Khởi nghiệp ‘ngược bão’: Đi trong đại dịch

(CTG) Hoạt động hơn 10 năm trong lĩnh vực may mặc, dịch COVID-19 ập đến cuốn đi nhiều đơn hàng lớn. Đúng lúc này, Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony quyết định “ngược bão”, chuyển đổi mô hình sản xuất sang xuất khẩu khẩu trang.

 

CEO Phạm Quang Anh (bên phải) đã xuất hơn 10 triệu khẩu trang vải ra thế giới chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2020. Ảnh: U.P

Ðịnh hướng khác biệt

Luôn nở nụ cười thân thiện chính là ấn tượng đầu tiên của chàng CEO Phạm Quang Anh (35 tuổi). Anh khoe đang cải tiến, gắn thêm nút thu dây khẩu trang để sản phẩm vừa vặn với khách hàng.

Kể về câu chuyện rẽ hướng làm khẩu trang, Quang Anh cho rằng đó là “duyên”. “Chúng tôi là công ty chuyên về quần áo, đồng phục có thị trường trong nước và xuất khẩu. Công việc đang vào guồng thì đùng một cái, đầu năm 2020 dịch COVID-19 bùng lên khiến toàn bộ đơn hàng gần như chững lại, hàng trong nước tồn kho, hàng xuất khẩu ngưng trệ. Có đơn hàng từ Mỹ đã lên kế hoạch trước tết, trước một ngày nhận cọc thì khách hàng báo ngưng… Mọi thứ dừng lại quá đột ngột khiến mình trở tay không kịp”, Quang Anh chia sẻ.

“Chúng tôi đang mời các chuyên gia của BSCI (tổ chức đánh giá trách nhiệm xã hội) hỗ trợ để được cấp chứng nhận quốc tế. Đây chính là “lá bùa” để Dony bước ra thế giới, tiếp cận khách hàng cao cấp. Có nhiều việc làm, đời sống công nhân sẽ đảm bảo hơn”.

Anh Phạm Quang Anh, CEO Công ty TNHH May mặc Dony

Ý tưởng xuất khẩu khẩu trang vải đến từ một người bạn hồi đại học của Quang Anh. Với 10 năm làm việc trong lĩnh vực y tế cộng đồng, người bạn này hiểu rõ quy trình sản xuất khẩu trang vải 3 lớp kháng khuẩn. Quang Anh quyết định “bắt tay” cùng bạn và việc chuyển hướng của Dony diễn ra không lâu sau đó. Các thủ tục đăng ký kiểm định được ráo riết chuẩn bị.

Thời điểm Dony sản xuất khẩu trang vải (tháng 3/2020), cũng là lúc nhiều doanh nghiệp khác đã “nhảy” vào thị trường khẩu trang. Quang Anh nhận được nhiều góp ý không nên mạo hiểm vì nhập cuộc chậm. “Không ai hiểu mình bằng chính mình, tôi định hướng khẩu trang của mình phải khác biệt. Tôi quyết định làm hàng tiêu chuẩn để xuất khẩu chứ không chỉ phục vụ nhu cầu tại chỗ, ngắn hạn” - Quang Anh nói.

Khi công ty làm mẫu thử cũng là lúc Bộ Y tế ban hành Thông tư 870 hướng dẫn về quy định khẩu trang vải kháng khuẩn, Quang Anh lập tức gửi sản phẩm đi kiểm định và được chấp thuận. Ngoài tính năng đã được kiểm định, bao bì đựng khẩu trang góp một phần tạo nên nét riêng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh từ người làm, khẩu trang tiệt trùng từ khâu kiểm tra phân loại, đóng gói. Để hoàn thiện 2 khâu này, anh đã bố trí sản xuất tại xưởng ở TPHCM, khâu hấp tiệt trùng bằng công nghệ điều khí E.O tại nhà máy ở Bình Dương. Sản phẩm chào bán ra thị trường, lập tức có hai công ty dược lớn trong nước đặt mua 70.000 cái cho lô hàng đầu tiên tặng y bác sĩ tại các bệnh viện dã chiến chống dịch.

