Công việc thuận lợi thì thu nhập cao
Đang đảm đương 4 công việc cùng lúc, bao gồm: chụp ảnh; nhận chỉnh ảnh cho khách; chạy xe công nghệ và buôn bán các thiết bị, phụ kiện máy ảnh, Nguyễn Hoàng Ngọc Sơn (25 tuổi), ngụ đường Lê Văn Tách, P.An Bình, TX.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) cho biết thời gian gần đây phải làm việc 12 - 14 tiếng đồng hồ/ngày để kiếm tiền tiêu tết.
Sơn cho biết cuối năm là thời điểm tiệc tùng, đgụ đường Trường Chinh (Q.Tân Phú). Quê ở tỉnh Vĩnh Long, Thuận lên TP.HCM được hơn 10 năm nay. Chàng trai chia sẻ trước kia làm việc trong một công ty nhưng mức lương chỉ 5 triệu đồng/tháng mà thời gian lại gò bó nên Thuận nghỉ và chuyển sang làm tài xế công nghệ được 6 tháng nay.
Thuận cho biết thời gian gần đây, mỗi ngày đều bắt đầu bật ứng dụng, nhận chở khách từ 6 giờ và có khi đến 22 giờ mới kết thúc ngày làm việc. "Bình thường một ngày mình chỉ chạy xe 12 tiếng đồng hồ, nhưng dạo này gần tết rồi mà ế quá nên cũng hơi lo. Vì vậy, mình buộc phải tăng cường thêm thời gian, chạy xe từ 6 - 22 giờ mới dám nghỉ", Thuận nói.
Lý do Thuận tăng cường thời gian chạy xe không phải chỉ vì ế mà còn muốn kiếm tiền để tiêu tết. "Quay qua quay lại còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến tết, nếu không cày thì tiền đâu tiêu. Hôm nào chạy được nhiều cuốc xe thì được khoảng 600.000 đồng, nhưng chưa trừ xăng xe, tiền ăn uống", Thuận cho biết.
Còn anh Nguyễn Thiện Nguyên, ngụ đường Tây Thạnh, Q.Tân Phú (TP.HCM), thì chia sẻ tết đến có muôn vàn nỗi lo mà lớn nhất là vấn đề tiền bạc. "Cứ mỗi dịp tết đến là lại đau đầu nhức óc, không biết bao nhiêu tiền cho đủ. Những năm gần đây làm ăn khó khăn, tôi chạy xe công nghệ thì ế ẩm, bà xã làm trong ngành làm đẹp cũng vắng khách hơn mọi năm rất nhiều. Có những ngày tôi ở ngoài đường từ sáng đến chiều mà chỉ được 4 cuốc xe và bỏ túi vỏn vẹn 70.000 đồng", nam tài xế nói rồi thở dài.
Vấn đề tài chính dịp tết luôn là nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều người vì có lẽ đây là dịp mà cần chi tiêu khá nhiều. PGS-TS Nguyễn Thành Đạt, giảng viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), chia sẻ dịp tết là thời điểm chi tiêu thường tăng cao, từ mua sắm quà tết, thực phẩm, trang trí nhà cửa, đến mừng tuổi và các hoạt động giao lưu, vui chơi.
"Tùy vào từng gia đình, hoàn cảnh mà mỗi người sẽ cần có khoản tiền tiêu tết khác nhau. Tuy nhiên, để giảm bớt gánh nặng tài chính, chúng ta có thể áp dụng một số giải pháp như: giữ tâm lý tết không cần quá phô trương. Hãy xem đây là dịp để sum họp và sẻ chia niềm vui, không cần thiết phải chi tiêu quá nhiều, đặc biệt là những khoản mừng tuổi, quà tết. Nên có kế hoạch chi tiêu từ sớm. Ghi lại tất cả các khoản dự định chi trong dịp tết, từ lớn đến nhỏ, như quà tặng, thực phẩm, trang trí, lì xì… Trong đó cần ưu tiên những khoản cần thiết. Cần phải xác định được ngân sách tổng mà mình có và tính toán số tiền có thể chi mà không ảnh hưởng đến các khoản tiết kiệm hay kế hoạch dài hạn. Tận dụng các chương trình giảm giá, khuyến mãi cuối năm để mua sắm đồ tết và tránh mua gấp vào sát tết vì giá cả thường tăng cao", PGS-TS Nguyễn Thành Đạt chia sẻ.
Theo chuyên gia này, bằng cách lập kế hoạch sớm và chi tiêu thông minh, đặc biệt là chuẩn bị cho mình tâm lý tết là dịp sum họp, gặp mặt gia đình thì chúng ta sẽ tận hưởng một cái tết vui vẻ và ý nghĩa mà không lo lắng quá nhiều về tài chính.