|
Anh lính vùng biên vì dân bản
Với anh lính biên phòng Nguyễn Quốc Bảo, đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng A Nông luôn nhớ lời Bác để cảnh giác trước kẻ thù, một lòng trung thành với Đảng, với đất nước dù hằng ngày đối đầu trực diện với nguy hiểm. Anh tâm sự, các chiến sĩ biên phòng rất gần gũi bà con bởi Bác đã dạy mỗi người dân là tai, là mắt của cán bộ. Là cán bộ Đoàn, cán bộ vận động quần chúng của đơn vị, bản thân anh đã tích cực vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Được sự đầu tư, hỗ trợ của các cấp chính quyền, anh đã cùng anh em trong chi đoàn tích cực tham gia triển khai thí điểm làm lúa nước tại thôn A Cấp, xã A Nông, huyện Tây Giang.
Hai hécta lúa qua vụ đầu tiên đã đạt năng suất bình quân là 56,25 tạ/hécta. Từ mô hình này đã giúp cho nhân dân trên địa bàn biên giới thấy được hiệu quả, tin tưởng và áp dụng triển khai sâu rộng trong các vụ mùa tiếp theo, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho đồng bào biên giới. Tuy công việc của một người lính biên phòng nơi vùng biên có nhiều khó khăn, nhưng anh quyết không chùn bước bởi anh biết luôn có dân bản tin yêu và kỳ vọng ở mình.
Nghị lực vượt khó của chàng trai “tí hon”
Lúc mới chào đời, Võ Cẩm Tiên (thôn Cẩm Phô, Tiên Cẩm, Tiên Phước) mắc chứng bệnh còi xương bẩm sinh nên nay dù đã 26 tuổi nhưng anh chỉ cao 1,25m và cân nặng 30 kg. Cha mất sớm, một mình mẹ vất vả nuôi anh ăn học.
Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Tiên từ bỏ ước mơ học đại học, anh xin học nghề cơ khí. Sau 2 năm vất vả mới có được cái nghề trong tay, “chàng tí hon” về lại địa phương và đã mạnh dạn vay gần 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện để mở tiệm sửa chữa điện cơ. Với lợi thế nhà ở ngã ba của tuyến đường đi ba xã Sơn Cẩm Hà, nên chỉ trong thời gian ngắn tiệm sửa chữa của anh được nhiều người biết đến. Tiên tâm sự: “Mình muốn tự mình bươn chải, để không phải phụ thuộc cha mẹ về mặt kinh tế”.
Không chỉ tự nuôi sống được bản thân, anh còn quan tâm giúp đỡ, nhận đào tạo nghề cho nhiều lao động trong xã. Từ khi mở tiệm sửa chữa đến nay, dù mới được 3 năm nhưng Tiên đã dạy nghề cho 5 bạn trẻ có hoàn cảnh không được may mắn. Trong đó, có người sau khi học xong mở tiệm sửa chữa và có thu nhập ổn định. Điều đáng quý ở Tiên là dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng tất cả bạn trẻ đến học nghề anh đều không lấy tiền.
Hiện nay, sau khi trừ chi phí, Tiên thu nhập ổn định ở mức 5 triệu đồng một tháng. Anh đang dự định mở rộng tiệm và nhận nhiều trẻ em về dạy nghề để giúp cho những người có hoàn cảnh không may mắn như mình có được công việc ổn định, có thể tự nuôi sống được bản thân. Nhìn đôi bàn tay nhỏ nhắn làm thoăn thoắt mới thấy hết được sự nhiệt tình và niềm say mê nghề nghiệp của chàng trai Võ Cẩm Tiên. Tiên cũng như nhiều người có số phận không may mắn khác, nhưng ở anh người ta thấy được một nghị lực phi thường để vươn lên cùng với những ước mơ đầy tinh thần nhân ái.
Đến với đàn em
Đã hai năm nay, mỗi mùa hè đối với trẻ em ở thôn Đông Thạnh Tây xã Tam Hòa, huyện Núi Thành là một khoảng thời gian đầy bổ ích, nhất là đối với các em bị học lực trung bình yếu mà không có điều kiện học thêm để bổ sung kiến thức trước khi vào năm học mới. Lớp học tình thương do nhóm tình nguyện Chong Chóng Xanh đứng ra tổ chức chính là địa chỉ tạo cơ hội học tập tốt hơn cho trẻ em trên địa bàn.
Ngày mới vào lớp học tình thương này, em Nguyễn Kim Bảo Quỳnh mặc dù đã học lớp 4 nhưng vẫn còn khá rụt rè trong giao tiếp. Sau gần 3 tháng hè được các “thầy cô” là đoàn viên thanh niên tận tình giảng dạy, em Quỳnh đã trở nên tự tin hơn. Bản thân em cũng trở nên ham học hơn rất nhiều so với trước. “Ở đây con thấy rất vui và thoải mái vì các anh chị dạy rất dễ hiểu và con còn được tham gia nhiều trò chơi vận động”, Bảo Quỳnh nói.
|
Có hơn 30 học sinh tương tự như thế đã đến với lớp học này từ những ngày hè đầu tiên. Hầu hết các em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không được đi học thêm, có em lại phải làm trong dịp hè để phụ giúp gia đình nên việc học hành dường như gặp trở ngại. Hiểu và sẵn sàng sẻ chia với trẻ em ở quê mình, nhóm học sinh 3 trường THPT Núi Thành, Nguyễn Huệ, Cao Bá Quát đã tình nguyện đứng lớp truyền đạt kiến thức cho các em.
Trưởng nhóm Chong Chóng Xanh, cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Võ Thảo đã “thai nghén” ý tưởng khi còn là học sinh THCS. CLB hiện có 47 thành viên chính thức và gần 60 cộng tác viên. Đến nay, cái tên “Chong Chóng Xanh” đã trở nên quên thuộc với người dân Núi Thành. Giải thích với chúng tôi về tên gọi khá đặc biệt này, Thảo nói: “Chong chóng là hình ảnh trẻ nhỏ rất thích, nó quay được là nhờ gió - một năng lượng tự nhiên. Xanh có nghĩa là niềm tin và hy vọng. CLB được thành lập không ngoài mục đích tiếp thêm nghị lực cho các bạn học sinh nghèo vượt khó thông qua các hoạt động tình nguyện, các lớp dạy hè miễn phí”.
Không chỉ có điểm trường tại thôn Đông Thạnh Tây, đến nay, các lớp ôn tập văn hóa hè đã lan rộng ra nhiều thôn khác trên địa bàn huyện Núi Thành và kết quả đã góp nâng cao chất lượng công tác giáo dục ở địa phương.
Phan Tuấn - Quang Quỳnh |