Khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ - Không phải sản phẩm nào ra đời cũng thành công

Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang trở thành xu hướng mạnh mẽ tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào ra đời cũng thành công.

Có thể nói, chưa bao giờ cụm từ như "Startup", "tinh thần khởi nghiệp" được nhắc đến nhiều như hiện nay. Không khó để thấy cụm từ này xuất hiện trong nhiều tọa đàm các cấp, các sự kiện của nhiều nhóm từ doanh nhân cho tới sinh viên…Nghiên cứu của Đại học Technische Universitat Munchen (TUM) và công ty nghiên cứu thị trường Gesellschaft fuer Konsumforschung (GfK) đã chỉ ra rằng, Việt Nam là đất nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới.

Điểm chung của tinh thần khởi nghiệp ở tất cả các doanh nghiệp bắt đầu bước chân vào thương trường, đó là sự nhiệt tình, hừng hực khí thế, cảm thấy như không có gì có thể dập tắt được ý tưởng của họ, cho dù số vốn trong tay không phải là nhiều. Thế nhưng chỉ sau đó một thời gian ngắn, cái “khí thế hừng hực đó” bắt đầu trùng xuống rồi dần dần tắt hẳn. Con số chỉ 1% start up thành công là một minh chứng rõ rệt cho điều này. Song, kinh nghiệm của những doanh nghiệp thành công cho thấy: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các start up không được phép nản lòng. Một nhà đầu tư Hàn Quốc kể về trường hợp một doanh nhân trẻ Việt Nam khi tìm đến ông để đề nghị được vay vốn đầu tư một cửa hàng ăn uống với số tiền là 20 triệu đồng. Nhà đầu tư đặt một loạt câu hỏi: Địa điểm như thế nào? Đầu bếp ra sao, kế hoạch phục vụ, giá cả cũng như dự kiến doanh thu, và quan trọng là sau bao lâu thì lấy được vốn ban đầu? Tuy nhiên những câu hỏi này vị doanh nhân trẻ kia đều không trả lời được.

Bất cứ một start up nào cũng vậy, khi bước chân vào khởi nghiệp, ý tưởng là một khía cạnh, nhưng quan trọng hơn là anh phải xây dựng được dự án kế hoạch kinh doanh của mình, phải có sự chuẩn bị rất kỹ về chiến lược kinh doanh sau khi đã nghiên cứu kỹ thị trường, đối thủ cạnh tranh, và quan trọng nhất là khả năng quản trị… Chứ không đơn giản anh chỉ cần vốn và ý tưởng thôi là đủ” – nhà đầu tư Hàn Quốc chia sẻ. Tuy nhiên, theo vị này, sau đó một thời gian khá lâu, vị doanh nhân trẻ kia quay lại và đưa ra các đáp số cho những câu hỏi về bài toán kinh doanh mà ông đã từng đặt ra, kết quả là, anh ta đã nhận được số vốn mà anh ta mong muốn.

Một hội thảo về khởi nghiệp tại Việt Nam chỉ ra 80% startup thất bại thường do không đủ nguồn vốn, tiêp sau đó là các nguyên nhân như sản phẩm chưa thật sự nổi trội và cần thiết với thị trường, vận hành không hiệu quả…

Thông thường, khi nói về khởi nghiệp, người ta hay nghĩ tới khởi nghiệp tự thân (Entrepreneur), khi một nhà khởi nghiệp đứng ra thành lập doanh nghiệp dựa trên một sản phẩm, ý tưởng đã có, họ chịu trách nhiệm toàn bộ cho dự án của mình. Song song cùng lợi ích lớn khi thành công là những rủi ro, mà rủi ro lớn nhất phải kể tới là họ có nguy cơ mất mọi thứ mình đã đầu tư vào doanh nghiệp của mình – Tiền, công sức, sản phẩm, nhân lực. Vốn mỏng, kinh nghiệm vận hành ít, sản phẩm phát triển chưa đáp ứng nhu cầu… khiến starup tự thân là một cuộc chiến mà phần thắng không dành cho số đông.

Bên cạnh đó, hoạt động khởi nghiệp cũng phát triển theo nhiều hình thức đa dạng, một trong số đó là những cá nhân khởi nghiệp trong chính doanh nghiệp nơi họ làm việc, được gọi là Intrapreneur, hay là In-house entrepreneur. Điều này xảy ra khi nhân viên trong một tổ chức, với một số sản phẩm đặc thù do họ tạo ra, cộng với một số kỹ năng kinh doanh nhất định, được giao trách nhiệm và quyền hạn để sử dụng các kỹ năng đó để phát triển một sản phẩm mới. Tại các công ty lớn, nhất là công ty công nghệ, một Intrapreneur được chủ động như một Entrepreneur, với nguồn cung cấp tài chính tốt, nguồn nhân lực ngay sẵn tại công ty để thực hiện sáng kiến sáng tạo của mình cho đến khi thành công mà không phải gánh chịu trách nhiệm về tài chính cho những thất bại.

Tại Việt Nam, khởi nghiệp trong lòng doanh nghiệp đang phát triển và trở thành một trong những lựa chọn tối ưu hơn của nhiều nhân sự giỏi, phát triển được các sản phẩm với tính ứng dụng cao dành cho một nhóm khách hàng. Một trong những công ty đang trở thành "cái nôi" cho các Intrapreneur Việt là FPT Software, với nhiều sản phẩm đang phát triển và bước đầu đạt được thành công như Codelearn, AkaDev, AkaDoc…

Nhằm mang lại bức tranh toàn cảnh về khởi nghiệp trong lòng doanh nghiệp, những cơ hội cũng như thách thức khi tham gia vào hoạt động này, FPT Software sẽ tổ chức sự kiện "INTRAPRENEURS – Khởi nghiệp trong lòng FPT Software" vào ngày 21/12/2019 tới đây.

Sự kiện quy tụ nhiều lãnh đạo của FPT Software như Giám đốc Điều hành FPT Software Trần Đăng Hòa, Giám đốc Tài chính FPT Software Nguyễn Khải Hoàn cùng các "Intrapreneur" đang phát triển trong chính nội bộ công ty với các dự án, sản phẩm của mình. Đây là dịp để các nhân sự đang phát triển trong ngành phần mềm với các sản phẩm tiềm năng, những ý tưởng mới có thể gặp gỡ và tìm kiếm cơ hội phát triển, đồng thời tạo ra một diễn đàn mở để cộng đồng cùng thảo luận về bức tranh công nghệ hiện nay, cùng sự lên ngôi của các nền tảng đang "nóng" như AI, Blockchain, RPA…

Nguồn: Khoinghiep.org

T.LN