Không chỉ chào hàng trong nước, Quang Anh đẩy mạnh giới thiệu hàng với đối tác ngoại, website thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp). Cũng từ đây, nhiều thị trường lớn trên thế giới bắt đầu biết đến Dony.

Bí quyết “đi sau về trước”

Thời điểm tháng 3&4/2020, dịch COVID-19 lan mạnh trên thế giới khiến nhu cầu khẩu trang của các nước rất cao. Sự bùng nổ doanh số khẩu trang khiến Quang Anh và các cộng sự đều bất ngờ. Giá trị thấp (chưa tới 1 USD/chiếc), nhưng đơn hàng rất lớn và do cấp bách trong mùa dịch, nên các đối tác thanh toán tiền rất nhanh.

“Lúc này việc ký hợp đồng rất gấp chỉ 1-2 ngày xong, nhưng trong vòng từ 10-20 ngày là phải có hàng xuất đi với số lượng lên tới cả triệu chiếc. Để đáp ứng đơn hàng gấp với số lượng lớn như thế là bài toán nan giải, vì chỉ tính thời gian chờ nguyên vật liệu cũng bằng thời gian phải giao hàng. May mắn trước đó chúng tôi có nguyên liệu dự trữ và khẩu trang may sẵn, vì mình nhận định tình hình dịch sẽ còn diễn biến phức tạp nên đã chủ động nguồn hàng. Đây chính là thời cơ để mình đưa hàng Việt vượt biên” - Quang Anh chia sẻ.

Khi bắt đầu sản xuất khẩu trang vải, công suất của Dony là 50.000 sản phẩm Dony Mask/ngày. Đến nay, Dony đã mở rộng quy mô sản xuất, nhà máy, liên kết đối tác gia công, nâng công suất lên 275 nghìn sản phẩm/ngày, tạo công ăn việc làm cho cả trăm lao động. Số đơn đặt hàng ngày càng lớn, số lượng hàng mỗi đơn tăng nhanh, đem lại doanh thu hàng triệu USD cho Dony.

Theo CEO Công ty TNHH May mặc Dony, mô hình của công ty là vừa sản xuất vừa làm thương mại trong ngành may mặc nên thuận lợi. Tuy nhiên, nếu theo mô hình thuần thương mại sẽ rất khó có đơn hàng do khách không thấy xưởng sản xuất, còn nếu thuần sản xuất thì số lượng nhân công sẽ tỷ lệ thuận với mức độ rủi ro. Do đó, công ty vận hành mô hình phối kết hợp, vẫn giữ lại bộ phận sản xuất giúp Dony có thể lên mẫu sản phẩm, hiểu quy trình sản xuất. Khi đơn hàng tăng vọt, công ty sẽ tìm các đối tác gia công bên ngoài theo chuẩn của Dony. Nhờ nắm quy trình sản xuất, công ty tính được thời gian cần thiết, số người cần thiết để làm ra một sản phẩm.

“Khẩu trang là mặt hàng ăn theo mùa dịch, dịch bùng nơi nào thì khẩu trang đắt hàng nơi đó. Do vậy, để có nhiều đơn hàng, công ty cần phải tìm kiếm đa dạng thị trường và vùng lãnh thổ. Song song với việc sản xuất khẩu trang và duy trì hoạt động sản xuất đồng phục, Dony đang mở rộng kế hoạch sản xuất trang phục bảo hộ y tế”, Quang Anh cho biết.

Hiện Công ty TNHH May mặc Dony đã sản xuất hơn 10 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn xuất khẩu đi khắp thế giới: Mỹ, Canada, châu Âu (Pháp, Đức, Bỉ...), Trung Đông, Singapore, Nhật Bản...và nhiều quốc gia khác. Thị trường chính vẫn là Mỹ, châu Âu, Trung Đông và tiếp tục mở rộng thị trường.

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đánh giá cao các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp trong thời điểm khó khăn này. “Để đối phó với ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trẻ tại TPHCM đã có giải pháp hay như tạo ra các sản phẩm mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, ổn định sản xuất. Họ không chỉ tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, mà còn hỗ trợ đầu ra cho bà con nông dân có nông sản ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, ông Dũng nói.

Theo TP