Cuốn tiểu thuyết này sẽ có mặt tại Hội chợ Sách TPHCM trong ít ngày nữa. Tâm sự về tác phẩm này, GS Ngô Bảo Châu cho biết: “Đa số những người thích đọc sách đều có một chút tham vọng viết sách, trở thành nhà văn. Tôi quan niệm rằng viết văn là viết trước hết cho bạn bè, vì đọc văn là một sự chia sẻ rất nhiều giữa người đọc và người viết. Những người chưa là bạn, cũng có thể trở thành bạn qua việc đọc sách”.
![]() |
Qua những tâm sự đó, có thể thấy việc viết văn cũng là chuyện khá bình thường của rất nhiều người thích đọc sách. Như thế, một người từ đọc nhiều rồi lại viết văn cũng là chuyện thường tình. Thêm nữa, để viết văn và có được tác phẩm giá trị thì tác giả phải là người có vốn sống. Kèm theo đó là cả trí tưởng tượng phong phú nữa. Theo những tổng kết quốc tế tại rất nhiều nước, có 4 loại người dễ trở thành nhà văn là bác sĩ, luật sư, nhà giáo và nhà báo vì những nghề này có môi trường tiếp xúc nhiều với xã hội. Riêng với nhà khoa học, trong một chừng mực nào nó thì họ cũng là nhà giáo nữa và ngoài vốn sống, họ còn phải có được một tố chất để làm sao những công thức, con số buồn tẻ của toán học và những khái niệm khoa học chuyên môn khác trở nên sống động, có hồn.
Chính vì thế mà tiểu thuyết toán hiệp “Ai và Ky ở sứ sở của những con số tàng hình” đã GS Ngô Bảo Châu viết ra. Đến đây, nhiều người đặt câu hỏi là trước đó có nhà khoa học Việt Nam nào tham gia viết tiểu thuyết hay không? Câu trả lời hoàn toàn khẳng định rằng “Chắc chắn là có” nhưng bạn đọc chỉ quan tâm nếu như đó là những tác phẩm mang tâm hồn khoa học chứ không phải là thứ văn nghệ của đời thường. Chính vì thế, những gì đọng lại với độc giả về cơ bản là chưa có đủ ấn tượng để công chúng nhìn nhận rõ ràng của một nền nghệ thuật đan xen với khoa học.
Song dẫu sao cũng phải nhìn thẳng vào thực tế của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước mà trong đó sẽ không thể thiếu sự tham gia không chỉ là động viên, cổ vũ của văn học nghệ thuật. Theo một chuyên gia từng phụ trách khoa học công nghệ của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), chính khoa học công nghệ sẽ có được những động lực phát triển mới nếu nó được kết hợp, động viên cổ vũ của văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, để đi sâu vào nó thì đó là điều không dễ gì vì phải hiểu biết về khoa học, thậm chí dự báo trước được thành tựu thì mới có thể làm được. Bởi thế, không ít các nghệ sĩ cho rằng, cách tốt nhất là cần có những động viên, khích lệ để chính các nhà khoa học để tâm hơn đến tay trái của mình. Trong một chừng mực nào đó, cỗ máy thật chưa đủ điều kiện ra đời thì những tác phẩm đó của họ chính là những cỗ máy mơ ước.
Cũng chưa lâu lắm, độc giả Việt Nam được biết đến một tác phẩm là “Giáo sư và công thức toán” của tác giả Yoko Ogawa do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Xuất bản lần đầu tiên tại Nhật Bản năm 2003, “Giáo sư và công thức toán” lập kỷ lục với doanh số bán ra hơn một triệu bản chỉ trong vòng 2 tháng ngay sau khi nhà xuất bản Shinchosha phát hành dưới dạng sách bỏ túi vào năm 2005. Sau đó, tiểu thuyết được chuyển thể thành phim và công chiếu rộng rãi vào năm 2006. Bộ phim đã gây ra một cơn sốt tại Nhật Bản, đạt doanh số hơn 1,2 tỷ Yên. Cuốn sách đã giành giải thưởng của Hiệp hội các nhà phát hành sách lần thứ nhất và giải thưởng Yomiuri lần thứ 55. Cũng chính vì điều đó và hút được một lượng bạn đọc đáng kể phải quan tâm đến toán học, tác giả của nó đã được Hội Toán học Nhật Bản trao tặng một giải thưởng đặc biệt.
Đất nước Việt Nam đang trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại học và phải có những hành trang khoa học cho mọi công dân để bước trên con đường đó. Vì thế, rất cần có những tác phẩm văn học chứa đựng những nội dung về khoa học. Nên chăng, chính các tổ chức hội nghề nghiệp của các nhà khoa học cần xây dựng ra các giải thưởng văn học về những định hướng nội dung đó để động viên, cổ vũ người viết và góp phần hướng đạo với đông đảo bạn đọc.
Theo Tầm Nhìn