Nguyễn Văn Trỗi trước giờ bị xử bắn. |
Sau khi anh nằm xuống, cả nước tiếc thương anh - một người con trung hiếu của dân tộc. Quê anh ở làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Mẹ bị Tây giết trong một trận càn, lúc anh ba tuổi; cha bị bắt nên anh phải sống nhờ người bác. 15 tuổi, anh ra Đà Nẵng kiếm sống, sau đó vào Sài Gòn đạp xích lô, làm thợ điện, rồi tham gia vào đội biệt động thành (17-2-1964).
Tối thứ bảy (9-5-1964), khi đang đặt mìn dưới cầu Công Lý "đón” Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mc.Namara từ sân bay Tân Sơn Nhất về Đại sứ quán Mỹ trên đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), anh bị bắt. 9 giờ sáng hôm sau chúng giải anh về nhà, trước mặt chị Phan Thị Quyên, người vợ mới cưới 20 ngày, hòng lung lạc tinh thần anh: "Chăn gối mới tinh, êm ấm thế này mà không hưởng, nghe lời Việt cộng xui, bây giờ bị còng tay.” Anh còn nhớ anh đáp trả thế nào không? Anh nói: "Tao không thể cúi đầu sống yên thân trong khi bọn Mỹ mang bom đạn sang giết hại nhân dân tao. Tao muốn giết hết bọn Mỹ. Tao muốn miền Nam được giải phóng”. Bọn chúng dồn dập hỏi anh giấu chất nổ ở đâu, anh tức giận trả lời: "Hôm qua tao đã trả lời rằng tao không biết. Còn nếu chúng mày cố tình muốn biết thì cứ đến nơi nào có bọn xâm lược Mỹ ở mà tìm thì sẽ thấy chất nổ”. Sau đó chúng giải anh về khám Chí Hòa, rồi bắt chị Quyên và một số bạn anh vào tù tra xét.
Hộp mìn của anh và các đồng đội cũng như quả bom Phạm Hồng Thái năm xưa chứa đựng sự căm giận của nhân dân cả nước trước bọn xâm lược.
Có rất nhiều sự kiện trong những ngày anh bị giam ở khám Chí Hòa. Anh nhớ không, 9 giờ sáng ngày 5-8-1964, chúng đưa anh ra tòa. Bọn chúng dụ dỗ, hăm dọa anh đủ điều. Anh trả lời thẳng: "Tôi nói với mấy người, tôi làm việc phải, tôi giết bọn cướp nước thì dù nguy hiểm, dù thương tật hay hy sinh tôi cũng vui lòng.”. Ngày 11-8, phiên tòa mở lại, tuyên bố tử hình anh! Biết tin, cả Sài Gòn biểu tình phản đối, lên án Mỹ. Báo "Hành Động” đăng trang nhất tựa đề: "Hành hình công khai kẻ đặt mìn tại cầu Công Lý trên lộ trình của ông Mc.Namara hồi tháng 5 vừa qua”. Chiều 10-8, chị Quyên "chạy luật sư hết 5.000 đồng, mặc dù khi vào thăm anh ở khám tử hình, anh đã dặn: "Không cần luật sư, tốn tiền vô ích!”. Cái án tử hình không làm anh khiếp sợ. Anh vẫn sống những ngày cuối cùng thật đàng hoàng, tự tin.
Lúc bấy giờ, ở phía Tây bán cầu xa xôi du kích Vênêzuêla bắt được một trung tá tình báo Mỹ tên Smôlen (sau này là đại tá). Họ báo cho Tổng thống Mỹ Johnson đòi đổi mạng cho anh và tuyên bố: "Nếu ở Việt Nam, anh Trỗi bị xử bắn thì lập tức một giờ sau, quân du kích Vênêzuêla sẽ bắn tên Trung tá Mỹ”.
Không biết lúc ấy trong khám anh có thấy tờ báo "Thiện Chí” đăng ảnh anh đứng trước cái bàn có đặt quả mìn và cuộn dây điện, chạy đầu đề lớn gần kín trang báo: "Một cú điện thoại đòi đổi mạng một Trung tá Mỹ với Việt cộng Nguyễn Văn Trỗi” với nội dung: "Du kích Vênêzuêla bên Nam Mỹ bắt được một Trung tá Mỹ và đòi đổi mạng của tên Việt cộng Nguyễn Văn Trỗi với điều kiện "Nếu ở Việt Nam xử bắn anh Nguyễn Văn Trỗi thì ở Vênêzuêla một giờ sau họ sẽ xử bắn Trung tá Smôlen”.
