó khiến mình mệt mỏi, đêm nào cũng trằn trọc tới 3 giờ sáng. Ban ngày thì không có sức để học tập và làm việc. Nhưng càng mất ngủ, mình lại càng cố “giết thời gian” bằng cách xem điện thoại”, Khiết kể.

FOMO - “bẫy phân tâm”

Phan Ngọc Đông Giang (23 tuổi, sống ở Đồng Nai) tình cờ phát hiện bản thân mắc hội chứng tâm lý FOMO khoảng 3 năm trước, từ sự tham vấn bởi các chuyên gia tâm lý học công khai trên hội nhóm.

 

“Quá chăm chăm vào thế giới ảo, đôi lúc khiến mình thiếu bình tĩnh trong các cuộc nói chuyện với người nhà. Ngay khi không vừa lòng với điều gì đó mình sẽ vô tình thốt ra những lời khó nghe”, Giang nói.

Giang dùng toàn bộ thời gian rảnh cho việc cập nhật thông tin mới hàng ngày trên nền tảng Facebook. Không chỉ dừng lại ở nỗi lo tiếp nhận tin tức chậm, Giang bị ám ảnh ngay cả với việc mua sắm online. Khi chưa thể mua một món hàng yêu thích, cô cảm thấy bứt rứt và dành thời gian để canh món hàng đó vì sợ “không đến lượt”.

Bằng những thuật toán “gây nghiện”, mạng xã hội liên tục tự động đưa ra các thông tin đề xuất mà người dùng có thể quan tâm dựa trên những tìm kiếm trước đó. Vì vậy, chỉ cần một lần tìm kiếm một nội dung nào đó trên các nền tảng quen thuộc như Facebook, Tiktok, Instagram,... thì lập tức các thông tin tương tự sẽ được lặp lại và hiển thị liên tục. Đây là lý do Giang ngày càng bị cuốn sâu vào những “vòng lặp” thông tin. Hễ cứ có ý định mua sắm gì đó, Giang lại được Facebook đề xuất những thông tin liên quan.

Giang kể: “Đôi khi thấy một bài đăng trên mạng xã hội, có điều gì đó thôi thúc mình phải bình luận, phải tương tác với nó. Nhiều khi mình nhận ra đã quá bận tâm về những việc không cần thiết”.

Từ khi dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng mạng xã hội để cập nhật các thông tin mới, công việc của Giang cũng bị ảnh hưởng. Cô không thể tập trung làm việc bởi chỉ cần bỏ điện thoại xuống sẽ cảm thấy “thiếu vắng”. Trong suốt quá trình làm việc cũng không thể chú tâm vì những tiếng thông báo đến từ điện thoại.

Đối với các mối quan hệ xung quanh, Giang dần tự thu hẹp bản thân, né tránh những cuộc giao tiếp. Thay vì trò chuyện trực tiếp, Giang chú tâm nhiều hơn vào các cuộc bàn luận sau màn hình điện thoại.

Trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này, TS. Võ Văn Sơn - giảng viên Văn hoá học, Trường Đại học Tiền Giang nhận định, mỗi mẩu tin ngắn, video clip trên nền tảng mạng xã hội chỉ khoảng vài ba dòng, vài chục giây kèm theo hình ảnh bắt mắt, nhạc nền với đủ cung bậc “hỷ, nộ, ái, ố” cũng đủ sức cám dỗ ghê gớm với nhiều người, nhất là giới trẻ.

“Có một công thức chung mà nhiều TikToker nói riêng và những người “khơi nguồn” tranh luận trên mạng xã hội nói chung đã khai thác triệt để, đó là: “Sự nổi tiếng = chiêu trò phản cảm + hành vi gây sốc + hình ảnh độc lạ + bất chấp tai tiếng + chấp nhận thị phi”, TS. Sơn cho biết.

Theo đó, sự đắn đo, cân nhắc và không biết gạn đục khơi trong của người dùng mạng xã hội vô hình chung chìm đắm trong nỗi sợ bị bỏ lỡ. Nếu dễ “phấn khích” và thỏa mãn khi tiếp nhận được một tin tức mới, độ sâu tri thức của bạn trẻ dễ bị bào mòn và đồng hoá.

Theo khảo sát từ MyLife.com, 56% người dùng mạng xã hội gặp phải hội chứng FOMO, trong đó 48% cho biết mạng xã hội khiến họ cảm thấy như mình đang bỏ lỡ nhiều trải nghiệm. 45% số người được khảo sát mắc hội chứng FOMO không thể chịu đựng quá 12 giờ mà không kiểm tra mạng xã hội.

Theo TP