Johnson đành phải ra lệnh cho chính quyền Sài Gòn hoãn xử bắn anh. Cả Sài Gòn thở phào! Mọi người chúc mừng chị Quyên, chúc mừng anh và mừng cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta được nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới sát cánh ủng hộ.
Nhưng khi quân du kích Vênêzuêla thả Trung tá Smôlen, thì chúng lật lọng, vội vàng bắn anh!
Anh Trỗi có muốn biết người du kích châu Mỹlatinh kia là ai mà gần gũi, thân thiết thế? Thưa anh, mãi 40 năm sau, mùa hè 2005, một nhà báo Việt Nam sang tham dự Festival Thanh niên sinh viên thế giới lần thứ 16 tổ chức tại Vênêzuêla đã cất công tìm kiếm được ông Guillermo Garcia Ponce, người chỉ huy bắt cóc Trung tá Mỹ để đòi đổi mạng cho anh. Một cuộc gặp gỡ hi hữu, cảm động. Năm 2005, ông đã 80 tuổi, làm Tổng Biên tập nhật báo VEA - một tờ báo ra đời tháng 9-2003, nhưng có số phát hành tới 80.000 tờ/ngày. Phòng khách tòa soạn báo treo chân dung Hồ Chủ tịch. Ông kể: "Để ủng hộ nhân dân Việt Nam, chúng tôi quyết định bắt một sĩ quan Mỹ làm con tin, yêu cầu trao đổi. Sau hơn hai tuần chuẩn bị, tối ngày 10-10-1964, 25 chiến sĩ du kích được trang bị súng ngắn và súng trường đột nhập vào trại lính ở thủ đô Caracas. Khi vào trong, Đại tá Henry Lee Choate chạy thoát. Chúng tôi chuyển sang bắt Trung tá Smôlen. Sau đó, chúng tôi bị bắt, bị tù đày, một số bị sát hại. Tôi bị tuyên án 30 năm tù giam!”. Nhưng năm 1968, ông Guillermo cùng đồng đội vượt ngục thành công. Ông tự hào: "Chúng tôi có một trái tim thép! Tôi cứ nhớ mãi và rất ngưỡng mộ cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam”.
Đến phút cuối cùng anh vẫn đàng hoàng, thanh thản bước tới cái chết với tinh thần bất khuất trước 40 nhà báo, quay phim, truyền hình trong nước và ngoài nước. Anh không chịu bịt mắt trước lúc hành hình. Anh nói: "Không cần! Hãy để tôi nhìn lần cuối cùng mảnh đất thân yêu của tôi!”. Đến hơi thở cuối cùng, anh vẫn chiến đấu quyết liệt. Hai tay bị trói giật sau cọc xử bắn, anh ngẩng cao đầu hô to: "Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”.
Phút giây thiêng anh gọi Bác ba lần, mãi mãi vang dội trên thành phố Sài Gòn, vang khắp cả nước Việt Nam, vang ra thế giới.
Anh là người được truy tặng danh hiệu Anh hùng nhanh nhất. Ngày 22-10-1964, đúng một tuần sau khi bị giặc giết, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thông báo quyết định tuyên dương anh là Anh hùng toàn miền Nam và tặng thưởng Huân chương Thành đồng Tổ quốc.
Bác Hồ đã viết về anh: "Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập”.
Một nhà báo nước ngoài viết: Đó không chỉ là một cái chết bất khuất. Đó là một cái chết chiến đấu đến cùng. Đúng là cái chết làm bừng tỉnh cho người sống.
Trải qua lịch sử đấu tranh cách mạng lâu dài, dân tộc ta thế hệ nào cũng có những Trần Quốc Toản, Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu, Kim Đồng, Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thùy Trâm… Người trước ngã xuống, người sau tiến lên, dân tộc ta quyết sống mãi, quyết đi tới.
Ngay tại chiến trường miền Nam, tháng 3-1965, nhà văn Trần Đình Vân nghe chị Phan Thị Quyên kể về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng ngắn ngủi và oai hùng của chồng, đã nhanh chóng viết tác phẩm "Sống như anh”. Đúng là một cái chết xứng đáng làm vẻ vang cho cả cuộc đời. Cái chết của anh không phải là dấu chấm hết mà là một cái chết gieo mầm. Anh có thể tự hào về điều đó!
Theo ĐĐK